Ca sĩ Lệ Thu: Giọng hát thiên thu đã về với “Làn mây hồng pha ráng trời”

18/01/2021 - 06:45

PNO - Danh ca Lệ Thu tình cờ bước chân vào nghiệp cầm ca với bài hát có tựa đề "Dang dở" tại phòng trà Bồng Lai, như dự báo về một phần số riêng nhiều mất mát, và những cuộc tình không trọn vẹn.

Phải chăng từ những trải nghiệm xót xa của đời người nghệ sĩ, cộng hưởng với tiếng hát khàn ấm ở quãng trung ngọt ngào nhưng ẩn chứa hào khí của bậc trượng phu, đã tạo nên sự say đắm khắc khoải, chinh phục hàng triệu trái tim yêu nhạc Việt Nam, và mang lại thành công rực rỡ cho tên tuổi Lệ Thu. 

“Tôi cho rằng đó là cái nghiệp. Gia đình tôi, từ ông cậu đến ông anh, chú, bác đều hát hay, và tôi hát chẳng là gì so với họ, nhưng chắc họ không có cái nghiệp như tôi. Tôi được theo học đàn piano từ nhỏ, trong máu tôi âm nhạc đã ngấm vào” - sinh thời ca sĩ Lệ Thu đã trần tình như thế.

Nhắc đến Lệ Thu, không thể không nhắc đến những nhạc phẩm của Phạm Duy, Cung Tiến, Đoàn Chuẩn, Trịnh Công Sơn, Phạm Đình Chương... cùng niềm hoài cảm tha thiết của Nước mắt mùa thu, Nửa hồn thương đau, Dấu tình sầu… Từ xao xuyến của Hương xưa (Cung Tiến), Lệ Thu giành được sự ái mộ nồng nhiệt khi thể hiện thành công các ca khúc tình yêu với giọng ca vượt trên những u uất tầm thường, không nỉ non mà vẽ lên những bi ca diễm lệ.

Cô gái Bùi Thị Oanh, sinh năm 1943 tại Hải Phòng, với nghệ danh “sinh ra trong tiềm thức” - Lệ Thu - thời gian đầu, thường trình bày những nhạc phẩm Anh, Pháp: A certain smile, Love is a many-splendored thing, La vie en rose… Sau những Rồi mai tôi đưa em, Xin còn gọi tên nhau, Mùa thu trong mưa… tiếng hát Lệ Thu tuy không gắn với một nhạc sĩ nào, nhưng bà là người trình bày rất thành công nhiều ca khúc của nhiều nhạc sĩ.

Lệ Thu dần nổi tiếng và trở thành một ca sĩ quan trọng của các vũ trường lớn ở Sài Gòn. Trong những năm 1968 đến 1971, Lệ Thu được mệnh danh là nữ hoàng phòng trà Queen Bee, chỉ xếp sau đàn chị Thái Thanh một bậc. Lệ Thu cùng với Khánh Ly, Thanh Thúy và Phương Dung được xưng tụng là bốn nữ danh ca của sân khấu Sài Gòn thời đó. 

Ca khúc Thu hát cho người:

 

Cho đến năm 1980, khi Lệ Thu sang Mỹ định cư tại quận Cam, bà vẫn là giọng ca được ái mộ trong lòng những thính giả yêu nhạc. Năm 1981, Lệ Thu thực hiện album nhạc đầu tiên của mình ở Mỹ mang tên Hát trên đường tử sinh. Tiếp theo là album Thu hát cho người gồm nhiều ca khúc đã gắn liền với tên tuổi của bà. 

Còn nhớ tháng 6/2007, Lệ Thu tham gia đêm nhạc Trịnh Công Sơn - Rơi lệ ru người, một lần nữa tiếng hát Lệ Thu lại vang vọng trong khán phòng, làm thổn thức con tim những người có mặt trong buổi biểu diễn đó. Chất giọng alto (nữ trung) của Lệ Thu dường như được sinh ra để thể hiện những ca khúc nhạc tình dang dở, để kể chuyện mình, chuyện tình, để nhắc nhớ ký ức, lưu giữ kỷ niệm, như sợi dây rung cảm mỏng manh nối liền nhiều thế hệ.

Năm 2013, danh ca gặp tai nạn phải nhập viện cấp cứu khi chỉ còn một tuần nữa là tổ chức liveshow ở Việt Nam. Sau đó bà thường xuyên về nước dự các đêm nhạc nhỏ, làm giám khảo các cuộc thi. Ngoài Ngậm ngùi qua phần thể hiện của danh ca Lệ Thu đã trở thành chuẩn mực, Phạm Duy từng chia sẻ về Nước mắt mùa thu rằng: “Bài hát nói về tất cả những phận người, trong đó có cả những người ca sĩ không tên không tuổi, một đời phải hát trong buồn tênh”. Ca khúc viết cho Lệ Thu, nhưng lại là ca khúc hát cho những thân phận, những cuộc hành trình của người nghệ sĩ. 

Dẫu là “nước mắt mùa thu”, thì hào quang hay trắc trở của một đời ca sĩ dường như nấc lên lại dường như im bặt, vẫn chảy êm ả trong dòng sông âm nhạc, qua bao nhiêu năm tháng bể dâu thời cuộc. Bởi giọng ca qua thời gian sẽ khác đi, nhưng tâm hồn trong giọng ca là bất biến. 

Dẫu “nước mắt đã buông rơi theo tiếng hát qua đời”, thì những ngân nga “giữa thu vàng, bên đồi sim trái chín” vẫn “trôi bềnh bồng trên phận người”, để nuôi dưỡng niềm lãng mạn tha thiết trong tâm hồn người mộ điệu.

Ca sĩ Lệ Thu trong một buổi trả lời phỏng vấn, đã nói: “Tôi hiểu chữ “lệ” mang nghĩa buồn lắm, là nước mắt, và mùa thu cũng sầu không kém. Thế nhưng “lệ” ở đây còn có nghĩa là mỹ lệ, là một mùa thu rất đẹp. Cái đẹp bất toàn đôi khi đến từ chính những dang dở mà số phận đã phân chia cho một giọng ca, một nhan sắc sớm được xưng tụng là “tiếng hát vàng mười, là hơi thở của những trái tim vừa chớm hương yêu thuở nào…”.

Tiếng hát vàng mười ấy, tiếng hát thản nhiên “hát trong buồn tênh” không ngơi nghỉ, đã chính thức khép lại hạnh phúc, đắng cay trong kiếp nhân sinh của chính mình vào hồi 19g ngày 15/1 (giờ Mỹ) sau thời gian chống chọi với COVID-19. Chỉ trong khoảng một năm ngắn ngủi, thế giới và Việt Nam đã mất đi những huyền thoại, những cây đại thụ trong âm nhạc và nghệ thuật thứ bảy vì COVID-19. Duy chỉ có tác phẩm là vẫn ở lại, tiếp tục đời sống riêng không thể thay thế của nó trong lòng người hâm mộ. 

Thuyền viễn xứ một lần đón danh ca Lệ Thu “dạt bến qua ngàn lau thưa”, để cống hiến 60 năm ca hát, giờ đây như vẫn đang trên con thuyền ấy, xin tiễn đưa bà cùng lòng tri ân của những trái tim yêu nhạc, xin tiễn đưa giọng hát thiên thu về với “Làn mây hồng pha ráng trời”. 

Trường Ý

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI