Nhật Bản lo ngại hệ thống y tế sụp đổ khi bệnh nhân COVID-19 tăng nhanh

04/08/2021 - 11:07

PNO - Giám đốc bệnh viện Tokyo đã cảnh báo hệ thống y tế của thành phố đang đứng trên bờ vực sụp đổ nếu không tăng cường giường cho những bệnh nhân COVID-19.

Bác sĩ Hironori Sagara, người đứng đầu Bệnh viện Đại học Showa của Tokyo cho biết, tình hình ở thành phố đăng cai Thế vận hội đang rất nguy kịch bởi sức ép từ việc gia tăng số lượng bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 khiến họ phải liên tiếp từ chối tiếp nhận các trường hợp nhiễm mới.

"Chúng ta đang ở một giai đoạn nguy cấp bởi nếu số lượng bệnh nhân COVID-19 tăng hơn nữa, thì những ca phẫu thuật có thể sẽ chậm trễ. Thậm chí, việc điều trị các bệnh nhân đau tim và đột quỵ có thể bị gián đoạn bởi nguồn nhân lực và giường bệnh đều giành để ưu tiên điều trị cho bệnh nhân SARS-CoV-2”. 

Nhật Bản đang phải vật lộn với sự gia tăng một cách chóng vánh các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Vào hôm qua 3/8, thủ đô Tokyo ghi nhận 3.709 ca nhiễm mới trong ngày, nó gần bằng con số kỷ lục 4.058 trường hợp nhiễm bệnh được ghi nhận vào ngày 31/7.

Điều này đã khiến hơn 70% giường cho những bệnh nhân SARS-CoV-2 thể nặng kín chỗ. Bác sĩ  Sagara cho biết, số giường dùng để tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 hiện nay gần như bằng không.

Các y tá chuẩn bị thuốc cho một bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Yokohama Rosai.
Các y tá chuẩn bị thuốc cho một bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Yokohama Rosai.

Hôm 2/8, nội các Thủ tướng Suga Yoshihide thông báo chính sách mới dành cho người nhiễm bệnh SARS-CoV-2. Theo đó, chỉ những bệnh nhân COVID-19 thể nặng và những người có nguy cơ bệnh diễn biến nặng mới được nhập viện, những người khác cần cách ly tại nhà nếu bệnh nhân chưa có dấu hiệu trở nặng.

Thông báo này được đưa ra khi tình trạng khẩn cấp được mở rộng ra ngoài thủ đô Tokyo nhằm mục đích giảm bớt gánh nặng cho các  nhân viên và những cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 3/8 vừa qua, Toshio Nakagawa, người đứng đầu Hiệp hội Y tế Nhật Bản (JMA) kêu gọi chính phủ ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp trên phạm vi toàn quốc nhằm kiềm chế sự bùng phát số ca nhiễm COVID-19 tại thủ đô Tokyo và nhiều nơi khác. 

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga tham dự một cuộc họp báo về ứng phó của Nhật Bản đối với đại dịch coronavirus (COVID-19), tại dinh thự chính thức của ông trong Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 30 tháng 7 năm 2021. REUTERS
Thủ tướng Nhật Bản, Yoshihide Suga trong một cuộc họp báo về ứng phó của Nhật Bản đối với đại dịch coronavirus trong Thế vận hội Olympic Tokyo - Ảnh Reuters

Thế vận hội đang diễn ra ở thủ đô Nhật Bản từ ngày 23/7 đến ngày 8/8 trong bối cảnh người dân nước này yêu cầu chính phủ hoãn hoặc khước từ việc tổ chức vì lo ngại tình hình bệnh dịch sẽ bùng phát ngay sau kỳ đại hội thể thao.

Tuy nhiên, Thủ tướng Suga và Ban tổ chức Olympic khẳng định không có bất kỳ mối liên hệ nào giữa Thế vận hội lần này và đợt tăng mạnh số ca nhiễm trùng mới. Có nhiều biện pháp được thiết lập để đảm bảo sự an toàn cho toàn thể những người tham dự Olympic.

Hơn 80% vận động viên và huấn luyện viên sống trong Làng Olympic tại Tokyo đã được tiêm phòng, họ bắt buộc phải trải qua các xét nghiệm và hạn chế việc di chuyển. Mặc dù vậy, các chuyên gia y tế cho rằng việc tổ chức sự kiện thể thao này đã gửi đi một thông điệp khó hiểu về việc phòng chống sự gia tăng đại dịch COVID-19 trên thế giới.

Vào ngày hôm qua, 3/8, có báo cáo 18 ca nhiễm mới liên quan đến Thế vận hội, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 ở các vận động viên và những người liên quan tới sự kiện thể thao này lên 294.

Trọng Trí (Theo Reuters, Japantimes)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI