Chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ trở thành bố dượng của ai, nên giờ đang hoang mang quá!

11/04/2022 - 16:29

PNO - Nên như một người bạn và hãy luôn mang đến cho bọn trẻ góc nhìn cần thiết cho các vấn đề trong cuộc sống, hết áp lực ngay.

Chị Hạnh Dung à,

Tôi ly dị đã hơn 10 năm nay và từng nhủ lòng sẽ không bao giờ mắc “sai lầm” tương tự nữa. Thế nhưng, thiệt tình là đời đưa đẩy chị ơi. Trong lúc tôi đã cố gắng làm quen cảnh một mình, đồng thời chữa lành vết thương quá khứ với vợ cũ, thì đùng cái cổ xuất hiện.

Nàng là một mẫu phụ nữ đi đâu ai cũng ấn tượng. Ngoài ngoại hình, sự hiểu biết, chín chắn của người yêu, tôi còn ấn tượng với ba đứa con của cổ. Hai con trai đầu và một bé gái út. Đứa nào cũng thông minh, lém lỉnh.

Lần đầu gặp, chúng tôi đã rất vui vì cả bốn người đều rất hòa hợp, đặc biệt, tất cả chúng tôi đều có điểm chung là rất yêu… nàng.

Cô ấy cũng đã ly hôn chừng 5 năm nay và đang một mình nuôi con. Cách đây hai năm, tôi và cổ gặp nhau trong công việc, cảm phục nhau và yêu nhau lúc nào không hay.

Dù giai đoạn sau ly hôn, cả hai cũng trải qua vài mối tình, nhưng đúng là phải qua bao lần dang dở, chúng tôi mới tìm thấy một nửa đích thực của mình. Tôi không còn giữ được nguyên tắc “không tái phạm” nữa. Khi cô ấy ngỏ ý làm đám cưới, tôi “OK” ngay.

Gật đầu cái rụp nhưng bây giờ đứng trước ngưỡng cửa của cuộc hôn nhân mới này, điều tôi băn khoăn nhất chính là việc trở thành cha của ba đứa bé con của cổ.

Tôi chưa có con với vợ cũ, kinh nghiệm làm bố hoàn toàn “zero”, nên càng hoang mang tợn.

Gặp nhau trong tư cách “bạn của mẹ” các cháu thì rất vui nhưng sắp tới tôi sẽ trở thành bố thì nó hoàn toàn khác phải không chị Hạnh Dung? Tôi chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ trở thành bố dượng của ai cả, nên đang quá bối rối!

Trần Trung Tình (TPHCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Anh Trung Tình mến,

Việc anh đang quan tâm là hoàn toàn đúng. Điều đó trước hết thể hiện không phải anh “sợ” mà là đang rất có trách nhiệm với cuộc hôn nhân thứ hai của mình.

Phương Tây có câu, làm cha dượng giống như bước vào một “bãi mìn cảm xúc”. Bởi vì anh sẽ đối mặt với những thách thức lớn.

Trong bước đường xây dựng cuộc hôn nhân mới và “cố gắng” hòa nhập vào hoàn cảnh gia đình với các con riêng của vợ, anh được/bị “người ta” kỳ vọng rất nhiều từ “hình mẫu” chồng trước của vợ.

Nghĩa là cái gì ưu điểm, tích cực phải phát huy, đồng thời, tránh tối đa những sai lầm, tiêu cực giống như người cũ. Và “người ta” ở đây bao gồm vợ, con cái và cả gia đình của nàng.

Nhưng thật sự rất đáng khâm phục cho quyết định bước vào cuộc hôn nhân này và trở thành bố của những đứa trẻ từ lâu vắng bóng hình tượng người cha. Anh xứng đáng được khen ngợi nhưng cũng đầy áp lực khi mang vác hy vọng chữa lành cho những “ngôi nhà mồ côi”.

Tuy nhiên, chính áp lực ấy cũng là một lợi thế. Anh chỉ cần nỗ lực một nửa thì kết quả đạt được sẽ gấp hai. Không ai đòi hỏi một người bố dượng phải 100% tâm ý cho con riêng của vợ, nhưng chỉ cần người làm cha ấy có được 50% sự ân cần, mọi thứ sẽ được ghi nhận.

Đọc thư, Hạnh Dung thấy anh có vẻ cũng là một người hài hước. Vậy hãy tiếp tục duy trì điều đó với các con riêng của vợ. Anh nên đóng vai trò một người bạn, người cố vấn hơn là một người cha.

Bên cạnh sự chăm sóc, anh hãy giúp vợ dạy dỗ con cái và luôn đặt mình trong vai trò là người mang đến cho bọn trẻ một góc nhìn cần thiết cho quá trình phát triển, hình thành nhân cách của họ.

Và có một số cách giúp anh có thể giảm bớt căng thẳng khi làm cha dượng. Nên khuyến khích mối quan hệ của con cái với cha ruột.

Nói là điều này có lẽ anh và vợ sẽ khó chấp nhận nhưng đó là sự thật, dù muốn dù không chồng cũ vẫn là một phần của gia đình vì họ vẫn là cha của những đứa trẻ.

Nếu cố phớt lờ sự tồn tại của người kia, sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ mang tâm lý đối đầu nhau và như thế hoàn toàn bất lợi cho gia đình mới của anh.

Cách hóa giải tốt hơn là cởi mở và trung thực về sự thật này. Cần nhớ rằng các con của anh ta cần được hòa giải với cha ruột và cảm thấy bình yên trong mối quan hệ mới với chính anh.

Nhiều người đã sai lầm khi tự áp đặt mình làm “người cha mới” và yêu cầu bọn trẻ chấp nhận sự thay thế hoàn toàn đó. Kết quả chỉ tạo ra những sóng gió và không thể phát triển mối quan hệ bình thường với các con riêng của vợ.

Như đã nói, anh hãy làm bạn với các con và hết sức thận trọng mỗi khi cần sử dụng các biện pháp kỷ luật để bảo ban chúng.

Đừng trực tiếp áp quan điểm, hình phạt của mình mà chỉ nên hỗ trợ cho các quyết định của vợ trước lỗi lầm hay vấn đề phát sinh của con cái. Nếu có bất kỳ ý kiến nào, anh chỉ cần nói riêng với cô ấy.

Vợ chồng anh cũng nên thường xuyên lên lịch đi chơi xa cùng bọn trẻ. Đó là dịp tốt để củng cố tình cảm gia đình đặc biệt của anh.

Ngoài cơ hội nghỉ dưỡng, tái tạo năng lượng sau những ngày làm việc, học hành vất cả, anh và các con riêng cũng sẽ rất thoải mái để nhìn thấy các “cam kết” được thực hiện.

Ví dụ, từng phải chứng kiến một cuộc hôn nhân tan vỡ, một số trẻ rơi vào trạng thái tự trách mình, thậm chí nghĩ mình là nguyên nhân gây ra điều đó.

Cách nhìn của trẻ về vấn đề này và các vấn đề khác trong cuộc sống sẽ được cải thiện rất nhiều nếu trẻ cảm nhận được cam kết yêu thương giữa mẹ ruột, cha dượng và bản thân trẻ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mong muốn của bất kỳ ai trong chúng ta là một quá trình “chuyển giao” nhanh chóng, suôn sẻ, nhưng trong hôn nhân, điều đó nên được thực hiện tốt nhất bằng sự kiên nhẫn với tất cả sự tôn trọng và yêu thương. Sự tôn trọng, yêu thương đó dành cho vợ, và đương nhiên cho cả những đứa con của cô ấy.

Cuối cùng, một khi đã thấu hiểu và thực hành tốt những điều trên, đó sẽ là cách chuẩn bị tốt nhất cho những thành viên mới tiếp tục đến trong nhà anh.

Đến một lúc, anh và vợ tính đến chuyện có con cùng nhau, hy vọng anh sẽ không bị thêm áp lực mới nào nữa khi các con riêng xem mình đúng là người bạn tâm phúc.

Chúc gia đình anh luôn mãi hạnh phúc bên nhau.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(10)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI