Cô gái có “trái tim mãnh sư”

25/05/2020 - 08:00

PNO - Cô bé 15 tuổi Jyoti Kumari chở cha bằng xe đạp vượt qua đoạn đường hơn 1.100km gây xúc động trên thế giới.

Hình ảnh cô bé 15 tuổi Jyoti Kumari chở cha bằng xe đạp vượt qua đoạn đường hơn 1.100km với lời hứa “mẹ an tâm, con sẽ đưa cha về nhà an toàn” đang có sức xoa dịu cả đất nước Ấn Độ, quốc gia trong giai đoạn bùng phát COVID-19 với gần 150.000 người mắc bệnh, hơn 3.700 người tử vong.
Suốt hai tháng phong tỏa, hàng triệu người lao động nhập cư đã tìm cách rời khỏi các thành phố lớn của Ấn Độ. Họ tuyệt vọng, không một xu dính túi, cố gắng quay trở lại làng quê, nơi may ra còn có thể sống nhờ vào gia đình, họ hàng. Một số đã ngã gục trên đường cao tốc vì nắng nóng, hoặc chết vì kiệt sức. 

Các nhà nghiên cứu ước tính hàng chục triệu người đang di chuyển trước tình trạng lao động nhập cư cố gắng trở về nhà. Đây được đánh giá là cuộc di cư lớn nhất của lục địa kể từ khi Ấn Độ và Pakistan phân định vùng lãnh thổ năm 1947. 

Cô gái có trái tim mãnh sư Jyoti Kumari - Ảnh: BBC
Cô gái có "trái tim mãnh sư" Jyoti Kumari - Ảnh: BBC

Cha của Jyoti, ông Mohan Paswan - người lái xe kéo tại Gurugram, thành phố vệ tinh của New Delhi - thất nghiệp khi bị thương trong một tai nạn giao thông hồi tháng 1/2020. Người đàn ông không còn tiền, không thể di chuyển vì thương tật, bị chủ nhà trọ dọa đuổi và đã bị cắt điện... chỉ ước mong về lại được ngôi làng của mình cách đó 1.126km. Lúc ông Mohan lâm nạn, cô bé Jyoti cũng đã kịp rời quê lên thành phố chăm sóc cha và cùng gia nhập “đoàn quân” lao động nhập cư chui lủi giữa những tòa tháp lung linh, đầy rẫy triệu phú.

Ngày 8/5, Jyoti và cha xuất phát sau khi cô bé âm thầm mua chiếc xe đạp cũ giá 20 đô la bằng những đồng tiết kiệm cuối cùng của họ. Trong suốt hành trình, hai cha con xin thức ăn dọc đường, ngủ ở trạm xăng. Jyoti cho hay ngoại trừ một đoạn ngắn quá giang một chiếc xe tải, còn lại cô bé đã đạp gần 100 dặm một ngày. Trên đường đi, cô cũng tranh thủ mượn điện thoại nhắn trấn an mẹ: “Đừng lo, con sẽ đưa cha về nhà an toàn”. Cuối cùng, họ cũng đã về đến làng hồi cuối tuần trước. 

Vài hôm sau, ngày 21/5, cô bé nhận được cuộc gọi từ Liên đoàn Xe đạp Ấn Độ. Ông chủ tịch cho biết, rất cảm kích khi xem hình ảnh Jyoti đạp xe chở cha vượt qua hàng ngàn cây số “vượt thoát” khỏi cơn khủng hoảng ở thị thành. Đồng thời, liên đoàn cho biết, chương trình tìm kiếm tài năng trẻ của họ muốn đưa cô trở lại New Delhi để thực hiện một vài bài kiểm tra cho bộ môn đua xe đạp.

Truyền thông quốc tế dùng mỹ từ “cô gái có trái tim mãnh sư” để tôn vinh sự hiếu thảo và can trường của Jyoti Kumari, dù cô có trở thành vận động viên đua xe đạp chuyên nghiệp hay không, hoặc cứ tiếp tục là một cô bé can đảm. 

Khi Việt Nam đang tiến vào giai đoạn “bình thường mới”, tin tức toàn cầu vẫn còn bị bao phủ bởi các con số thống kê, hậu quả và ảnh hưởng của COVID-19, với hơn 5,4 triệu ca nhiễm, hơn 344.000 người đã tử vong và chưa dừng lại. Thế nhưng, đại dịch COVID-19 và những buồn đau của nó như chỉ hiện lên một câu chuyện về sự tận tụy của những con người mà hành động bảo vệ, chở che nhau như một phản xạ tự nhiên, hay bản năng sinh tồn. Với hy vọng có thể góp một ít tươi tắn cho bức tranh vẫn còn xám ngoét ấy, Sổ tay mùa dịch trên Báo Phụ Nữ TP.HCM đã cố gắng góp nhặt những câu chuyện từ khắp nơi. Và chúng tôi xin tạm kết thúc chuyên mục ở đây, nhưng tin chắc màu xanh từ những lát cắt của lòng tốt, sự dũng cảm, đức hy sinh đâu đó khắp địa cầu sẽ tiếp tục mãi bật lên, bất kể đó có là đại dịch hay là thứ gì khác. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI