Châu Á vẫn “oằn mình” với làn sóng dịch bệnh mới

14/05/2021 - 12:54

PNO - Trong khi các nước Mỹ, Anh và một số nước châu Âu ghi nhận số ca nhiễm mới và chết vì COVID-19 ngày càng giảm thì châu Á vốn được xem là khu vực chống dịch tốt trước đây lại đối đầu với làn sóng mới.

Ấn Độ vẫn nghẹt thở, Nhật Bản nâng cao khẩn cấp

Sau kỷ lục với 401.000 ca mắc mới vào ngày 8/5, tình hình tại Ấn Độ có dịu xuống. Tuy nhiên, nếu tính số ca mắc trung bình của một tuần thì đất nước đông dân thứ hai thế giới vẫn đang giữ kỷ lục.

Ấn Độ vẫn là điểm nóng của châu Á khi ca tử vong vẫn ở mức kỷ lục
Ấn Độ vẫn là điểm nóng của châu Á khi ca tử vong vẫn ở mức kỷ lục

 

Điều đáng nói là, dù ca mắc mới có giảm đi một ít nhưng số trường hợp tử vong ở Ấn Độ không ngừng tăng. Ngày 11/5, nước này lập kỷ lục với hơn 4.200 người chết và hai ngày sau đó con số vẫn là hơn 4.000. Đó là lý do mà các chuyên gia cho rằng, dù ca mắc mới giảm nhưng họ vẫn chưa dám xác nhận nước Nam Á này đã vượt qua đỉnh dịch hay chưa. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho biết, biến thể B.1.617 được tìm thấy ở Ấn Độ năm ngoái đang được xếp vào loại “biến thể gây lo ngại toàn cầu” và hiện đã lây lan trên hơn 44 quốc gia.

Với số người chết ngày một nhiều, việc xử lý các thi thể tiếp tục là vấn đề đau đầu ở Ấn Độ. Đã xuất hiện tình trạng đáng sợ khi mới đây, hàng chục thi thể được phát hiện bị thả trôi trên sông Hằng hoặc chôn dưới cát gần con sông linh thiêng. Thậm chí, vấn đề xử lý tro cốt sau khi hỏa táng cũng trở nên nan giải khi số tro cốt tồn đọng ngày càng nhiều do người thân không nhận về.

“Chưa bao giờ tôi thấy nhiều xác chết đến thế. Khi về nhà, trên người tôi có mùi thịt cháy”, Jitender Singh Shunty, người điều hành dịch vụ xe cấp cứu ở New Delhi, cho biết. 

Tại Nhật Bản, chính phủ vừa ban hành các biện pháp hạn chế đi lại, bao gồm yêu cầu các nhà hàng đóng cửa sớm, sẽ được thực hiện từ ngày 16/5 đến ngày 13/6 tại một số thành phố ở Gunma, Ishikawa, Okayama, Hiroshima và Kumamoto. Trước đó, tám khu vực đã được đặt trong tình trạng khẩn cấp gồm Hokkaido, Saitama, Chiba, Kanagawa, Gifu, Mie, Ehime và Okinawa.

Điểm nóng Thái Lan, Campuchia, Malaysia 

Ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan và Malaysia liên tục ghi nhận số ca tử vong cao kỷ lục. Thái Lan ghi nhận 34 người chết trong khi Malaysia có 39 người chỉ trong 24 giờ (ngày 12/5). Không những thế, hôm qua 13/5, Thái Lan lại lập kỷ lục khi có 4.887 trường hợp nhiễm mới, nâng tổng số lên 93.794, trong đó có đến 2.835 ca lây nhiễm trong các nhà tù.

Taweesilp Visanuyothin, phát ngôn viên của Trung tâm Quản lý tình huống COVID-19, cho biết: “Dịch bệnh có xu hướng ổn định nhưng không suy giảm. Số lượng bệnh nhân bị bệnh nặng và phụ thuộc vào máy thở đang tăng lên”.

Malaysia cũng đã ban hành lệnh phong tỏa trong ba tuần. Đây là lần thứ ba nước này thực thi lệnh phong tỏa kể từ khi đại dịch bùng phát. Các cuộc lễ hội Hari Raya Aidilfitri sắp tới cũng bị cấm. Bộ Y tế Malaysia cảnh báo số ca mắc bệnh trong ngày có thể vượt 5.000 trường hợp vào giữa tháng Năm nếu xu thế dịch vẫn tiếp diễn.

Trong khi đó, tại Campuchia, mặc dù số ca nhiễm mới và tử vong đã giảm so với mức kỷ lục cách đây vài ngày nhưng đất nước này vẫn căng mình chống dịch. Theo thông báo của Bộ Y tế Campuchia, đến nay, COVID-19 hầu như có mặt trên tất cả tỉnh, thành và số người chết đã lên tới 142 người, 21.141 ca mắc mới.

“Tất cả những con số này là hậu quả của sự kiện cộng đồng ngày 20/2 đã nhấn chìm cả nước. Trong cả năm 2020, Campuchia có ít hơn 500 trường hợp nhiễm bệnh và không có trường hợp tử vong nào. Tuy nhiên, sự kiện này đã thay đổi toàn bộ cảnh quan của Campuchia về mọi mặt”, tờ Khmer Times bình luận. 

Thảo Nguyễn (tổng hợp)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI