Chính sách một con của Trung Quốc - công tội bất phân

24/11/2020 - 12:52

PNO - Chính sách một con là một trong những chủ trương gây tranh cãi nhất trong lịch sử chính trị xã hội của Trung Quốc. Người ta nhìn thấy ở đó cả thành công lớn lẫn những hệ lụy nặng nề.

Kể từ năm 1978, Trung Quốc đã thực thi nhiều chính sách khắt khe nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và vượt qua tình trạng nghèo đói triền miên. Trong số đó có một chính sách được cho là “độc nhất vô nhị” trong lịch sử loài người về lĩnh vực dân số và phát triển: “Chính sách một con”, được áp dụng từ năm 1979 đến 2015.

Chính sách một con được Trung Quốc thực hiện từ năm 1979 cho đến năm 2015 - Ảnh: Will Burgess/Reuters
Chính sách một con được Trung Quốc thực hiện từ năm 1979 cho đến năm 2015 - Ảnh: Will Burgess/Reuters

Vì sao lại là “Chính sách một con”?

Mục tiêu chính của chính sách này là nhằm kiểm soát sự gia tăng dân số đang trên đà tăng nhanh khiến áp lực đè nặng lên nền kinh tế yếu kém của Trung Quốc thời bấy giờ.

Thống kê cho thấy, dân số Trung Quốc gia tăng một cách chóng mặt với 940 triệu dân vào năm 1976, gần gấp đôi so với chỉ 30 năm trước đó dẫn đến tình trạng đói nghèo và bất ổn xã hội.

Với mục tiêu đến năm 2000 dân số không được vượt quá 1.2 tỷ người, kết quả cho thấy Trung Quốc đã đạt được. Quan trọng hơn, tăng trưởng GDP bình quân đầu người của quốc gia tỷ dân này đã vượt xa so với trước đó: 950 USD vào năm 2000 so với 156 USD năm 1978. Ngoài ra, tỷ lệ nghèo từ 53% dân số năm 1981 giảm xuống còn 8% vào năm 2001 cũng đã giúp hàng triệu người dân thoát cảnh nghèo cùng cực.

Chính sách kiểm soát dân số của Trung Quốc được cho là đã giúp đất nước này thoát ra khỏi tình trạng đói nghèo - Ảnh:Gauthier Delecroix
Chính sách kiểm soát dân số của Trung Quốc được cho là đã giúp người dân thoát ra khỏi tình trạng đói nghèo - Ảnh: Gauthier Delecroix

Đây chính là những điểm mà chính phủ Trung Quốc đánh giá là “thành công” cho việc thực thi chính sách kế hoạch hóa gia đình của mình.

Những tác động tích cực không ngờ tới

Những thế hệ “con một” đầu tiên được sinh ra từ giai đoạn những năm 1980 và 1990 đã ngay lập tức phải đón nhận một trải nghiệm không mong đợi: trở thành trẻ mồ côi bất đắc dĩ. Có nghĩa là, chúng được giao cho ông bà nuôi nấng chăm sóc hộ, còn bố mẹ thì phải mãi miết bươn chải kiếm sống ở thành phố lớn và có khi cả năm không gặp nhau.

Thế nhưng chính sự chia cắt tình mẫu tử này lại đưa đến một “thuận lợi” khác. Những cặp vợ chồng trẻ, vốn là nguồn nhân lực dồi dào của xã hội Trung Quốc thời bấy giờ, giờ đây lại được “rảnh tay” để góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế mạnh mẻ, điều mà chính phủ Trung Quốc luôn nhắc đến với sự tự hào.

Như là một sự tất yếu, thế hệ “con một” đầu tiên cũng phải đến lúc trưởng thành. Lúc này, xã hội Trung Quốc bắt đầu chứng kiến sự chuyển dịch về tư duy của thế hệ trẻ, vốn là “của để dành” theo quan niệm của người Trung Quốc về con cái mình.

Thay vì cam chịu với công việc làm nông vất vả hay làm thuê ở phố thị với cuộc sống bấp bênh như cha mẹ, lớp trẻ “con một” này đổ xô vào con đường học hành với hy vọng có một tương lai tốt đẹp hơn. Điều này dẫn đến làn sóng “tị nạn giáo dục” của thế hệ trẻ Trung Quốc trong những năm cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000 với hàng chục ngàn du học sinh Trung Quốc theo học tại các trường đại học nước ngoài. Đây là hiện tượng chưa từng xảy ra trước đó.

Thế hệ con một của Trung Quốc đã đầu tư nhiều hơn vào giáo dục giúp đất nước này có nguồn lao động chất lượng cao để phát triển sau đó - Ảnh: lasexta
Thế hệ "con một" của Trung Quốc đã đầu tư nhiều hơn vào giáo dục giúp đất nước này có nguồn lao động chất lượng cao để phát triển sau đó - Ảnh: lasexta

Các nhà xã hội học đều có chung nhận xét rằng, “tác động không ngờ tới” này của chính sách một con đã đóng góp không nhỏ cho sự phát triển đáng kinh ngạc của Trung Quốc trong suốt 40 năm qua.

Chỉ bằng một thế hệ, Trung Quốc đã biến một đất nước với đại đa số người dân nghèo đói và có vị trí thấp kém trong xã hội trở thành những tầng lớp trung lưu có đời sống ổn định. Bên cạnh đó, với quy mô gia đình nhỏ gọn, các cặp vợ chồng không phải phân tán nguồn lực mà đặt sự đầu tư một cách trọng điểm cho đứa con duy nhất của mình bằng cơ hội học hành và phát triển tốt hơn. Chính điều này đã mang lại “trái ngọt” cho tương lai của Trung Quốc.

“Thời kỳ đen tối” và những xáo trộn trong xã hội hiện đại

Thế nhưng, chính sách một con đặc thù của Trung Quốc không hề chỉ là những con đường trải bằng thảm nhung cùng thành tích đáng tự hào.

Với văn hóa “trọng nam khinh nữ” nặng nề có từ hàng ngàn năm nay, lại được hậu thuẫn một cách hợp pháp bởi chính sách một con kéo dài hàng thập niên, Trung Quốc đã phải gánh chịu hàng loạt hậu quả nảy sinh như là những “tác dụng phụ” nghiêm trọng: gia tăng tỷ lệ nạo phá thai; bé gái bị bỏ rơi sau khi sinh nở; tình trạng mất cân bằng giới tính; tỷ lệ sinh giảm mạnh gây xáo trộn cấu trúc dân số; gia tăng tệ nạn bắt cóc, buôn bán trẻ em và phụ nữ;...

Người ta còn chứng kiến một trào lưu mang tên “du lịch sinh con” với đích đến là nước Mỹ. Theo đó, do luật pháp nước Mỹ quy định mọi đứa trẻ sinh ra trên đất Mỹ đều là công dân Mỹ, nên nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc thuộc tầng lớp trung lưu đã lựa chọn đến Mỹ để sinh con. 

Nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc đã tìm cách đến Mỹ để sinh con nhằm né tránh chính sách kế hoạch hóa gia đình của chính phủ Trung Quốc - Ảnh: Acnw News
Nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc đã tìm cách đến Mỹ để sinh con nhằm né tránh chính sách kế hoạch hóa gia đình của chính phủ Trung Quốc - Ảnh: Acnw News

Có một vấn đề mà thế hệ “con một” trước đây hiện đang phải đối mặt. Để “lách” luật, nhiều cặp vợ chồng cách đây 40 năm đã không làm thủ tục đăng ký khai sinh khiến một số lượng lớn trẻ em lớn lên mà không được hưởng các quyền cơ bản như học hành, tìm việc, chăm sóc y tế, hay thậm chí không được pháp luật bảo vệ khi gặp rủi ro trong cuộc sống. Đây chính là vấn đề mà các tổ chức bảo vệ nhân quyền đã chỉ trích nặng nề chính sách một con của chính phủ Trung Quốc.

“Một thế hệ cô đơn”

Có thêm một hiện tượng được sản sinh ra trong quá trình thực thi chính sách một con của Trung Quốc: đó là sự xuất hiện của những “tiểu hoàng đế”.

Do được sinh ra và lớn lên một mình mà không có anh chị em, hầu như mọi sự tập trung trong gia đình đều dành cho những “cục vàng” độc tôn ngay từ khi còn tấm bé. Điều này đã khiến nhiều đứa trẻ hình thành một lối sống ích kỷ, gia trưởng, thích được cung phụng và hưởng thụ hơn là nghĩ đến những người xung quanh hay xã hội.

Một cuộc khảo sát do tập đoàn truyền thông Sina thực hiện năm 2005 cho thấy, hơn 58% thanh niên Trung Quốc thừa nhận họ bị rơi vào tình trạng cô đơn, và sống một cuộc sống ích kỷ, thiếu sự sẻ chia.

Chính sách một con đã tạo ra nhiều tiểu hoàng đế ngay trong gia đình - Ảnh: Wang Zhao/AFP/Getty Images
Chính sách một con đã tạo ra nhiều "tiểu hoàng đế" ngay trong gia đình của các cặp vợ chồng - Ảnh: Wang Zhao/AFP/Getty Images

Áp lực lên những đứa trẻ “con một” cũng đang tiếp tục đè nặng lên vai chúng ngay cả trong thời điểm hiện tại với tên gọi “vấn đề 4-2-1”: 1 đứa con phải một mình cáng đáng gánh nặng của việc chăm sóc bố mẹ (2 người) và ông bà nội ngoại (4 người) mà không thể chia sẻ được cho ai cả.

Khủng hoảng thiếu cô dâu

Có lẽ khi định hình chính sách một con, các nhà làm luật của Trung Quốc không nghĩ tới một hậu quả khủng khiếp: nguy cơ hàng triệu nam thanh niên không thể có vợ do tình trạng thiếu hụt trẻ em gái.

Các dữ liệu thống kê cho thấy, khoảng 40 triệu thai nhi nữ đã bị loại bỏ kể từ khi chính sách một con của Trung Quốc có hiệu lực vào năm 1980.

Hiện số nam giới Trung Quốc nhiều hơn nữ giới 34 triệu người, đồng nghĩa với việc nhiều nam thanh niên phải chịu cảnh “tồn kho” do không thể cưới được vợ.

Tình trạng thừa trai thiếu gái đang khiến nhiều nam thanh niên Trung Quốc không thể cưới được vợ - Ảnh: Greg Baker/AP
Tình trạng thừa trai thiếu gái đang khiến nhiều nam thanh niên Trung Quốc không thể cưới được vợ - Ảnh: Greg Baker/AP

Thế nhưng, vẫn có một góc nhìn lạc quan về tác động của chính sách một con này.

Khi mà nhiều gia đình chỉ sinh được một đứa con gái, các cặp vợ chồng đành phải chấp nhận thực tế và dành mọi nguồn lực của gia đình để đầu tư cho "công chúa" duy nhất của mình. Điều này đã tạo cơ hội để các bé gái được có điều kiện học hành và phát triển nghề nghiệp, từ đó có sự tham gia một cách chủ động và tự tin vào quá trình phát triển của xã hội Trung Quốc.

Đây có thể xem là điểm tích cực trong khía cạnh bình đẵng giới mà chính sách một con của Trung Quốc “vô tình” tạo ra.

Nguyễn Thuận (theo Breaking Asia, NPR, Federalist)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI