“Cái khó ló cái khôn” - Những sáng kiến giúp sống chung an toàn với COVID-19

10/01/2022 - 06:01

PNO - Để có thể đối mặt và sống chung an toàn với đại dịch COVID-19, con người đã nghĩ ra những ý tưởng sáng tạo và áp dụng chúng vào thực tế cuộc sống.

Trong 2 năm vừa qua khi COVID-19 gõ cửa từng nhà và biến thành đại dịch toàn cầu thì đã có hàng ngàn ý tưởng được các nhà khoa học, nhân viên y tế, các kỹ sư, những người dân bình thường nghĩ ra và đưa vào áp dụng trên thực tế, giúp cuộc sống thời dịch bệnh được an toàn hơn.

Ăn uống an toàn

Gọi món ăn bằng cách quét mã QR (QR code menu) đang trở nên phổ biến và thay thế dần những quyển thực đơn cáu bẩn với hàng trăm thực khách chạm vào hàng ngày. Ngoài ra, nhân viên phục vụ trong các nhà hàng, quán ăn cũng rất ủng hộ hình thức gọi món này bởi tính tiện lợi, nhanh chóng, chính xác và giúp họ có thêm nhiều thời gian để làm những công việc khác.

QR code menu được sử dụng để thay thế những quyển thực đơn truyền thống - Ảnh: QR code menu
QR code menu được sử dụng để thay thế những quyển thực đơn truyền thống - Ảnh: QR code menu

Một cô robot phục vụ mặc bộ vest lịch sự cúi chào khi bạn bước vào quán bar, tiếp đá cho món đồ uống của bạn, pha cho bạn một ly cocktail đúng điệu… Đây là cảnh tượng quen thuộc khi chúng ta đi bar thời COVID-19 ở Hàn Quốc. Ở đó, robot thực hiện hầu hết những công việc của nhân viên phục vụ, giúp giảm thiểu tối đa sự tiếp xúc của con người, từ đó hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Với những ai không muốn tháo khẩu trang khi đang ăn hoặc uống thì họ có thể lựa chọn một loại khẩu trang được thiết kế đặc biệt có tên gọi “khẩu trang mở miệng” do công ty công nghệ Avtipus Patents and Invention có trụ sở tại Israel phát triển.

Thực khách có thể đặt chế độ tự động hoặc sử dụng tay mở phần miệng của chiếc khẩu trang khi cần đưa thức ăn vào miệng, sau đó, phần nắp đậy sẽ đóng lại khi chúng ta đang nhai thức ăn.

Khẩu trang mở miệng - Clip: Avtipus Patents and Innovations 

 Giao nhận an toàn

Những chú robot cỡ nhỏ đang được sử dụng để giao thức ăn tại một số căng tin trường đại học tại nước Mỹ, giúp giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp của con người cũng như giải được bài toán thiếu hụt nhân công lao động cho loại hình công việc này.

Robot giao đồ ăn Starship - Ảnh: Kiwibot
Robot giao đồ ăn Starship - Ảnh: Kiwibot

Phổ biến hơn cả là loại robot Starship được mô phỏng tạo hình trong bộ phim Cuộc chiến giữa các vì sao (Star Wars) do ông lớn ngành dịch vụ Sodexo hợp tác cùng startup giao đồ ăn Kiwibot phát triển. Khách hàng chỉ cần nhập mã code thông qua app cài đặt trên smartphone là có thể mở cửa robot Starship để lấy đồ ăn được giao đến tận nơi cho mình.

Mô hình ATM gạo được khởi phát ở Việt Nam trong suốt thời gian đại dịch COVID-19 với cơ chế hoạt động tự động cung cấp gạo miễn phí 24/7 đã giúp nhiều người nghèo vượt qua được giai đoạn khó khăn vừa qua.

Mô hình ATM gạo của Việt Nam giúp người dân nghèo có gạo miễn phí trong thời gian đại dịch COVID-19 - Ảnh: Thanhuytphcm
Mô hình ATM gạo của Việt Nam giúp người dân nghèo có gạo miễn phí trong thời gian đại dịch COVID-19 - Ảnh: Thanhuytphcm

 Sáng kiến rửa tay và che mặt

WOTA, một startup Nhật Bản, đã sáng chế ra những chiếc máy rửa tay cơ động mang tên WOSH được đặt bên ngoài các trung tâm mua sắm đông người tại đất nước mặt trời mọc.

Điểm đặc biệt ở những chiếc máy này là không cần phải tiếp nước bởi chúng có cơ chế tái sử dụng nước qua một quy trình 3 giai đoạn rất khoa học. Điều duy nhất cần làm là cắm điện cho những chiếc máy này để chúng có thể hoạt động được mà thôi.

Máy rửa tay di động không cần cấp nước nhờ khả năng xử lý và tái sử dụng nước  - Ảnh: WOTA Corp

Ở Việt Nam, "Mũ cách ly di động phòng dịch COVID-19 Vihelm" là ý tưởng sáng tạo của hai bạn trẻ Đỗ Trọng Minh Đức, học sinh lớp 11 trường Montverde Academy (Mỹ) và Trần Nguyễn Khánh An, học sinh lớp 8 trường song ngữ quốc tế Hanoi Academy. Đây là chiếc mũ bảo hộ che kín đường hô hấp, được bơm không khí liên tục qua một màng lọc virus khiến virus không thể lây xuyên qua mũ bảo hộ trong khi đội. Chiếc mũ cũng được thiết kế một hệ thống quạt làm thoáng khí, không gây đọng hơi nước bên trong do đó không làm ảnh hưởng tầm nhìn của người đội.

Chiếc mũ cũng được gắn thêm một găng tay đặc biệt ở đáy mũ, cho phép người dùng gãi mặt, dụi mắt hay thậm chí ăn uống mà vẫn giữ cách ly đường hô hấp với môi trường bên ngoài.

Nhờ đó người dùng có thể đội mũ thoải mái liên tục trong suốt một ca làm việc khoảng 4 tiếng mà không lo bị ngứa hay nóng. Thậm chí họ còn có thể ăn uống các thức ăn chứa trong mũ để có thể làm việc cả ngày trong trạng thái dễ chịu.

Mũ cách ly di động Vihelm - Ảnh: Vihelm
Mũ cách ly di động Vihelm - Ảnh: Vihelm

Gạch tái chế từ khẩu trang và bánh mì làm từ trái cây

Bác sĩ 27 tuổi người Ấn Độ Binish Desai đã có giải pháp biến những chiếc khẩu trang sử dụng một lần và các bộ đồ bảo hộ cá nhân thành những viên gạch.

Loại gạch có tên Brick 2.0 này bền hơn, nhẹ hơn nhưng lại chắc hơn các loại gạch nung thông thường, chưa kể chúng con có khả năng kháng nhiệt và kháng nước.

Loại gạch được tái chế từ khẩu trang dùng một lần - Ảnh: Binish Desai
Loại gạch được tái chế từ khẩu trang dùng một lần - Ảnh: Binish Desai

Còn ở Việt Nam thì những người thợ làm bánh mì đã sáng tạo ra loại bánh mì độc đáo được làm từ quả thanh long.

Giải pháp này không chỉ góp phần giúp giải cứu nông dân không thể xuất khẩu thanh long do ảnh hưởng của COVID-19 mà còn cung cấp ra thị trường một loại thực phẩm bổ dưỡng, ngon miệng và đẹp mắt.

Ông Kao Siêu Lực - Cha đẻ bánh mì thanh long giúp giải cứu nông dân Việt Nam - Ảnh: Quang Huy/
Ông Kao Siêu Lực - "Cha đẻ" bánh mì thanh long giúp giải cứu nông dân Việt Nam - Ảnh: Quang Huy/TCDN

"Thư viện lạc đà" mang sách cho trẻ em mùa COVID-19

Với hơn 26 triệu trẻ em bị buộc phải ngừng học do ảnh hưởng các đợt phong tỏa vì COVID-19 tại Ethiopia, tổ chức phi chính phủ quốc tế Save The Children đã cho “tái sinh” ý tưởng có từ năm 2010 với mô hình “thư viện lạc đà di động”.

Có hơn 25 con lạc đà mang trên lưng những chiếc thùng gỗ chứa hàng trăm quyển sách và truyện tranh mang đến phục vụ cho hơn 22.000 trẻ em đang sinh sống tại các làng quê hẻo lánh.

Mô hình thư viện độc đáo này cũng đang được Pakistan và Ấn Độ học hỏi và áp dụng tại đất nước mình.

Thư viện lạc đà giúp mang sách đến cho trẻ em bị nghỉ học vì COVID-19 ở Ethiopia - Ảnh: Save The Children
Thư viện lạc đà giúp mang sách đến cho trẻ em bị nghỉ học vì COVID-19 ở Ethiopia - Ảnh: Save The Children

Nguyễn Thuận (theo Straits Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI