Chúng ta sẽ học lại các mối quan hệ trong giãn cách xã hội

09/07/2021 - 10:23

PNO - Các mối quan hệ của con người sẽ bị tác động thế nào trong hoàn cảnh giãn cách xã hội. Đó là trọng tâm của các nghiên cứu vừa được công bố.

Về cơ bản, công thức định nghĩa hầu hết “mối quan hệ của con người = thời gian + tình cảm + sự hiện diện cùng nhau”.

Vậy điều gì đã xảy ra với chúng ta khi các sợi dây liên kết đó bị đứt gãy trong đại dịch COVID-19? Giao tiếp trực tuyến có thể thay thế sự gần gũi giữa người với người? Làm thế nào để các cặp vợ chồng đương đầu với những căng thẳng chưa từng gặp phải? Đó là trọng tâm của các nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Mối quan hệ xã hội và cá nhân, số đặc biệt về đại dịch.

Người cô độc lại càng không ổn

Bà Pamela Lannutti, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tình dục Đại học Widener (Pennsylvania, Mỹ), cho biết, khi COVID-19 bùng phát, họ đã kêu gọi các nhà nghiên cứu chú tâm vào các mối quan hệ của con người sẽ bị tác động thế nào trong hoàn cảnh giãn cách xã hội. Kết quả dễ thấy đầu tiên là nhân viên y tế rất cần sự hỗ trợ từ vợ hoặc chồng trong thời gian khó khăn này.

Vai trò giới trong gia đình trở thành vấn đề gây chú ý với giới khoa học trong tình trạng giãn cách xã hội ẢNH: GETTY IMAGES
Vai trò giới trong gia đình trở thành vấn đề gây chú ý với giới khoa học trong tình trạng giãn cách xã hội - Ảnh: Getty Images

Kế đến, vai trò giới trong gia đình đã trở thành vấn đề gây chú ý khi một nghiên cứu từ New Zealand cho thấy, khi các biện pháp phong tỏa được thi hành, cha mẹ phải làm việc tại nhà, con cái cũng ở nhà do trường học đóng cửa, đã xảy ra sự thay đổi mức độ gánh vác trách nhiệm gia đình giữa nam và nữ. Gánh nặng này vốn được san sẻ đồng đều trong điều kiện bình thường nhưng đại dịch lại khác và người nữ bị ảnh hưởng nhiều hơn trong việc chăm sóc con cái. “Chắc chắn có một sự thay đổi vai trò giới từng có so với trước COVID-19. Đây là điều sẽ làm lay chuyển xã hội một cách bất ngờ và nhanh chóng”, bà Lannutti nói.

Một kết quả khác trái ngược với phỏng đoán, người độc thân không ổn trong tình trạng “đóng cửa, sống chậm” như người ta tưởng. Khảo sát đa quốc gia với gần 700 người độc thân, hầu hết là nữ khắp nơi trên thế giới cho thấy họ quan tâm nhiều hơn đến việc tìm kiếm bạn đời trong đại dịch. Người ta cũng tưởng rằng kẻ độc thân sẽ hạ thấp tiêu chuẩn về nửa kia của mình trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng không hề. Jennifer Bevan, giáo sư truyền thông Đại học Chapman, Mỹ, cho biết: “Họ vẫn quan tâm đến sự hấp dẫn về thể chất, ngoại hình”.

Bà Bevan cũng cho hay, video call có vẻ đã giải quyết tốt nhu cầu giao tiếp trong những ngày đầu giãn cách. Các công sở, công ty và các gia đình nhanh chóng thích ứng với các cuộc họp, gặp gỡ qua Zoom, Google Meet, Bluejeans hoặc các nền tảng kỹ thuật số khác. Nhưng ngay sau đó, không ít người gặp khó khăn khi phải chuyển sang hình thức giao tiếp số. 

Giai đoạn “bội thu” cho các mối quan hệ xã hội

Trong hoàn cảnh COVID-19 bủa vây, nghiên cứu chỉ ra có điều gì đó không ổn với những cặp đôi đồng giới LGBTQ. Bình thường, họ là những người hết sức kiềm chế, ít phàn nàn nhưng việc lockdown đã khiến mối quan hệ rắc rối hơn, sự lo lắng và trầm cảm nhiều hơn. Sự bức bối với mối quan hệ đồng giới cũng tồi tệ hơn nếu họ là người da màu hoặc mắc chứng tự kỷ đồng tính nội tâm.

Tuy nhiên, một yếu tố tạm xem là tích cực được các nghiên cứu chỉ ra rằng tình trạng giãn cách toàn xã hội là thời điểm “bội thu” cho các mối quan hệ mang tính chất xã hội, bởi khi mọi người không thể gặp mặt trực tiếp cùng nhau, thì ngay cả những nhân vật hư cấu hoặc những người của công chúng cũng trở nên như bạn bè. Sự cách ly càng làm người ta dễ tiếp cận với những người nổi tiếng thông qua mạng xã hội hoặc các nền tảng phát hình trực tuyến. “Người ta trông thấy thần tượng không phải trên sân khấu hay trong một bộ phim. Mà họ thấy người nổi tiếng ấy đang ngồi ở nhà của họ và trò chuyện với mình như những người thân”, giáo sư Bevan cho biết.

Theo Helen Lillie, nghiên cứu sinh tại Đại học Utah (Mỹ), lý thuyết về khả năng phục hồi trong giao tiếp cho thấy, những gia đình, vợ chồng nào xem xét thực hành các cách thức sau, có thể giúp họ vượt qua thời kỳ giãn cách dễ dàng hơn. Đó là duy trì các thói quen bình thường ngay trong nhà, vợ chồng nói chuyện với nhau nhiều hơn, cảm thông về mối bận tâm của nhau, nhắc nhở bản thân về những gì họ đặt niềm tin, điều chỉnh suy nghĩ theo cách tích cực hoặc khác đi, và cuối cùng là tập trung hướng về những dự định tốt đẹp đang chờ đón khi dịch bệnh kết thúc. 

Lillie đã khảo sát 561 người, nhằm xác định liệu các cặp đôi sử dụng việc tăng cường giao tiếp, chia sẻ với nhau có hòa nhập tốt hơn trong đại dịch hay không và câu trả lời là có. Nghiên cứu cũng cho thấy, mặc dù không phải lúc nào cũng cải thiện giao tiếp, nhưng sự hài hước cũng giúp vợ chồng đối phó với tình trạng bế tắc dễ dàng hơn. 

Nam Anh (theo Time)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI