Cẩn trọng với “nguy cơ kép” về COVID-19 trong mùa lễ tết

12/01/2023 - 06:23

PNO - Sự xuất hiện biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 cùng nhiều hoạt động trong mùa lễ tết là những nguy cơ khiến COVID-19 có thể tăng trong thời gian tới. Các chuyên gia khuyến cáo giải pháp hiệu quả nhất vẫn là thực hiện các biện pháp chống dịch thời gian qua.

Cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch

Sự xuất hiện biến thể XBB của vi rút SARS-CoV-2 vừa được ghi nhận ở TPHCM và Tây Ninh là thông tin được giới chuyên gia cảnh báo dẫn đến nhiều nguy cơ, đặc biệt trước thềm tết Nguyên đán 2023. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ sau khoảng 2 tháng được phát hiện, XBB đã lây lan ở hơn 70 quốc gia. Gần đây, biến thể phụ XBB.1.5 đang gây đợt bùng phát dịch mới ở Mỹ, ghi nhận tỉ lệ mắc biến thể này tăng từ 4% lên 41%.

Các chuyên gia y tế nhấn mạnh người dân cần đeo khẩu trang, khử khuẩn khi tới nơi công cộng trong mùa lễ tết - ẢNH: BẢO KHANG
Các chuyên gia y tế nhấn mạnh người dân cần đeo khẩu trang, khử khuẩn khi tới nơi công cộng trong mùa lễ tết - ẢNH: BẢO KHANG

Tại Việt Nam, dù XBB.1.5 chưa xuất hiện, song phó giáo sư, tiến sĩ (PGS-TS) Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng Trường đại học Y Dược TPHCM - nhận định, đó chỉ là vấn đề “sớm muộn”. Do Việt Nam đã mở cửa trở lại, bên cạnh đó, nhu cầu đi lại trong dịp tết tăng sẽ là điều kiện thuận lợi để biến thể này xâm nhập.

Theo các chuyên gia, nguy cơ kép từ sự xuất hiện của biến thể mới và nhu cầu giao lưu, thương mại trong dịp tết sẽ khiến số lượng ca mắc COVID-19 có thể gia tăng. PGS-TS Đỗ Văn Dũng chỉ ra, hầu hết quốc gia trên thế giới đều có thống kê về việc COVID-19 tăng sau các mùa lễ hội như Giáng sinh, tết dương lịch. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết lạnh, ẩm, đặc biệt ở khu vực miền Bắc cũng khiến các dịch về đường hô hấp có điều kiện thuận lợi phát triển. Do quy trình lây nhiễm nên có thể trong dịp tết, con số này chưa có biến động mà sẽ thể hiện sau 15-30 ngày. 

Dù vậy, PGS-TS Đỗ Văn Dũng cũng gửi thông điệp, không nên quá hoang mang, lo lắng về điều này. Việt Nam nằm trong nhóm những quốc gia có tỉ lệ bao phủ vắc xin cao trên thế giới, hầu hết người dân từ 18 tuổi trở lên đã được bao phủ từ 2-3 mũi vắc xin. “Với miễn dịch cộng đồng như vậy, Việt Nam khó có thể bùng phát một đợt dịch mới”, ông nêu quan điểm. Tuy nhiên, để giảm bớt các gánh nặng y tế khi số ca mắc có thể tăng lên, trong bối cảnh Việt Nam còn có nhiều loại dịch bệnh khác xuất hiện trong thời gian qua như vi rút Adeno, sốt xuất huyết…, ông khuyến cáo người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đơn giản nhưng hiệu quả, đó là khử khuẩn, đeo khẩu trang nơi công cộng và tiếp tục tiêm đủ các mũi vắc xin như Bộ Y tế đã khuyến cáo. 

Không lo lắng vì chính sách mở cửa của Trung Quốc

Ngay sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại từ ngày 8/1, lượng người xuất nhập cảnh và hàng hóa thông quan qua các cửa khẩu của Việt Nam đều tăng cao. Hiện nay, nhiều địa phương cũng đã lên kế hoạch để đón khách du lịch Trung Quốc quay trở lại Việt Nam, dự báo sẽ tăng cao sau 3 năm gián đoạn vì dịch bệnh. Cùng với những thông tin sôi động từ thị trường, cũng có ý kiến băn khoăn, liệu công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam có gặp khó?

Trả lời về vấn đề này, PGS-TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) - khẳng định, chính sách mở cửa trở lại của Trung Quốc không ảnh hưởng đến các biện pháp chống dịch của Việt Nam. Đồng quan điểm với PGS-TS Đỗ Văn Dũng, ông cho rằng, Việt Nam có tỉ lệ tiêm vắc xin cao, số người mắc và khỏi bệnh cũng nhiều nên đã tạo ra được miễn dịch cộng đồng, khó có thể bùng phát đợt dịch mới.

“Việt Nam nới lỏng đồng bộ nhưng dự phòng cũng đồng bộ. Chúng ta xác định nguy đến đâu, đáp ứng đến đó”, PGS-TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh vào chính sách phòng, chống dịch linh hoạt, hiệu quả của Việt Nam trong điều kiện mới. Bên cạnh thông điệp “2K + vắc xin”, cơ quan chức năng của Việt Nam cần tiếp tục đánh giá nguy cơ, giám sát các biến chủng mới, phối hợp chặt chẽ với WHO, các nước trong khu vực như Trung Quốc để kịp thời ứng phó.

Cũng liên quan tới nguy cơ xâm nhập dịch bệnh vào Việt Nam, ông Vương Ánh Dương - Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) - nêu quan điểm của bộ trong những ngày đầu làm công tác thông quan biên giới là không yêu cầu làm xét nghiệm RT-PCR. Tuy nhiên, tại các khu vực cửa khẩu vẫn sẽ làm xét nghiệm nhanh với các ca bệnh nghi ngờ và làm giải trình gen nếu phát hiện trường hợp dương tính. Đây là việc làm cần thiết để có biện pháp chống dịch trong thời gian tới. Đại diện Bộ Y tế cũng lưu ý về công tác khám chữa bệnh tại các khu vực cửa khẩu.

Theo đó, ông đề nghị các đơn vị lên kế hoạch xử trí với tình huống có ca COVID-19 nặng cũng như công tác vận chuyển người từ cửa khẩu về các cơ sở y tế. Ngoài ra, công tác truyền thông từ cửa khẩu, biên giới vào nội địa cũng cần được chú trọng để người dân, khách du lịch nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh…

Huyền Anh

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI