Chuyên gia y tế Trung Quốc kêu gọi lối sống lành mạnh ở người trẻ

15/02/2025 - 13:26

PNO - Béo phì và tiểu đường ảnh hưởng đến nhiều người trẻ hơn hơn bao giờ hết. Nhiều người sử dụng mạng xã hội để chia sẻ các triệu chứng được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường khi còn trẻ.

Các nữ võ sĩ tập đấm bốc tại một phòng tập võ thuật ở Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, vào ngày 20 tháng 3 năm ngoái. Đấm bốc đã trở thành lựa chọn tập luyện mới cho nhiều phụ nữ. WU JUNJIE/CHINA NEWS SERVICE
Nhiều phụ nữ tập đấm bốc tại một phòng tập võ thuật ở Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây. Đấm bốc đã trở thành lựa chọn tập luyện mới cho nhiều phụ nữ - Ảnh: China News Service

Mới đây, tờ China Daily cho biết tại Trung Quốc, hashtag "bệnh tiểu đường bắt đầu ảnh hưởng đến người trẻ" đã trở thành một trong những chủ đề thịnh hành trên trang Sina Weibo, được đọc hơn 46 triệu lần.

Guo Xiaohui - bác sĩ cao cấp tại khoa nội tiết của Bệnh viện Đại học Bắc Kinh số 1 - chia sẻ rằng 20 năm trước, không có bệnh nhân tiểu đường nào của bà dưới 30 tuổi, nhưng hiện nay, khoảng 20% trong số đó dưới 30 tuổi.

Yao Qiyuan - bác sĩ cao cấp tại khoa béo phì và thoát vị của Bệnh viện Hoa Sơn thuộc Đại học Phục Đán - cho biết trong những năm gần đây, có những bệnh nhân tiểu đường đang học trung học cơ sở hoặc thậm chí là tiểu học ngày càng nhiều, một số trong những bệnh nhân này bị béo phì và huyết áp cao.

Ông cho biết, thật khó có thể tưởng tượng một đứa trẻ 12 tuổi có lượng đường trong máu đạt 20mmol/L và huyết áp đạt 200mmHg.

Trong y học, ai cũng biết rằng béo phì là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh tiểu đường và tim mạch.

Theo báo cáo năm 2020 về mức độ dinh dưỡng và các bệnh mãn tính của người dân Trung Quốc do Ủy ban Y tế Quốc gia công bố, khoảng 10% trẻ em dưới 6 tuổi bị béo phì, tỉ lệ này tăng lên gần 20% đối với trẻ em từ 6 đến 17 tuổi.

Bác sĩ Xie Zhuangli - Khoa nội tiết và chuyển hóa tại Bệnh viện Đồng Tế thuộc Đại học Đồng Tế - cho biết, khi người trẻ mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh tim mạch và huyết áp cao, nguy cơ gặp biến chứng của họ cao hơn đáng kể so với người lớn tuổi.

Ví dụ, đối với bệnh tiểu đường, trung bình phải mất từ ​​5-10 năm để bệnh nhân phát triển biến chứng sau khi được chẩn đoán, vì vậy những người trẻ tuổi có nhiều khả năng gặp biến chứng hơn.

"Những biến chứng này có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan, bệnh thận, thậm chí mù lòa và cắt cụt chi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hằng ngày của bệnh nhân và trở thành gánh nặng cho gia đình họ" - bà nói.

Các chuyên gia cho biết nguyên nhân khiến số lượng người trẻ mắc bệnh tiểu đường ngày càng tăng là do họ ăn nhiều thực phẩm có dầu mỡ, đường và có chế độ ăn uống không lành mạnh.

Các chuyên gia nhận định, một số nhãn hiệu đồ uống đã trở nên quá phổ biến với giới trẻ đến nỗi rất nhiều người trẻ hiếm khi uống nước.

"Quan trọng hơn, họ thiếu kiến ​​thức về các bệnh mãn tính và thường nghĩ rằng chỉ người lớn tuổi mới mắc những căn bệnh này" - Xie nói thêm.

Bà cho biết nhiều bệnh nhân tiểu đường trẻ tuổi đến bệnh viện để điều trị sau khi họ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng và thường thì đã quá muộn để can thiệp hiệu quả.

Bác sĩ Yao đề xuất rằng cần phải nỗ lực hơn nữa để tăng cường giáo dục sức khỏe cho thanh thiếu niên, theo dõi chế độ ăn uống của trẻ em và đảm bảo rằng trẻ em có đủ thời gian chơi thể thao mỗi ngày.

Trọng Trí (theo China Daily)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI