Cấy ghép thành công tinh hoàn của một người anh sinh đôi cho em trai

07/12/2019 - 21:23

PNO - Người đàn ông 36 tuổi không có tinh hoàn bẩm sinh đã được cấy ghép bộ phận từ anh em sinh đôi cùng trứng. Ca phẫu thuật kéo dài 6 tiếng vào ngày 3/12 tại Belgrade, Serbia, bởi một nhóm bác sĩ phẫu thuật quốc tế.

Ca phẫu thuật nhằm cung cấp cho người nhận mức testosterone - nội tiết tố nam - ổn định hơn so với biện pháp tiêm, giúp cho bộ phận sinh dục nam của người em trông tự nhiên, thoải mái hơn, và cho phép bệnh nhân có thể sinh con.

Cay ghep thanh cong tinh hoan cua mot nguoi anh sinh doi cho em trai
 

Ca phẫu thuật được thực hiện tại Phòng khám Nhi khoa Đại học Tirsova.

Bác sĩ phẫu thuật cho hai anh em gần như cùng lúc trong các phòng liền kề. Thủ tục này rất khó khăn vì nó đòi hỏi phải khâu hai động mạch và hai tĩnh mạch rộng dưới 2 mm.

Branko Bojovic - chuyên gia về phẫu thuật vi phẫu tại Trường Y Harvard và là thành viên nhóm nghiên cứu ở Belgrade - cho biết: "Một khi cắt bỏ tinh hoàn khỏi người hiến tặng, đồng hồ bắt đầu đếm rất nhanh".

"Trong vòng 2-4 giờ, bác sĩ phải tái sử dụng bộ phận để duy trì hoạt động trở lại bình thường. Không có nguồn cung cấp máu, một tinh hoàn chỉ có thể tồn tại trong 4-6 giờ đồng hồ”.

Có thể mất từ 30 đến 60 phút để thực hiện 1 trong 4 thủ thuật kết nối mạch máu. Nhưng nhóm nghiên cứu đã hoàn thành tất cả trong vòng chưa đầy 2 giờ đồng hồ.

Các bác sĩ cho biết sức khỏe hai anh em đều tiến triển tốt, mức testosterone đã trở về bình thường. Người cho đã có con và vẫn có thể tiếp tục có con trong tương lai.

Cay ghep thanh cong tinh hoan cua mot nguoi anh sinh doi cho em trai
Sau ca phẫu thuật dài 6 giờ đồng hồ, các bác sĩ đã ghép thành công tinh hoàn từ người hiến tặng cho người anh em trai sinh đôi

Bác sĩ Dicken Ko - chuyên gia tiết niệu và là một trong những thành viên cho ca ghép tại Trường Y thuộc Đại học Tufts ở Boston (Mỹ) - cho biết đây là ca cấy ghép tinh hoàn thứ 3 từ các cặp anh em sinh đôi. 

Hai lần đầu tiên được thực hiện khoảng 40 năm trước ở St Louis, cũng trên cặp song sinh cùng trứng, mỗi cặp có một người thiếu tinh hoàn.

Nam giới không có tinh hoàn là tình trạng cực kỳ hiếm gặp, kỹ thuật cấy ghép này mở ra cơ hội cho người chuyển giới, nạn nhân tai nạn, thương binh và bệnh nhân ung thư. 

Tuy vậy, thủ thuật đặt ra câu hỏi về đạo đức, và về khả năng người nhận một ngày nào đó sẽ làm cha với tinh trùng từ người hiến tặng, mà thậm chí chẳng hề liên quan đến họ về mặt di truyền.

Riêng các cặp anh em sinh đôi thì không cần lo ngại về vấn đề này, bởi vì các bệnh nhân là cặp song sinh giống hệt nhau có cùng kiểu gen, không cần lo lắng rằng cơ thể người nhận sẽ từ chối cấy ghép, không phải dùng thuốc ức chế miễn dịch.

Bác sĩ Ko và Bojovic đều là thành viên của nhóm phẫu thuật thực hiện ca cấy ghép dương vật đầu tiên ở Mỹ, vào năm 2016, trên một người đàn ông có dương vật đã bị cắt bỏ vì ung thư.

Báo cáo đầu tiên về cấy ghép tinh hoàn được thực hiện bởi tiến sĩ Sherman Silber - một chuyên gia về sinh sản ở St Louis - công bố trên một tạp chí y khoa vào năm 1978.

Tấn Vĩ (theo Straits Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI