Cái tôi của đạo diễn: Cần, nhưng...

04/08/2018 - 12:30

PNO - Trong đêm thi 'Kịch cùng boléro' mới đây, khi giám khảo đề cập đến việc ít sử dụng boléro trong dàn dựng tiết mục, một thí sinh giải thích: 'Vì tôn trọng và ưu tiên cho cảm xúc của diễn viên'.

Câu trả lời có vẻ rất hợp lý, vì ca khúc giúp diễn viên có nhiều cảm xúc hơn. Nhưng khi nhìn lại tổng thể và đặc trưng của chương trình, lời giải thích này thật khó chấp nhận.

Cai toi cua dao dien: Can, nhung...
Tiết mục Giới hạn của tình yêu có sự kết hợp khá ngọt giữa kịch và boléro

Sau bốn tập phát sóng với hai lượt khoe tài của các thí sinh là những đạo diễn sân khấu, vấn đề lấn cấn nhất ở Kịch cùng boléro là sự thiếu vắng các ca khúc boléro. Thậm chí có tiết mục không hề có boléro.

Trong sáng tạo nghệ thuật, cái tôi cá nhân của từng đạo diễn là rất quan trọng và cần được tôn trọng. Trước cuộc thi, tổng đạo diễn Vũ Thành Vinh cho biết, nhà sản xuất sẽ tôn trọng cái tôi của đạo diễn và không can thiệp quá sâu vào công việc dàn dựng. Nhưng sự tôn trọng này không nên đồng nghĩa với việc bỏ qua quy định, nguyên tắc của cuộc thi - chất liệu boléro phải là chủ đạo.

Tham gia chương trình, các đạo diễn phải hiểu và tôn trọng luật chơi, không thể biện minh theo kiểu “tôn trọng cảm xúc của diễn viên nên không chọn boléro”; “vì mạch kịch có tiết tấu nhanh nên boléro không phù hợp” hoặc “khi hoàn tất câu chuyện mới nhận ra không có ca khúc boléro phù hợp”…

Tài năng của một đạo diễn thể hiện qua sự tính toán, sắp đặt câu chuyện, tình huống kịch để đưa các ca khúc boléro vào tiết mục một cách mượt mà, nhiều cảm xúc. Tiếc rằng, đến nay, các đạo diễn vẫn chưa làm được.

Họ đang sa đà vào việc khoe tài viết kịch bản, cách sắp đặt những nút thắt, nút mở… nhằm tạo sự bất ngờ cho người xem. Có đạo diễn còn đưa cả dàn nhạc sống lên sàn diễn, dù chẳng giúp phát huy yếu tố boléro trong tiết mục.

Theo dõi cuộc thi, nhiều khán giả có cảm giác cái tôi quá lớn của các đạo diễn đã lấn át những yếu tố khác. Đáng tiếc hơn, khi nhà sản xuất có sẵn đội ngũ nhạc sĩ, sẵn sàng sáng tác ca khúc boléro theo yêu cầu thì các đạo diễn lại từ chối vì… “muốn được tự do sáng tạo”.

Có vẻ như thí sinh của Kịch cùng boléro đang nhầm lẫn giữa bảo vệ sự độc lập trong sáng tạo với việc cần tuân thủ những tiêu chí, quy định của sân chơi. Có lẽ họ không biết rằng, mình đang mất điểm vì đã đặt cái tôi sai vị trí.

Khán giả của Kịch cùng boléro không cần những tiết mục quá nhiều kịch tính mà cần xem sự kết hợp giữa kịch và boléro.  Không làm được điều này, các đạo diễn đã thất bại, đánh mất cơ hội khẳng định mình ở một sân chơi đang được rất nhiều khán giả mê kịch nói và dòng nhạc boléro quan tâm. 

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI