Cho con uống thuốc mà dễ dãi như... ăn kẹo

25/10/2019 - 07:00

PNO - Sính ngoại, tới thuốc cho con uống mà cũng chọn hàng xách tay từ Nhật, Hàn, Mỹ, trong khi trên chai thuốc không có tiếng Việt, nhờ Google dịch rồi cho con uống thì không biết bà mẹ hiện đại đang nghĩ gì.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, lắc đầu chào thua.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, ngày nào mình cũng gặp vài phụ huynh chụp hình chai thuốc, gói thuốc toàn chữ Nhật, chữ Hàn để khoe con mình đang uống thuốc loại này tốt lắm, nhanh khỏi bệnh. 

Mới đây, phụ huynh tên P.T.N. nhắn tin cho bác sĩ Khanh rằng, người nhà gửi về cho chai thuốc ho từ Nhật “xịn” lắm, bé uống vào thấy bớt bệnh liền. Bác sĩ Khanh nhìn chai thuốc toàn chữ tiếng Nhật, hỏi phụ huynh sao không biết thuốc gì mà dám cho con uống thì chị này hồn nhiên: “Em chụp hướng dẫn sử dụng rồi cho Google dịch và đoán nghĩa bác sĩ ạ”. Thuốc mà chị N. làm như nước trái cây, tự làm bác sĩ rồi còn kiêm luôn dược sĩ nhờ Google dịch... 

Cho con uong thuoc ma de dai  nhu...  an keo
Chai xi-rô ho xách tay toàn tiếng Nhật nhưng nhiều phụ huynh vẫn cho con uống

Vừa tư vấn cho chị N. xong, lại thêm một phụ huynh nhắn hỏi bác sĩ Khanh với nội dung tương tự: “Bác sĩ kê thuốc ho trong nước nhưng bạn em mua giùm được chai xi-rô ho của nước ngoài tốt hơn nhiều. Em đổi cho con uống loại này thay cái loại trong toa được không?”. Chị còn chụp hình gửi cho bác sĩ nhãn hiệu chai thuốc sau khi được Google dịch thành: “Thuốc ho trẻ em chó mèo”.

Nhiều bác sĩ cũng phản ánh thường xuyên gặp phụ huynh mang chai thuốc toàn tiếng nước ngoài tới hỏi. Thuốc không có nhãn phụ tiếng Việt, bác sĩ đọc thành phần toàn thấy ghi Paracetamol và Clorphenirami chứ không có thành phần gì đặc biệt.

Nhưng phụ huynh cứ khen vì nó là thuốc xách từ Nhật về, người thân bên đó nói thuốc rất tốt. Một phụ huynh còn nói với bác sĩ một cách vô tư: “Tiếng Anh thì em tự dịch, tự đoán nghĩa, còn tiếng Nhật thì nhờ chị bán thuốc dịch cho”.

Ngược đời ở chỗ, tâm lý phụ huynh thấy sản phẩm thuốc dù nhập chính ngạch có nhãn phụ lại không yên tâm vì... có tiếng Việt. Thuốc phải toàn chữ nước ngoài mới là hàng “xịn”, hàng xách tay trực tiếp về. Nắm bắt được tâm lý này, các shop online cứ cật lực quảng cáo: thuốc ho cho trẻ em xách tay từ Đức, chỉ toàn tiếng Đức thôi nhé. Thậm chí còn thòng thêm: “Thuốc này Bệnh viện Nhi Đồng có bán nhưng uống không hết bệnh, uống thuốc xách tay con em khỏi luôn”. 

Chị N.T.H., ngụ tại Q.7, cho biết chị chuyên đặt mua thuốc ho xách tay dạng xi-rô cho con. Thay vì đóng vào chai thủy tinh, xi-rô chị mua về lại được đóng riêng từng bịch (mỗi bịch là một lần uống).

Theo chị H., thị trường Việt Nam không bán loại này nên đây là hàng hiếm. Mấy đứa con chị H. uống xi-rô ho như ăn kẹo, thích ăn lúc nào là ăn. Giá thành của hộp xi-rô xách tay này không rẻ, hộp 10 gói 5ml giá 250.000 đồng.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cảnh báo, thuốc ho bao gồm cả loại xi-rô khi uống phải theo chỉ định của bác sĩ. Phụ huynh tuyệt đối không dùng thuốc xách tay thiếu nhãn phụ. Có những sản phẩm phụ huynh nhìn cứ tưởng thảo dược nhưng thực tế lại là thuốc tây, uống thuốc kiểu tùy tiện tin tưởng vào Google dịch và cô bán hàng chẳng khác gì đem tính mạng con trẻ ra đùa giỡn.

Cũng là một chai thuốc ho nhưng tùy công thức, thành phần mà trẻ này dùng được, trẻ kia không dùng được. Cũng không phải cứ uống thuốc ho là khỏi, còn tùy thuộc trẻ đó có cơ địa hen suyễn hay không, có đàm hay không, bị bội nhiễm hô hấp hay chưa... Những điều đó chỉ bác sĩ mới biết và cho thuốc đúng người, đúng bệnh. Đó còn chưa kể nguy cơ mua phải thuốc giả thì hậu quả sẽ khôn lường. 

Trâm Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI