Các bà mẹ Philippines đưa Tổng thống Duterte và “cuộc chiến chống ma túy” của ông ra tòa

11/10/2021 - 11:09

PNO - Khoảng 30.000 người ở Philippines được cho là đã thiệt mạng kể từ khi Tổng thống Duterte kêu gọi cảnh sát thẳng tay diệt trừ những người sử dụng ma túy ở nước này, khi ông mới nhậm chức vào năm 2016. Giờ đây, nhiều gia đình của những người này đang muốn nhờ đến Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) để đòi lại công lý.

Vào ngày 11/5/2017, Crisanto Lozano đã rời khỏi nhà ở Manila - thủ đô của Philippines - vào sáng sớm để gia hạn giấy phép làm nhân viên bảo vệ của mình. Đến chiều, anh vẫn chưa về nhà và gia đình anh cũng không liên lạc được qua điện thoại. Sau đó, gia đình nhận ra người em trai của Crisanto - Juan Carlos - cũng mất tích.

Thân nhân của các nạn nhân trong ‘cuộc chiến chống ma túy’ của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte an ủi nhau tại một nhà thờ ở thành phố Quezon vào năm 2019.
Thân nhân của các nạn nhân trong ''cuộc chiến chống ma túy'' của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte an ủi nhau tại một nhà thờ ở thành phố Quezon - Ảnh: AP

Ngày hôm sau, họ nghe tin có 2 thi thể đã được phát hiện gần nhà. Hai anh em đã bị bắn chết trong một cuộc truy quét ma túy của cảnh sát.

“Nếu các con chết vì bệnh tật, có lẽ tôi đã cảm thấy an lòng. Đằng này, chúng đã bị các sĩ quan cảnh sát sát hại thô bạo dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte”, người mẹ của Crisanto và Juan - bà Llore Pasco - bức xúc.

Pasco được giải thích rằng các con trai của bà đã tham gia vào một vụ cướp và bị bắn vì cố gắng chống trả lại cảnh sát. Theo các nhà hoạt động và luật sư nhân quyền, đây là một kiểu biện minh khá phổ biến, được cảnh sát Philippines thường xuyên đưa ra để bào chữa cho các vụ giết người không đúng pháp luật trong quá trình họ thực hiện nhiệm vụ.

Pasco cho biết, cả 2 con trai của bà đều từng sử dụng ma túy, nhưng sau đó đã ngưng khi ông Duterte lên nắm quyền. Trước khi bị cảnh sát bắn chết, Crisanto, 34 tuổi, đã kết hôn và có 4 đứa con, đang làm nhân viên bảo vệ ở một tỉnh khác và chỉ về nhà mỗi tháng một lần để gặp gia đình. Người em, Juan Carlos, 31 tuổi, đang làm nhân viên vệ sinh. Theo Pasco, cả 2 anh em đều hiền lành và đối xử tốt với các thành viên của gia đình.

Sau khi tuyên bố về cái gọi là “cuộc chiến chống ma túy”, ông Duterte đã liên tục kêu gọi mọi người giết chết những người nghiện ma túy và bất cứ ai tham gia buôn bán ma túy. “Nếu bạn biết bất kỳ người nghiện nào, hãy tự mình giết họ, vì sẽ rất đau lòng nếu để cha mẹ họ phải làm điều đó”, ông Duterte nói trong bài phát biểu sau khi nhậm chức năm 2016.

Theo ước tính của một công tố viên ICC, có khoảng 30.000 người đã thiệt mạng trong cuộc chiến chống ma túy của chính quyền Philippines từ tháng 7/2016 đến tháng 3/2019.

Trong hơn 4 năm, Pasco - một nhà vật lý trị liệu và hiện là một nhà hoạt động của tổ chức “Rise Up for Life and for Rights” (Đấu tranh vì cuộc sống và nhân quyền - RUFLFR) - đã đấu tranh yêu cầu chính phủ của ông Duterte phải có trách nhiệm giải trình và chấm dứt các vụ giết người liên quan đến cuộc chiến chống ma túy. Cùng với 6 người mẹ khác, Pasco là một trong những người đầu tiên công khai gửi đơn lên ICC, yêu cầu truy tố ông Duterte.

Tháng trước, ICC đã xác nhận sẽ tiến hành một cuộc điều tra về những tội ác mà cuộc chiến chống ma túy của ông Duterte có thể đã gây ra cho con người, và cho rằng đây dường như là một “cuộc tấn công có hệ thống và rộng rãi nhắm vào cả dân thường”.

Đối với Pasco và các bà mẹ khác ở Philippines, tuyên bố của ICC mang đến một tia hy vọng. Bởi, từ tháng 8/2018, những bà mẹ này đã thông qua tổ chức RUFLFR, nơi đã ghi lại hàng trăm vụ truy quét ma túy, để đưa ra những bằng chứng đầu tiên cho ICC.

“Thời gian đó là đỉnh điểm của các vụ giết người để diệt trừ ma túy. Nhiều bà mẹ không dám lên tiếng vì sợ rằng nhiều người thân của họ có thể trở thành mục tiêu của cảnh sát sau đó”, Kristina Conti -  một luật sư từ Liên đoàn quốc gia Các luật sư nhân dân (NUPL), người đại diện cho các gia đình, cho biết.

Các luật sư bảo vệ cho những người thiệt mạng trong cuộc chiến chống ma túy, dưới thời của ông Duterte, cũng phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng liên quan đến tính mạng. Trong số này, 61 luật sư đã bị sát hại. Đầu năm nay, Angelo Karlo Guillen, cũng là một luật sư của NUPL, đã bị đâm vào đầu nhưng đã may mắn sống sót.

“Con đường đấu tranh giành lại công lý cho những người đã bị chết oan như các con của tôi trong chiến dịch diệt trừ ma túy của chính phủ sẽ còn kéo dài. Tôi hy vọng các bà mẹ khác sẽ cùng bước tiếp trong cuộc đấu tranh này. Chúng ta không nên sợ hãi khi nói ra sự thật”, Pasco lên tiếng và cho biết thêm, những vụ giết người với lý do chống ma túy hiện vẫn đang tiếp diễn ở Philippines, nhưng ít được chú ý hơn trong đại dịch COVID-19.

Nhất Nguyên (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtulieuvi /strCate=tulieu

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthegioilakyvi /strCate=thegioilaky
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthegioivi /strCate=thegioi