Bỗng dưng được... học sinh tiên tiến

24/06/2015 - 06:34

PNO - PN - Có người ví von rằng “Ra ngõ là gặp… học sinh giỏi” quả không ngoa chút nào. Đó là một thực tế đáng buồn của nền giáo dục Việt Nam.

Càng chống bệnh thành tích, bệnh thành tích càng phổ biến ở các cấp học. Hai năm trở lại đây, bệnh thành tích này “nở rộ” hơn ở bậc THPT, nhất là lớp 12.

Bong dung duoc... hoc sinh tien tien

Việc Bộ GD&ĐT lấy điểm học bạ xét chung kết quả kỳ thi quốc gia là một việc làm đổi mới, rất phù hợp, bởi đánh giá học sinh là cả quá trình học tập cộng với kết quả thi cử chứ không đơn thuần lấy từ điểm số thi cử.

Thế nhưng, điều đáng nói là việc lấy điểm học bạ đã tạo cơ hội cho học sinh lớp 12 khá giỏi đột biến. Rồi những năm sau, không chỉ học sinh lớp 12 mà học sinh bậc THPT cũng khá giỏi đột biến khi điểm số học bạ xét cả ba năm.

Trường nào cũng mong học sinh của mình đậu 100% nên việc nâng điểm học bạ là cơ hội để học sinh dễ dàng có “tấm bằng”. Cái ảo lại hiện lên bằng điểm số, nên cũng có những học sinh dựa vào đó mà không cố gắng vươn lên.

Năm học 2013-2014, nhiều học sinh khoe trên Facebook khi đạt kết quả học sinh giỏi. Một đồng nghiệp trường H. tâm sự: “Năm học lớp 11 các em này học chẳng ra gì, không hiểu tại sao chúng học giỏi nhanh thế”. Cái ảo ấy thật nguy hiểm biết mấy!

Năm học 2014-2015, nếu khảo sát tỉ lệ học sinh khá giỏi thì chắc chắn khối 12 lấn át khối 10 và 11.

Vừa rồi gọi điện về quê, chị gái tôi cho hay: “Thằng L. cũng được học sinh tiên tiến em ạ. Giáo dục kiểu này thì chết thật! Học như L. mà cũng được tiên tiến mới lạ chứ”.

Việc L. đạt kết quả tiên tiến là chuyện không thể ngờ đối với gia đình chị gái tôi, bản thân L. cũng ngỡ ngàng. Cả nước có biết bao học sinh ngỡ ngàng khi mình được danh hiệu học sinh tiên tiến, học sinh giỏi? Rồi đây, học sinh của Việt Nam đa phần sẽ là khá, giỏi - khá, giỏi đến mức báo động?

Và khi một số trường đại học xét cả điểm học bạ cho đầu vào thì chất lượng đào tạo sẽ như thế nào khi xuất phát của nhiều em là ảo?

THÁI VIỆT HÙNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI