Căng thẳng thuế quan, người tiêu dùng chuyển sang hàng nội địa

05/05/2025 - 06:23

PNO - Cuộc chiến thuế quan giữa các quốc gia khiến người tiêu dùng thế giới thay đổi thói quen, chuyển sang sử dụng hàng nội địa thay cho hàng nhập khẩu.

Mua hàng nội địa thay cho hàng ngoại

Yu - một nhân viên thương mại và internet, 32 ​​tuổi, đến từ Hàng Châu, Trung Quốc - từng lái xe Porsche 718 do Đức sản xuất, gần đây đã đổi sang chiếc xe 6 chỗ của hãng xe điện Li Auto mà cô cho là có tính năng “lái xe thông minh”, dẫn đường tốt hơn. Lựa chọn của Yu đối với các sản phẩm sản xuất trong nước không dừng lại ở chiếc xe hơi.

Cô chia sẻ: “Hôm nọ, vợ chồng tôi đã đếm xem chúng tôi có bao nhiêu sản phẩm mang thương hiệu Mỹ trong nhà. Hóa ra chỉ có MacBook và iPhone. Nhưng những sản phẩm đó cũng được sản xuất tại Trung Quốc”.

Khách mua sắm tại cửa hàng nội địa Real Canadian Superstore ở Toronto, Canada vào tháng 3/2025 - ẢNH: KATHERINE KY CHENG (Getty Images)
Khách mua sắm tại cửa hàng nội địa Real Canadian Superstore ở Toronto, Canada vào tháng 3/2025 - Ảnh: Katherine Ky Cheng (Getty Images)

Một người khác - làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) - nói với kênh CNA (Singapore) rằng, nhiều người ở Trung Quốc “có thể sống tốt mà không cần đến hàng hóa nước ngoài”.

Anh nói: “Chất lượng tốt, dịch vụ tốt và giá cả hợp lý, nếu hàng hóa sản xuất tại Mỹ đáp ứng được các tiêu chí đó, tôi vẫn sẽ chọn chúng. Nhưng lần cuối cùng tôi nhìn thấy một sản phẩm thực sự của Mỹ là cách đây vài ngày tại cửa hàng Costco. Đó là thịt bò Mỹ”.

Một sự thay đổi mạnh mẽ đang diễn ra do cuộc chiến thương mại: các thương hiệu, nhà xuất khẩu và công ty địa phương chuyển hướng sang phục vụ thị trường tiêu dùng trong nước thay vì xuất khẩu nước ngoài.

Zhu - một thanh niên 25 tuổi sống tại Thượng Hải - cho biết anh nhận thấy xu hướng “chống lại” các thương hiệu và sản phẩm của Mỹ ngày càng tăng. Là một người chơi guitar, anh nhận thấy giá đàn guitar từ Mỹ đã tăng vọt theo mức thuế quan mới. Anh nói: “Mọi người đơn giản là ngừng mua chúng”.

Từ Canada đến châu Âu, nhiều người tiêu dùng đang tham gia các sáng kiến ​​“mua hàng địa phương” được tổ chức trên các phương tiện truyền thông xã hội và trong các cửa hàng truyền thống. Nhóm nghiên cứu thị trường Civey (Đức) phát hiện 64% người Đức muốn tránh các sản phẩm của Mỹ nếu có thể. Họ cho biết các chính sách của Tổng thống Trump ảnh hưởng đến lựa chọn mua sắm của họ.

Nhà bán lẻ lớn nhất Đan Mạch là Salling Group cho biết họ sẽ gắn nhãn các sản phẩm châu Âu trong các cửa hàng của mình bằng 1 ngôi sao màu đen để giúp khách hàng nhận dạng. Anders Hagh - Giám đốc điều hành của Salling Group - viết trên LinkedIn rằng, nhãn hiệu mới là “dịch vụ bổ sung cho những khách hàng muốn mua hàng hóa có thương hiệu châu Âu”.

Tại Canada, một công ty nghiên cứu thị trường tại Abacus Data chỉ ra: người Canada ngày càng thích mua hàng nội địa (84%) và trong một số trường hợp, tránh hoàn toàn các sản phẩm của Mỹ (42%). Các doanh nghiệp cũng đã hành động với các chiến dịch “Mua hàng Canada”.

Dylan Lobo điều hành một trang web có tên là “Made in CA” nhằm cung cấp danh mục trực tuyến về các mặt hàng do Canada sản xuất. Ông nói với Tạp chí Business Insider rằng trang web của mình gần đây có ​​lượng truy cập tăng đột biến. “Lòng yêu nước đang lên cao. Có một cảm giác to lớn rằng người Canada muốn hỗ trợ những người Canada khác” - Dylan chia sẻ.

Khó níu kéo niềm tin của khách hàng

Hành vi của người tiêu dùng được hình thành bởi rất nhiều yếu tố như giá cả, chất lượng, sự tiện lợi, đóng góp xã hội… Trong đó, yếu tố mạnh mẽ nhất là cảm xúc. Mặc dù các phong trào tẩy chay hàng ngoại hoặc “mua hàng nội địa” không mới, nhưng làn sóng hiện tại phản ánh rõ nét quan điểm của người tiêu dùng và phản ứng của họ trước các diễn biến chính trị, thương mại.

Tại Mỹ, chính sách thuế quan mới đi kèm lời hứa của Tổng thống Trump về việc giải phóng Mỹ khỏi sự phụ thuộc vào nước ngoài, nhưng nó khiến người tiêu dùng mắc kẹt tại quầy thanh toán, vì giá hàng hóa leo thang.

Đối mặt với chi phí cao hơn cho mọi thứ, nhiều người Mỹ buộc phải từ bỏ các thương hiệu mà họ đã yêu thích trong nhiều năm. Thuế quan là phần đầu tiên của chiến lược thương hiệu toàn cầu. Chúng tạo ra một cách phân chia mới trong văn hóa tiêu dùng: những người có khả năng duy trì lòng trung thành và những người buộc phải chuyển đổi.

Các thương hiệu từng khác biệt về chất lượng sản phẩm, tính minh bạch, tính bền vững… giờ đây phải đối mặt với cùng một thách thức rất lớn: những khách hàng trung thành của họ đang rời đi. Đối với các thương hiệu, đó là mối nguy hiểm thực sự. Một khi lòng trung thành từ người tiêu dùng mất đi, sẽ vô cùng khó để giành lại.

Linh La (theo Fortune, CNA, DW, Abacus Data)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI