Khi cha mẹ sống giả dối

25/11/2020 - 10:31

PNO - Mẹ em còn nói, khi nào em lấy chồng, mẹ sẽ ly hôn bố, về sống với em. Hiện hai người sống với nhau giả dối khiến em phát ngán.

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Em năm nay 21 tuổi, đang còn đi học. Em có cảm giác em không thể chịu đựng nổi gia đình mình nữa. Bố mẹ em đều là những người có học, đều đang đi làm. Từ cuối cấp III, em đã lờ mờ nhận thấy bố mẹ em không hạnh phúc. Họ chỉ nói dối các con, che đậy cảm xúc thật sự của mình.

Càng ngày, em càng nhận ra đó là sự thật. Em biết bố có người đàn bà khác, bố ghét mẹ, mẹ căm thù bố. Một lần em đã nghe hai người cãi nhau, mạt sát nhau thậm tệ, còn kêu nhau bằng “mày, tao”. Nhưng rồi sau đó khi hai anh em bước vô nhà thì cả hai đều im lặng.

Em biết chắc chắn mẹ em không có người đàn ông nào khác, đôi lần mẹ nói mẹ chỉ sống vì anh trai em và em. Nhà cửa này ông bà nội chưa cho sang tên qua bố mẹ, nên giờ ly hôn mẹ không được chia nhà. Mẹ còn nói khi nào em lấy chồng, mẹ sẽ ly hôn bố, về sống với em.

Em thấy cả hai đều nói dối. Bố em chẳng qua chỉ đóng vai mà thôi chứ hoàn toàn không có trách nhiệm với gia đình. Còn mẹ, thật lòng em cũng không muốn mẹ cứ lấy em làm lý do kéo dài cuộc sống dối trá. Em chán cuộc sống giả dối trong nhà em. Khi em nói muốn ra thuê nhà ở riêng thì bố lại lên giọng không cho phép. Cả tháng nay em không nói chuyện với bố mẹ. Em rất muốn nói thẳng mọi chuyện, để tung hê hết mọi thứ, coi thử bố còn lên giọng đạo đức nữa không. 

Nhật Hà (TP. HCM)

Bố mẹ em không hạnh phúc, khiến em mệt mỏi khi về nhà - Ảnh minh họa
Bố mẹ em không hạnh phúc, khiến em mệt mỏi khi về nhà - Ảnh minh họa

Em Nhật Hà thân mến, 

Khi lớn lên, ta nhận ra không phải mọi thứ xung quanh mình đều đẹp đẽ tốt lành, nhiều nhận thức về cuộc sống ập vào ta một cách đau đớn. Nhận thức của em về gia đình mình là một điều như vậy. Tuy nhiên, khi nghĩ mình đã hiểu ra những gì mình thấy lâu nay, em cũng cần phải nhận ra rằng đó chưa phải là tất cả, là đã hết. Vẫn còn rất nhiều thứ mà em chưa hiểu. Có thể đó là những điều không đến nỗi tệ như vậy.

21 tuổi, em đừng đóng đinh những suy nghĩ của mình. Hãy để tâm trí mình tiếp tục lắng nghe, học và hiểu, kể cả hiểu những điều nhỏ nhất từ người thân xung quanh, như bố mẹ. 

Lúc này, em có một quyết định: rời khỏi nhà, thuê nhà sống riêng. Em hãy chuẩn bị đầy đủ cho quyết định này, để nó không bị đánh giá như một chuyện bốc đồng của tuổi trẻ. Ví dụ, em cần sống riêng vì lý do gì? Em đang đi học năm cuối, vậy có tự lập được về kinh tế? Nếu cần bố mẹ hỗ trợ thì khoản hỗ trợ là bao nhiêu, gồm những gì? Kế hoạch thuê nhà cụ thể như thế nào, nhà ở đâu, an toàn không, thuận lợi cho việc đi học bây giờ hay không? Những chuyện đó nếu em suy nghĩ, chuẩn bị đầy đủ, hợp lý, trình bày với bố mẹ, chắc chắn bố mẹ sẽ phải tôn trọng quyết định của em.

Về lý, trên 18 tuổi em có quyền tự lập rồi. Bố mẹ vẫn nuôi em đi học, chu cấp cho em, là tình cảm và trách nhiệm của bố mẹ đó thôi. Có thể bố mẹ mình có những bi kịch riêng, bản thân cuộc sống hôn nhân của họ cũng là một bi kịch, nhưng đừng đánh đồng bi kịch của họ và quyết định ra sống riêng của em để rồi cho rằng vì họ dối trá nên họ không có quyền từ chối quyết định của em. 

Cuối cùng, về chuyện “tung hê mọi thứ”, em cần cân nhắc lại. Em có thể rời đi, để sống cuộc sống của mình, và để cho người khác cũng sống cuộc sống của họ. Chuyện đập phá cho đổ vỡ tung tóe gia đình là chuyện quá dễ, không cần đến em, bố mẹ em cũng có thể làm được.

Tuy nhiên khi mọi thứ tan vỡ hết rồi, rất nhiều người sẽ không còn lối quay về, kể cả mình. Vậy nên, chuyện của bố mẹ, hãy để bố mẹ tự giải quyết. Khi nào cần ý kiến của em, họ sẽ hỏi. Mong em bình tĩnh cư xử như một người lớn em nhé.

HẠNH DUNG

 

Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.

Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI