Cái số nó vậy!

17/08/2016 - 11:28

PNO - Chị kể, giọng đều đều không buồn không vui, thỉnh thoảng chêm vào câu “chị mà nói láo là bà bắn liền” thì hơi cao giọng, như để khẳng định mình không nói dối.

Tôi cười: “Đời, người ta nói dối chuyện mình giàu mình sang, ai đi nói dối mình nghèo khổ đâu chị”. Chị bảo, nghèo chị không sợ, khổ chị không buồn, chỉ hận bị chồng bỏ lúc mới sinh con. "Chị cũng không biết sao mình sống được qua đận đó. Chắc tại cái số mình nó vậy”.

18 tuổi, chị lấy chồng theo lời cha mẹ: “Thằng đó làm thợ mộc, cha truyền con nối, xứ này có ai giỏi hơn nó đâu. Nó cũng hiền lành, bây về phụ chồng làm cũng đủ nuôi con”. Vậy là lấy. Anh hơn chị hai tuổi. Nhà đông anh em, nên cưới xong vợ chồng về nhà chị sống. Chái hè nhà chị được cha mẹ cắt ra cho đôi vợ chồng mới. Ngoài chiếc giường ngủ thì lổn ngổn nồi niêu cho việc bán bắp hầm của chị và mớ đục, bào, cưa, búa… của anh. Năm sau, đứa con đầu lòng ra đời. Nghề mộc chưa phát triển lắm, thi thoảng anh được cha vợ giao lại vài món như ghế gãy, tủ bung ván lưng, bàn vạt mộng… cho làm. Công việc chính của anh là đi phát gò mối, lấp hố bom thuê. Tiền công ít lắm, có khi chủ còn trả bằng khoai mỡ, gạo lức, lúa có sẵn trong nhà. Lây lất cũng qua. Hai năm sau chị sinh tiếp đứa nữa.

Lúc này, nghề mộc bắt đầu có khách. Anh vác đồ nghề tới nhà khách để làm, có khi ở lại hàng tháng trời vì công trình lớn. Anh đi đi về về đâu nửa năm thì chị nghe phong thanh anh “có vợ nhỏ”. Có người còn hăng hái bảo sẵn sàng giúp chị đánh ghen “tận ổ”. Nhưng chị tin chồng, một niềm tin tuyệt đối. Hai đứa con nheo nhóc, gánh bắp hầm ngày nào cũng nấu, làm sao rảnh để đi "bắt tận tay day tận mặt" như người ta xúi. Chị gần sinh đứa thứ ba, anh càng ít về nhà hơn. Chị không kịp để ý lúc này đôi dép anh mang đã không còn mỏng lét như dao lam và dính đầy mạt cưa nữa; chiếc quần lò xo của anh đã mới tinh, láng mướt.

Cai so no vay!
Chị Thưa bên xe dừa quen thuộc

Anh còn hứa với chị: “Ráng chịu cực, anh đi làm xa vài bận nữa thì mình cất nhà riêng”. Miếng đất cha mẹ chị cho đã sẵn rồi. Chị sinh đứa thứ ba. Hồi đó đâu có điện thoại để gọi như bây giờ, phải nhờ em của chị đi tìm anh, tìm tới nơi người ta lại chỉ anh đã sang công trình khác. Khi cậu em tìm được ông anh rể thì bà chị nằm nhà đã gần đầy tháng! Anh về đến nhà, chị đã sinh được bốn mươi ngày. Ở nhà với vợ tuần lễ mà anh nhấp nhổm đứng ngồi không yên, nấu cơm quên đổ nước; kho cá quên nêm muối, nấu canh thì quên rửa rau…

Ở được 1 tháng 17 ngày thì anh đi biệt, bỏ lại mấy chữ: “Em ráng nuôi con, chắc là tôi với em hết nợ nhau rồi”. Chị khóc không thành tiếng. Đứa con đỏ hỏn khóc trong buồng, hai đứa lớn còn bé tí, chạy ngoài sân kêu gào vì đói. Mẹ chị cũng nghèo, choàng gánh con cháu năm mười bữa, làm sao nuôi nổi ngày này tháng nọ. Sinh con hai tháng, chị lại gánh thau bắp hầm đi khắp hang cùng ngõ hẻm. Con chị đã không biết bao lần ăn bắp hầm trừ cơm.

Nhà chồng gần chứ có xa xôi gì, nhiều hôm đi chợ đụng mặt nhau. Họ nhìn chị như nhìn người xa lạ. Có khi mẹ chồng, em chồng đi qua mặt chị còn "tớp" với nhau: “Vàng bữa nay xuống ghê má ha? Rẻ rề vậy mà có người không có dem nào”. Chị uất hận buốt tâm can. Hết bán bắp hầm chị chuyển qua bán “chợ di động”, là cái xe đẩy hầm bà lằng thịt, cá, rau, củ, tép tỏi, củ hành… đưa đến tận nhà người mua. Chị “chuyển nghề” với tâm niệm đơn giản là nếu… ế thì con mình cũng có rau có cá mà ăn. Nhờ cái “chợ” này, dần dà chị cất được cái nhà nhỏ trên vuông đất cha mẹ cho, hết cảnh ăn nhờ ở đậu. “Chợ di động” của chị tồn tại đâu chừ ng bốn năm. Người ta ghi sổ nhiều quá, không bán thì mất mối, bán thì hụt vốn. Chị ráng “choàng”, choàng riết mắc nợ một khúc.

Các con chị tuy mẹ vắng nhà nhưng ngoan, đứa lớn nói đứa nhỏ nghe nên đứa nào cũng học được hết cấp II. Đùng một cái, cha chúng quay lại. Hôm đó chị đi bán về, đang mừng muốn chết vì bán được hết xe đồ thì mém xỉu khi thấy có người đàn ông đang tòng teng trên võng trong nhà. Bước vô, chị nhận ra là “thằng chả”. Kẻ bội bạc nói ngon ơ: “Xin lỗi em, tui sai lầm mới bỏ mẹ con em, giờ tui trở về cho con có cha nhà có chủ, nghen!”. Chị đứng như trời trồng, đứa gái út lấm lét nhìn mẹ, thằng trai lớn ra nhà sau xách cây chổi đưa cho chị, nói lớn: “Đuổi ổng đi mẹ. Con không cần người cha như vậy”. Kẻ bội bạc nhảy khỏi võng, biến nhanh khỏi nhà chị. Đó là năm 2003.

Từ năm 2004 chị chuyển sang bán dừa tươi, ngày đẩy xe trăm trái, bán được sáu, bảy chục xem như hết sức. Các con chị hồi chưa đủ tuổi vô xí nghiệp thì nhận hạt điều về cạo, nhận hành tỏi về lột vỏ, nhận bào củ sắn cho cơ sở sản xuất đồ ăn chay… Lớn chút thì đi làm công nhân, rồi có vợ có chồng. Giờ chị đang sống với con gái út, đã học “thí công” nghề may, được chủ tiệm giữ lại làm thợ chính, lương cũng bốn-năm triệu/tháng.

Con gái nói, nhiêu đó hai mẹ con gói ghém sống cũng được, mẹ đừng đi bán nữa, dang mưa dang nắng cực lắm. Nhưng chị bảo, mình còn sức khỏe thì cứ đi, đẩy cái xe dừa coi như tập thể dục vậy mà. Dừa chị bán là dừa xiêm Bến Tre chính hiệu, giá 12.000đ/trái, nước ngọt lịm, tê tê đầu lưỡi như có ga, trái bé xíu vừa một chén nước. Tuy chưa giàu có gì, nhưng chị bảo, mình an vui vì con cái ngoan ngoãn, siêng năng làm lụng: “Chắc mình có phước nhờ con”. Còn chuyện lòng, chắc “tại cái số nó vậy” mà thôi.

Nhìn người phụ nữ tuổi gần 60 chống tay, cong lưng đẩy xe dừa lên dốc, tôi như thấy cả một trời nghị lực. Chỉ có nghị lực mới giúp được chị vượt qua những tháng ngày chông chênh của duyên phận hẩm hiu. Người phụ nữ ấy có cái tên khá lạ: Phẩm Thị Thưa, ngụ thị trấn Bến Cát, Bình Dương.

Kim Cúc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI