Chống dịch chỉ hiệu quả nếu mỗi người tự giữ mình

08/04/2020 - 12:00

PNO - Hiệu quả chống dịch cao hay thấp lại tùy thuộc vào vai trò của từng người dân trong cộng đồng.

Hạn chế lây truyền, giữ an toàn cho nhóm người dân dễ bị tổn thương và duy trì hệ thống y tế là ba hướng chính sách cơ bản của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, hiệu quả cao hay thấp lại tùy thuộc vào vai trò của từng người dân trong cộng đồng.

Người dân Tokyo chấp hành khuyến cáo đeo khẩu trang khi đi làm vào sáng 7/4 - Ảnh: Reuters
Người dân Tokyo chấp hành khuyến cáo đeo khẩu trang khi đi làm vào sáng 7/4 - Ảnh: Reuters

Ngày 6/4, Áo trở thành quốc gia đầu tiên của châu Âu đưa ra kế hoạch chi tiết để chấm dứt tình trạng phong tỏa, với việc cho các cửa hàng nhỏ mở cửa trở lại vào ngày 14/4 và các cửa hàng lớn hơn mở cửa vào ngày 1/5. Đan Mạch cũng có kế hoạch dần dỡ bỏ các hạn chế sau lễ Phục sinh (ngày 12/4), nhưng yêu cầu dân chúng giãn cách xã hội, “tránh chen chúc trên tàu điện và xe buýt”. 

Trong khi đó, Đức sẵn sàng mở lại các trường học và cho phép một số lượng người hạn chế vào nhà hàng, nếu tỷ lệ lây nhiễm vẫn đủ thấp và người dân thực hiện các biện pháp như tạo khoảng cách xã hội, đeo khẩu trang nơi công cộng. Ngược lại, Anh và Mỹ vẫn đang đối mặt với một tuần tồi tệ với số ca nhiễm và người chết không ngừng tăng lên.

Dễ nhận thấy rằng, mức độ chấp hành quy tắc của người dân phần nào quyết định khả năng thành công của biện pháp cách ly xã hội. Úc và New Zealand là hai quốc gia gần nhau và gần như đưa ra các biện pháp phong tỏa cùng lúc, từ ngày 25/3. Tính đến sáng 7/4, Úc có 5.797 người nhiễm với 40 người tử vong; New Zealand có 911 ca nhiễm và một ca tử vong. Dữ liệu của Google cho thấy, người dân New Zealand khá nghiêm túc trong việc hạn chế hoạt động xã hội, với các dịch vụ bán lẻ và giải trí giảm 91%, lượt truy cập vào các dịch vụ thiết yếu giảm 50% và số chuyến đi đến công viên giảm 80%. 

Trong khi đó, tại Úc, chỉ riêng bãi biển Bondi (Sydney) đã lây lan vi-rút SARS-CoV-2 cho hơn 100 người. Nguyên nhân là do du khách và người dân vẫn phớt lờ lệnh cấm, tìm cách “trốn” ra bãi biển để vui chơi. Đến khi hệ thống an ninh tại Bondi thắt chặt hơn, dòng người lại đổ về các bãi biển phía bắc Sydney. Cảnh sát bang New South Wales chiều 6/4 tiết lộ, trong vòng chưa đầy 24 giờ, họ đã ban hành 15 vé phạt vi phạm lệnh cách ly xã hội chống dịch COVID-19. Đồng thời, nhiều bãi biển như Manly, Warriewood, North Steyne, Palm Beach… phải đóng cửa do cư dân không tuân theo yêu cầu “ở yên trong nhà, chỉ ra ngoài khi cần thiết và chính đáng”.

Tại Nhật Bản, từ khóa “chạy trốn khỏi Tokyo” trở thành chủ đề thịnh hành hàng đầu trên mạng xã hội Twitter vào sáng 7/4, sau khi Thủ tướng Shinzo Abe tiết lộ sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Nhiều tỉnh thành tại Nhật Bản chưa có ca dương tính COVID-19, trong khi số ca mắc bệnh ở Tokyo đã tăng lên hơn 1.000, chiếm gần 1/4 tổng số ca nhiễm của đất nước. Điều này không khỏi khiến người dân nghĩ đến cảnh hàng trăm du khách tập trung ngắm hoa anh đào tại các công viên ở Tokyo vào cuối tháng Ba, hoàn toàn phớt lờ yêu cầu giữ khoảng cách xã hội từ chính quyền. 

Từ tuần đầu tháng Tư, tỉnh Iwate ở Đông Bắc Nhật Bản thậm chí đã yêu cầu bất kỳ ai đến từ Tokyo hoặc hai tỉnh lân cận đều phải tự cách ly trong hai tuần. Anh Hayato - đến từ tỉnh miền trung Yamanashi - đưa ra nhận xét trước làn sóng “chạy trốn khỏi Tokyo”: “Tôi hiểu cảm giác của bạn, nhưng xin hãy kiềm chế. Hành động của bạn có thể, trong trường hợp xấu nhất, gây ra cái chết của hàng chục, thậm chí có thể hàng trăm người khác”.

Vì vậy, nhân ngày Sức khỏe thế giới (7/4), có lẽ tất cả người dân đều phải tự suy nghĩ về các hành động mà mình cần thực hiện để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và cộng đồng, bởi chỉ một phút lơ là, hoặc không chấp hành tốt lệnh giãn cách xã hội, bạn có thể góp phần khiến COVID-19 tiếp tục lan rộng và biến mọi nỗ lực phòng chống trở nên vô nghĩa. 

Linh La

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI