Can thiệp sớm các tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt

05/06/2023 - 10:57

PNO - Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) quy định can thiệp sớm tổ chức tín dụng, trong đó có tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt.

 

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trình bày tờ trình Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), sáng 5/6
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trình bày tờ trình Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), sáng 5/6

Sáng 5/6, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) (sửa đổi).

Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia, trong đó có trường hợp xử lý khủng hoảng của Silicon Valley Bank, Signature Bank và First Republic Bank (Mỹ), hoặc trường hợp Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ), dự thảo Luật bổ sung quy định về các biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt.

Dự thảo Luật cũng kế thừa quy định về áp dụng can thiệp sớm tại Luật hiện hành và có sửa đổi, bổ sung để giải quyết những bất cập thời gian qua. Theo đó dự thảo Luật xây dựng mới quy trình can thiệp sớm, bổ sung thẩm quyền của NHNN tại giai đoạn can thiệp sớm, quy định một số biện pháp hiện nay đang áp dụng tại giai đoạn kiểm soát đặc biệt lên giai đoạn can thiệp sớm cho phép xử lý từ sớm, từ xa khi tình trạng yếu kém của TCTD chưa đến mức nghiêm trọng.

Trong quá trình giám sát TCTD, căn cứ kết quả giám sát, Ngân hàng Nhà nước có thể đưa ra các khuyến nghị, cảnh báo đối với TCTD. TCTD có trách nhiệm báo cáo, giải trình, xây dựng kế hoạch khắc phục gửi NHNN và tổ chức triển khai thực hiện.

Trường hợp sau khi thực hiện kế hoạch khắc phục, TCTD tiếp tục tiềm ẩn rủi ro, có nguy cơ vi phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng, hoặc dựa trên kết quả xếp hạng, TCTD sẽ bị xem xét áp dụng giám sát tăng cường.

Tùy theo mức độ, an toàn, lành mạnh hoặc vi phạm của từng TCTD, Ngân hàng Nhà nước có thể áp dụng các biện pháp xử lý như đình chỉ, chấm dứt các hành vi vi phạm pháp luật và hoạt động gây mất an toàn hoạt động; kiểm soát các giao dịch tiềm ẩn rủi ro và hạn chế tăng trưởng; đình chỉ, tạm đình chỉ, miễn nhiệm chức vụ của người quản lý, người điều hành và xử lý cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật...

Trong trường hợp TCTD có các biểu hiện như không duy trì được tỉ lệ khả năng chi trả, không duy trì được tỉ lệ an toàn vốn, có nguy cơ mất khả năng chi trả, nguy cơ mất khả năng thanh toán… với mức độ nghiêm trọng hơn thì NHNN sẽ áp dụng quy định về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt.

Tại giai đoạn can thiệp sớm, biện pháp ưu tiên đầu tiên được áp dụng là TCTD tự xây dựng phương án khắc phục các yếu kém như tăng vốn điều lệ, vốn được cấp; tăng cường nắm giữ tài sản có tính thanh khoản cao; bán, chuyển nhượng tài sản và thực hiện các giải pháp khác để đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng; cắt giảm thù lao, lương, thưởng đối với người quản lý, người điều hành...

Theo Thống đốc NHNN, cùng với đó, TCTD còn có thể bị xem xét áp dụng các biện pháp hạn chế mạnh hơn như hạn chế hoạt động kinh doanh không hiệu quả, đình chỉ, tạm đình chỉ một hoặc một số hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác, hạn chế thẩm quyền quyết định trong hoạt động kinh doanh của người quản lý, người điều hành; đình chỉ người quản lý, người điều hành có hành vi vi phạm quy định pháp luật…

Tùy theo tình trạng TCTD cũng như kết quả thực hiện phương án mà TCTD sẽ bị áp dụng các hạn chế theo mức độ tăng dần, bao gồm việc đặt vào kiểm soát đặc biệt và áp dụng biện pháp chuyển giao bắt buộc, phá sản nếu không khắc phục được các vấn đề của TCTD, dẫn đến nguy cơ gây mất an toàn hệ thống.

Thẩm tra về nội dung này, Ủy ban Kinh tế cho rằng, tại dự thảo Luật, trong 6 trường hợp áp dụng can thiệp sớm, ngoại trừ trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt cần phải xử lý ngay, có 3 trường hợp TCTD vi phạm pháp luật hoặc hoạt động yếu kém trong thời gian dài.

Ủy ban Kinh tế cho rằng việc can thiệp sớm theo quy định của dự thảo Luật thực chất là xử lý TCTD đã lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ đổ vỡ.

Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, quy định các trường hợp cần áp dụng can thiệp sớm phù hợp hơn. Ngoài ra, đề nghị làm rõ sự tương quan giữa 2 trường hợp có nguy cơ mất khả năng chi trả, nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của NHNN và bị rút tiền hàng loạt khi có nhiều người gửi tiền cùng đến rút tiền dẫn đến TCTD lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả và không tự khắc phục được theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Theo Ủy ban Kinh tế, trường hợp rút tiền hàng loạt là tình trạng mất khả năng chi trả, thậm chí nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, dự thảo Luật hiện nay thiết kế đối với trường hợp đầu tiên thì xây dựng phương án hỗ trợ trước kiểm soát đặc biệt; trường hợp rút tiền hàng loạt thì xây dựng phương án khắc phục trong khi tại chính nội dung này nêu rõ TCTD không tự khắc phục được.

Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát lại quy định về nội dung, các biện pháp xử lý đối với 2 trường hợp này, bảo đảm sự phù hợp, thống nhất và tương ứng với từng mức độ. Bên cạnh đó, đề nghị làm rõ TCTD bị rút tiền hàng loạt đến mức độ nào thì cần phải có sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước để bảo đảm sự minh bạch cũng như cân đối kịp thời nguồn lực.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI