Chuyện chiến sĩ công an cứu, giúp người gặp nạn trong đại dịch

18/08/2021 - 07:04

PNO - Trong đại dịch, ngoài việc tham gia tuyến đầu chống dịch, các cán bộ, chiến sĩ công an của TPHCM còn bảo đảm an ninh trật tự, tham gia cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ người dân.

Vừa cứu hộ, vừa phòng lây nhiễm bệnh

21g30, Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an Q.1 được tổ công tác của Công an P.Cầu Ông Lãnh báo tin, một người đàn ông có biểu hiện “ngáo đá” (say ma túy) ngồi thất thểu trên lan can cầu. Các chiến sĩ CNCH liền nhanh chóng đến hiện trường để phối hợp xử lý. Dù được thuyết phục khá lâu, người này vẫn lầm lì ngồi cheo leo, có thể rơi xuống đất, nguy hiểm tính mạng. Các chiến sĩ liền đặt nệm hơi cứu hộ bên dưới, đồng thời tìm cách tiếp cận và ít phút sau, đã giữ được người này. 

Cảnh sát giao thông dùng xe đặc chủng đưa người nguy kịch đi cấp cứu
Cảnh sát giao thông dùng xe đặc chủng đưa người nguy kịch đi cấp cứu

Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (PC07) Công an TPHCM cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến khá phức tạp, đơn vị phải vừa chống dịch, vừa bảo đảm công tác cứu hộ, phòng cháy chữa cháy. Có những trường hợp, chiến sĩ phải làm nhiệm vụ cứu hộ người nhiễm bệnh nên vừa phải đảm bảo nguyên tắc cứu hộ, vừa đảm bảo quy định về phòng, chống dịch.

Đầu tháng 8/2021, hai thanh niên trốn khỏi khu vực phong tỏa, bơi qua sông để đi câu cá. Không may, một trong hai người đuối nước, mất tích ở con rạch dưới cầu Tư Dinh, đường Lê Văn Lương, khu phố 1, P.Tân Phong, Q.7. Nhận được tin báo, PC07 đã điều hai xuồng máy cùng 16 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường để cứu hộ. Sau hai giờ, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể nạn nhân là N.T.Q.A. - 16 tuổi, ở Q.7. Chưa biết nạn nhân có bị nhiễm COVID-19 hay không, các cán bộ, chiến sĩ CNCH vẫn cho nạn nhân mặc đồ bảo hộ, chờ lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm rồi đưa xuồng về khử khuẩn. Tất cả cán bộ, chiến sĩ tham gia cứu hộ phải cách ly, chờ kết quả xét nghiệm âm tính mới tiếp tục làm nhiệm vụ.

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, các lực lượng của Công an TP.HCM có mặt trên mọi tuyến đầu chống dịch. Tại các chốt phòng, chống dịch COVID-19, cán bộ, chiến sĩ không chỉ làm nhiệm vụ kiểm soát việc tuân thủ quy định phòng, chống dịch mà còn sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ người gặp nạn ở những thời khắc sinh tử.

Giữa tháng 8/2021, ông Nguyễn Văn Giới - 68 tuổi, quê tỉnh Long An - lên cơn nhồi máu cơ tim, được chuyển từ tỉnh Long An đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cấp cứu. Khi hai người con chở ông Giới đến vòng xoay Nguyễn Văn Linh (H.Bình Chánh, TPHCM) thì xe bị hỏng, không thể chạy tiếp. Thấy bên đường có chốt kiểm soát dịch, con của ông Giới đến tìm sự giúp đỡ.

Nhận thấy tình hình khẩn cấp, đại úy Phan Thành Nghĩa ở Trạm Cảnh sát giao thông (CSGT) Tân Túc, thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TPHCM, liền báo cáo về đơn vị, sau đó cùng thượng úy Hoàng Như Mai dùng ô tô đặc chủng nhanh chóng đưa người bệnh đến Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu và đưa chiếc xe máy bị hư về tận nhà ông Giới. Hiện ông Giới đã qua cơn nguy hiểm và đang dần hồi phục sức khỏe. 

Tương trợ kịp thời 

Vừa về đến tỉnh Quảng Ngãi, trong khu cách ly, chị Phạm Thị Lý đã biên vội một lá thư tay gửi ngược vào TPHCM để cảm ơn chiến sĩ công an đã giúp mình trong những ngày “mắc kẹt” ở TPHCM do đại dịch COVID-19.

Chồng chị Lý mắc bệnh ung thư đã 5 năm nay; hằng tháng, chị phải đưa chồng vào Bệnh viện Ung Bướu TPHCM để xạ trị. Cuối tháng 5/2021, vợ chồng chị vào TPHCM chữa bệnh rồi bị mắc kẹt lại do dịch COVID-19 bùng phát. Để xoay xở trong những ngày khó khăn, vợ chồng chị thuê một phòng trọ ở P.Tân Phú, TP.Thủ Đức sống tạm. Chị kể: “Những ngày tôi và các bệnh nhân nghèo thuê nhà ở đây để chữa bệnh, mấy anh công an và nhà hảo tâm thường ghé lại cho gạo, thức ăn. Anh Phước hay lui tới xóm trọ cho thức ăn”.

Anh Phước mà chị Lý nhắc đến là trung úy Nguyễn Đình Phước, đang công tác tại Công an P.Tân Phú. Ngày 17/7, chồng chị Lý đột ngột trở bệnh nặng, ho ra nhiều máu khiến mọi người trong xóm trọ rất lo lắng. Sau nhiều cuộc gọi mà không kiếm được xe cấp cứu, chị Lý nhớ đến anh công an hay đến nhà phát quà cho mình đang trực ở chốt phòng, chống dịch COVID-19 gần nhà nên chạy ra nhờ giúp đỡ.

 

Lực lượng PC07 cứu hộ một người nhảy cầu Nguyễn Văn Cừ ngày 20/7
Lực lượng PC07 cứu hộ một người nhảy cầu Nguyễn Văn Cừ ngày 20/7

Chốt trực lúc này có trung úy Nguyễn Đình Phước và anh Trần Thái Sơn - dân quân khu phố 3, P.Tân Phú. Hai anh vội vàng liên lạc với nhiều đơn vị cấp cứu nhưng không có kết quả, vì các xe bận chở bệnh nhân COVID-19 nhập viện.

Sau một hồi liên lạc, một chủ xe cấp cứu ở Q.Phú Nhuận nhận đến hỗ trợ. Lúc bấy giờ, tài xế xe cấp cứu không rành đường ở Q.Thủ Đức, chị Lý cũng không rành, may nhờ anh Phước, anh Sơn dẫn đường nên xe đến kịp. “Khi xe đến, chồng tôi đã nguy kịch, ho ra máu rất nhiều. Bác sĩ nói chậm một xíu nữa thôi là chồng tôi khó qua khỏi” - chị Lý nhớ lại thời khắc sinh tử của chồng.

Sau khi chồng chị Lý xuất viện, anh Nguyễn Đình Phước thường ghé hỏi thăm và tặng quà cho gia đình. Bệnh viện yêu cầu điều trị ngoại trú, thường xuyên đến tái khám, vô thuốc. Trong những ngày giãn cách xã hội, xe ôm thưa vắng, chị Lý lại không rành đường, anh Sơn đã tình nguyện chở chồng chị đến bệnh viện điều trị rồi canh giờ đến chở về.

Mới đây, vợ chồng chị Lý được đưa về quê Quảng Ngãi. Nhớ lại hình ảnh anh công an và anh dân quân đội mưa gió đến nhà trọ giúp đỡ mình vượt qua những ngày khốn khó, chị quyết định viết một lá thư tay gửi vào đơn vị để cảm ơn hai ân nhân. Đọc những dòng chữ nguệch ngoạc nhưng chân thành này, các cán bộ Công an TP.Thủ Đức rất xúc động.

Anh Phước và anh Sơn cho hay, khi biết sức khỏe chồng chị Lý đã suy yếu, có nguyện vọng về quê sống những ngày cuối đời, hai anh đã liên lạc với đơn vị đưa người dân về Quảng Ngãi miễn phí và hướng dẫn thủ tục để vợ chồng chị Lý được hồi hương.

Đại dịch COVID-19 khiến nhiều cán bộ, chiến sĩ phải gác lại chuyện gia đình, tạm chia tay vợ con để đi làm nhiệm vụ. Nhờ có họ, nhiều gia đình đã được đoàn tụ, sum vầy, như chuyện gia đình cháu N.M.Đ. (15 tuổi) tìm được con mình trong đại dịch COVID-19.

Đ. quê ở tỉnh Bạc Liêu, theo cha mẹ đến thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiếm sống bằng nghề phụ hồ. Trong một lần bị cha mẹ la mắng, Đ. lấy xe đạp bỏ nhà đến TPHCM với ý định sẽ đạp xe về lại Bạc Liêu. Giữa trưa 2/8, tổ công tác của Công an P.25, Q.Bình Thạnh đang làm nhiệm vụ tại giao lộ Nguyễn Văn Thương - Điện Biên Phủ phát hiện một cháu bé đạp xe với dáng vẻ tiều tụy, mệt mỏi nên đã mời làm việc. Biết câu chuyện của cháu Đ., các chiến sĩ đã liên hệ với gia đình cháu. Người nhà cháu Đ. cho biết, không thể đến TPHCM đón con mình giữa lúc giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Các chiến sĩ Công an P.25 đã đưa Đ. về tận nhà trong niềm vui sướng, xúc động của người thân. 

May mắn khi gặp cảnh sát giao thông

Nhiều người dân đang trong hoàn cảnh ngặt nghèo đã may mắn được CSGT hỗ trợ.

Đêm 7/8, thấy hai người dân xuất viện định đi bộ hơn 10km từ Bệnh viện Xuyên Á về nhà ở xã Xuân Thới Đông, H.Hóc Môn, các chiến sĩ Trạm CSGT Tây Bắc đã chở họ về tận nhà.

Ngày 6/8, Đội CSGT Công an H.Nhà Bè phát hiện cụ ông 87 tuổi đi bộ ngang qua chốt kiểm soát. Qua hỏi thăm, biết cụ đã đi bộ hơn 3km và định đến điểm tiêm ngừa COVID-19, các chiến sĩ CSGT đã dùng xe đặc chủng chở cụ đến điểm tiêm.

Ngày 3/8, hai mẹ con quê ở H.Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh đi chạy thận nhân tạo ở TP.HCM trở về nhà thì bị hư xe, phải dắt bộ trong đêm tối, các chiến sĩ Trạm CSGT Tây Bắc đã dùng xe đặc chủng đưa cả hai về nhà.

Ngày 31/7, thượng úy Nguyễn Văn Hùng - thuộc Đội CSGT Công an Q.Phú Nhuận đã dùng xe đặc chủng dẫn đường đưa một sản phụ sắp sinh đến Bệnh viện Từ Dũ.

Sơn Vinh

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI