"Cải lương Sài Gòn 1955 – 1975" - tài liệu quý dành cho hậu thế

10/01/2023 - 16:12

PNO - Sau 4 năm, công trình biên khảo của Hội Sân khấu TPHCM với tựa đề “Cải lương Sài Gòn 1955 – 1975” đã hoàn thành và chính thức ra mắt.

Công trình do NSND - đạo diễn Trần Minh Ngọc chủ biên, họa sĩ Trí Đức biên tập - trình bày. Ban biên soạn gồm 18 thành viên, có nhiều cái tên quen thuộc ở lĩnh vực nghiên cứu lịch sử sân khấu cải lương, như: cố soạn giả Mai Quân, NSND - đạo diễn Trần Ngọc Giàu, NSƯT - đạo diễn Ca Lê Hồng, NSƯT - đạo diễn Nguyễn Hồng Dung, tác giả Đăng Minh, đạo diễn Thanh Hạp, đạo diễn Tôn Thất Cần, PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng, TS. Mai Mỹ Duyên, nhà nghiên cứu Đỗ Dũng, Th.S Phạm Thái Bình…

Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM Tôn Thất Cần giới thiệu sơ nét về quá trình làm sách.
Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM Tôn Thất Cần giới thiệu sơ nét về quá trình làm sách.

Đạo diễn Tôn Thất Cần – Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM – cho biết, công trình được thực hiện nhân kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương (1918 2018), với mong muốn bổ sung về một giai đoạn phát triển quan trọng của sân khấu cải lương là 1955 – 1975, nhưng lại có rất ít tài liệu nghiên cứu. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan, nhất là vấn đề kinh phí, mãi đến nay mới hoàn thành.

“Chủ trương của Hội Sân khấu TPHCM làm sách này không phải để bán, mà dành tặng các trường học, các hội chuyên ngành văn học nghệ thuật, nhằm phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, tìm hiểu về sân khấu cải lương” – ông Tôn Thất Cần nói.

NSND Trần Ngọc Giàu khơi gợi nhiều đề tài nghiên cứu chuyên sâu từ công trình này.
NSND Trần Ngọc Giàu khơi gợi nhiều đề tài nghiên cứu chuyên sâu từ công trình này.

Theo NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, tài liệu nghiên cứu về sân khấu cải lương miền Bắc khá nhiều, nhưng ở phía Nam thì chỉ rải rác trong một số tư liệu và trong ký ức cá nhân các nhân vật. Công trình này được xem là tài liệu tập hợp đầu tiên về sân khấu cải lương miền Nam giai đoạn 1955 – 1975.

“Ban đầu, chúng tôi có xin tài trợ từ Nhà nước để làm sách này, nhưng vướng mắc nhiều về thủ tục, quy định nên cuối cùng quyết định tự thân vận động. Ban biên soạn đã lấy công làm “của” – vốn tài liệu quý dành cho hậu thế có cái nhìn cơ sở về sân khấu cải lương trước năm 1975. Còn lại tiền in sách thì được sự ủng hộ của các diễn viên trẻ…” – NSND Trần Ngọc Giàu cho biết thêm.

Ban biên soạn công trình
Ban biên soạn công trình "Cải lương Sài Gòn 1955 - 1975".

Cũng theo NSND Trần Ngọc Giàu, công trình này chỉ là mở đầu với những thông tin, kiến thức nền tảng, khơi gợi cho nhiều nghiên cứu chuyên sâu tiếp theo. Chẳng hạn như: phương pháp đào tạo truyền nghề từ Trường Quốc gia âm nhạc và Kịch nghệ; phong cách soạn giả viết tuồng gắn với phong cách từng đoàn hát như thế nào; cải lương Nam Bộ tiếp xúc với khán giả miền Bắc ra sao…

“Ngày trước, dù cùng hát đề tài xã hội, nhưng tuồng của Thanh Minh - Thanh Nga sẽ khác tuồng của Dạ Lý Hương; cùng là tuồng kiếm hiệp nhưng phong cách Kim Chung sẽ khác Kim Chưởng…; cùng là liên danh tác giả nhưng Hà Triều - Hoa Phượng khác Yên Lang - Nguyên Thảo… Tất cả đều là những đề tài hấp dẫn, cần nghiên cứu để hoàn chỉnh thêm phần lý luận, học thuật cho sân khấu cải lương.

Cải lương là loại hình mở, nhưng không có nghĩa muốn làm gì làm. Nếu không có cơ sở nền tảng, không dựa vào lý luận, sẽ mất phương hướng, làm mất đi chất của cải lương. Muốn “làm mới” cải lương thì rất cần hoàn chỉnh nền tảng lý luận” – NSND Trần Ngọc Giàu chia sẻ.

Đạo diễn Nguyễn Hồng Dung và đạo diễn Tôn Thất Cần
Đạo diễn Nguyễn Hồng Dung và đạo diễn Tôn Thất Cần chia sẻ kỷ niệm về quá trình theo đuổi công trình.

Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM Tôn Thất Cần cũng cho biết, nối tiếp công trình này, trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, Hội Sân khấu TPHCM sẽ nỗ lực có thêm công trình về giai đoạn sân khấu cải lương sau năm 1975 – giai đoạn đỉnh cao mới với nhiều thành tựu rực rỡ; hoặc biên tập và in những kịch bản cải lương kinh điển làm nguồn tham khảo, học tập chuyên ngành và phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy cải lương.

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI