Cha mẹ như khách trọ chung nhà...

10/01/2021 - 18:22

PNO - Cháu thấy cha mẹ như khách trọ cùng nhà, chỉ có một thứ chung là con cái. Hai người không hề cằn nhằn nhau chuyện tiền bạc, mà sao cháu chẳng thấy vui...

Chú Ti Vi ơi,

Ba mẹ cháu đều đi làm, tiền ai nấy cất, và chi tiêu theo phân công. Ba cháu chi tiền học phí cho con cái, mẹ chi tiền chợ. Ba chi tiền điện nước, mẹ chi tiền internet... nói chung là các khoản chi ngang nhau. Sau đó, ba cháu muốn gửi cho ông bà nội bao nhiêu, giúp cho cô Út, chú Ba… cái gì, ba không cần nói với mẹ.

Mẹ cháu muốn cho bên ngoại bao nhiêu, ba cháu cũng không cần biết. Có khi ba kẹt tiền, mượn của mẹ, mẹ ghi vào sổ để nhớ đòi. Khi nào ba mời cả nhà đi ăn, thì ba trả, mẹ mời thì mẹ trả…

Thỉnh thoảng, cháu đánh giày cho ba, đi mua những thứ ba cần, ba cho cháu ít tiền tiêu vặt. Khi cháu giúp mẹ lau nhà, giặt đồ, mẹ cũng cho tiền…

Cháu thấy chẳng bao giờ ba mẹ cháu cằn nhằn nhau về chuyện tiền bạc, nhưng sao cháu chẳng thấy vui, lại thấy hai người như khách trọ cùng nhà, chỉ có một thứ chung là con cái. 

Chú thấy nhà cháu lạ kỳ không? Nhà chú có vậy không?

Cháu Nguyệt​

Cha mẹ cháu tiêu tiền riêng, cho cho nội ngoại riêng, cháu thấy như khách trọ chung nhà - Ảnh minh họa
Cha mẹ cháu tiêu tiền riêng, cho cho nội ngoại riêng, cháu thấy như khách trọ chung nhà - Ảnh minh họa

Nguyệt thân mến,

Chúc mừng cháu được lớn lên ở một gia đình như thế và hy vọng cháu dần dần sẽ nhìn ra những điểm hay từ mô hình này.

Quan điểm của ta từ xưa tới nay hình như là “chồng phải nuôi vợ, đàn ông phải ”bao” đàn bà” thì mới là “phải đạo”. Trong khi đó, mỗi người đều là con của một gia đình, lớn lên đi làm và lấy vợ lấy chồng, tự nhiên phải khoác vào nghĩa vụ “nuôi trắng” con của một nhà nào đó, nghe có bất công không? 

Cho nên theo chú, công bằng nhất là như gia đình cháu. Chia ra các khoản chi và mỗi người sẽ gánh một vài phần, không ai phải nhìn vào sự đóng góp của ai, còn thừa ra muốn trả ơn bố mẹ, giúp đỡ anh chị, bạn bè, hay xã hội thì tùy. 

Chú đã thấy nhiều gia đình thoạt tiên mới về rất “hồng hào”. Vợ chồng kiếm được bao nhiêu đổ hết vào một rổ, vợ cứ lấy đó mà chi, chồng (giai đoạn đầu) ngoan ngoãn tiêu bao nhiêu về xin vợ. Nhưng khung cảnh “như tiên” ấy kéo dài không lâu. Cuộc sống gia đình rồi sẽ giãn ra một chút với những quan tâm khác lớn hơn chỉ có chồng với vợ. Chưa kể, khả năng lao động và kiếm tiền của mỗi người một khác. Có anh chồng hồi đầu rất chăm rồi sau rượu chè, không kiếm được xu nào. Có chị vợ dần dà mới lòi ra cái tính thích thủ quỹ riêng để cho bố mẹ…

Vợ chồng lục đục với nhau từ ấy. Do vậy, tốt nhất là rõ ràng ngay từ đầu, hai cá thể độc lập về sống với nhau là để tiếp tục được làm người độc lập chứ không phải một bên bỗng biến thành dây leo, hoặc cả hai tự nhiên ngả nghiêng phải dựa vào nhau mới sống được.

Tuy vậy theo chú, lý tưởng hơn nữa là ngoài khoản chi đã phân chia ấy, thì hai vợ chồng nên trích ra mỗi tháng một khoản tiền làm “quỹ hiếu hỉ” chung. Cái quỹ ấy do người vợ giữ chẳng hạn cho nó ấm áp, để mỗi khi gia đình đi ăn uống, du lịch, đám cưới, đám tiệc thì người vợ lấy ra chi, không phải để con cái nhìn thấy việc “bố mời bố chi, mẹ mời mẹ chi” như cháu nói. 

Có một điều rất quan trọng: gia đình nào rồi cũng sẽ có lúc có người ốm đau. Việc đau ốm của vợ chồng hay con cái khi ấy cũng là cái đau ốm của cả nhà, không thể phân chia tiền anh hay tiền tôi. Vậy thì cần lập một “quỹ sức khỏe”. Quỹ sức khỏe này cần phải được xây dựng từ rất sớm và mỗi người trích một khoản kha khá mà bỏ vào, với tỉ lệ người nào kiếm nhiều hơn thì bỏ vào nhiều hơn, kể cả con cái nếu đã có việc làm và còn ở chung. 

Cả hai quỹ trên đều nên có sổ sách để mọi người trong nhà được rõ. 

Tóm lại, chú ủng hộ mô hình chi tiêu như ở nhà Nguyệt nhé. Dĩ nhiên, cháu nghe thì thấy có vẻ lạnh lùng, nhưng quan điểm của chú thì thà nghe lạnh lùng mà công bằng, còn hơn ngọt ngào mà không sòng phẳng. Có công bằng thì mới đi được đường dài với nhau.

Mong rằng câu trả lời của chú góp thêm một cái nhìn khác nữa cho Nguyệt.

 
CHÚ TI VI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI