Cha mẹ Ấn Độ hối hả, hoảng loạn tìm người gả con gái sớm

16/01/2022 - 19:44

PNO - Các cuộc hôn nhân vội vã đang gia tăng ở Ấn Độ khi ủy ban quốc hội đang tranh luận về dự luật cấm tảo hôn.Theo đó, có thể quy định mới chỉ cho phụ nữ kết hôn ở tuổi 21.

Sau đề xuất của chính phủ về việc nâng độ tuổi kết hôn hợp pháp ở phụ nữ từ 18 lên 21, giống như nam giới, các đám cưới được xem là "hoảng loạn" hoặc "đau khổ" đang gia tăng mạnh mẽ ở Ấn Độ.

Các bậc cha mẹ đang hối thúc các cô gái ở độ tuổi thanh thiếu niên đi lấy chồng vì lo ngại rằng dự luật cấm tảo hôn (sửa đổi) 2021 sẽ trở thành luật và họ sẽ phải đợi thêm vài năm nữa mới gả được con gái.

Các ông bố bà mẹ sẵn sàng trả mức phí gấp ba lần cho đám cưới, nhiều người đang ráo riết tìm kiếm "con rể" tiềm năng, trong bối cảnh các địa điểm tổ chức hôn lễ bị quá tải.

Các cô dâu theo đạo Hindu tập trung khi họ chờ đợi để tham gia vào một buổi lễ kết hôn hàng loạt ở bang Gujarat của Ấn Độ vào tháng 12. Ảnh: AFP
Các cô dâu theo đạo Hindu tại một buổi lễ kết hôn tập thể ở bang Gujarat của Ấn Độ - Ảnh: AFP

Tháng trước, quốc hội đã trình một dự luật nhằm tăng cường bình đẳng giới và xóa bỏ nạn tảo hôn, đang được ủy ban quốc hội xem xét kỹ lưỡng.

Bộ trưởng Phát triển Phụ nữ và trẻ em Smriti Irani, người đưa ra dự luật, cho biết động thái nâng độ tuổi hợp pháp là một “bước đi quyết định” trong lịch sử của Ấn Độ. 

Bộ trưởng cho biết, từ năm 2015 - 2020, chính quyền đã ngăn chặn 200.000 trường hợp tảo hôn, trong khi đó, theo cuộc điều tra sức khỏe gia đình quốc gia mới nhất, giai đoạn 2019-2021 có 6,8% trẻ em gái từ 15 - 19 tuổi mang thai.

Bất chấp tình trạng nhiều phụ nữ trẻ rơi vào cuộc sống khó khăn sau khi kết hôn và sinh con sớm, nhiều làn sóng đã phản đối dự luật này. Các nhà phê bình đã chỉ ra rằng việc nâng tuổi kết hôn có thể "dẫn đến thảm họa” và là hình thức trừng phạt các phụ nữ trẻ. “Luật mới sẽ kiểm soát quyền tự quyết của phụ nữ trưởng thành trong khi cướp đi quyền về tình dục của họ để kết hôn khi họ cảm thấy sẵn sàng. Nếu 18 tuổi có thể bầu cử, lái xe, đại diện cho đất nước tham dự Thế vận hội và đóng phim, tại sao họ không thể kết hôn ở độ tuổi đó?” - Pratibha Kapur, một nhà hoạt động ở Delhi hỏi.

Một cặp đôi tạo dáng trong buổi chụp ảnh trước đám cưới gần Phủ Tổng thống của Ấn Độ, bị bao phủ bởi sương khói, ở New Delhi, Ấn Độ vào tháng 11. Ảnh: Reuters
Một cặp đôi chụp ảnh trước đám cưới gần Phủ Tổng thống - Ảnh: Reuters

Tác động của dự luật này đã dẫn đến tình trạng nhiều người ở các tiểu bang của Ấn Độ đang vội vã kết hôn. Ban đầu, các cô gái dự tính tổ chức đám cưới trong năm nay hoặc năm sau, nhưng cha mẹ họ đã hối thúc họ nhanh chóng kết hôn. Thậm chí, nhiều người còn chủ động "tìm rể" khi con gái chưa tìm được người phù hợp.

“Chúng tôi có ba cô con gái đã học xong đại học/cao đẳng và chúng tôi đã tìm được những chàng trai tốt cho chúng. Vì vậy chúng tôi sẽ tổ chức đám cưới tập thể cho 3 con gái vào cuối tháng này”, một người cha ở bang Telangana, cho biết.

Một số bậc cha mẹ tin rằng việc tăng tuổi kết hôn của phụ nữ sẽ là đòn giáng mạnh vào truyền thống có khả năng ảnh hưởng xấu đến tương lai của những cô gái đã đính hôn. Ví dụ như các cô gái có thể bỏ trốn theo người khác hoặc chú rể có thể yêu một cô gái khác. Cũng có người lo ngại rằng cha mẹ chú rể có thể tăng số tiền hồi môn.

Một đám cưới ở Ấn Độ. Ảnh: Ankita Asthana
Một đám cưới ở Ấn Độ - Ảnh: Ankita Asthana

Bên cạnh đó, các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ và các chuyên gia kế hoạch hóa gia đình đang cảm thấy lo lắng. Họ lo sợ rằng nếu luật mới có hiệu lực “nó sẽ dẫn đến một cơn sóng thần về các cuộc hôn nhân bất hợp pháp”. Họ cũng cho biết các luật hiện hành đã quy định trong nhiều thập kỷ rằng trẻ em gái không được kết hôn trước 18 tuổi, nhưng tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra phổ biến.

Các chuyên gia chỉ ra rằng độ tuổi kết hôn trung bình ở phụ nữ Ấn Độ hiện nay là 22,1 - tăng so với 18 tuổi của một thập kỷ trước - mà không có bất kỳ sự can thiệp nào của pháp luật. “Giáo dục và việc làm là chìa khóa để giải quyết vấn đề tảo hôn và tiến tới bình đẳng giới, chứ không phải tăng tuổi kết hôn", Kishori Aggarwal, một thành viên của nhóm đấu tranh vì phụ nữ Lawyers Collective nói.

Thảo Nguyễn (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI