“Bom dịch COVID-19” sẽ nổ bất kỳ lúc nào

27/07/2020 - 20:54

PNO - Chiều 27/7, Sở Y tế TPHCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM đã họp trực tuyến với các trung tâm y tế, bệnh viện tại 24 quận, huyện trên địa bàn, hướng dẫn các kịch bản phòng, chống COVID-19.

Chủ trì cuộc họp, ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết, tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam tương đối ổn định, nhưng khi ca bệnh 416 được phát hiện, nhiều thông tin sai lệch trên mạng xã hội làm cho người dân lo lắng, trong khi việc phát hiện ca bệnh cộng đồng là điều có thể lường trước được.

Ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM (màn hình trên cùng bên trái) họp trực tuyến với trung tâm y tế và các bệnh viện tại 24 quận, huyện trên địa bàn TPHCM.
Ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM (màn hình trên cùng bên trái) họp trực tuyến với trung tâm y tế và các bệnh viện tại 24 quận, huyện ở TPHCM

Yêu cầu các cơ sở y tế tại TPHCM rà soát kế hoạch phòng, chống dịch

Ông Hưng yêu cầu các cơ sở y tế củng cố, rà soát và lên kế hoạch phòng, chống dịch tại TPHCM chặt chẽ hơn. Theo đó, phải rà soát, phát hiện sớm người từ Đà Nẵng đi học tập, du lịch hay công tác tại TPHCM. 

“Bên cạnh đó, bất kỳ người nào đến TPHCM từ ngày 1/7/2020 phải chủ động trình diện, khai báo y tế. Dự kiến số lượng người xét nghiệm sẽ nhiều, nhưng qua đợt dịch vừa rồi tại TPHCM, các cơ sở y tế trên địa bàn có năng lực xét nghiệm. Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM phải theo dõi, báo cáo việc xét nghiệm, thiết bị kỹ thuật ở các cơ sở rồi báo cáo về sở y tế để kịp thời bổ sung.

Ngoài ra, trung tâm cũng phải báo cáo ca dương tính mỗi ngày (nếu có) một cách minh bạch, chính xác, tuyên truyền kiến thức sức khỏe cộng đồng, phương pháp phòng chống COVID-19 cho người dân thật đầy đủ. Ở các cơ sở y tế, cần rà soát, tập huấn lại cho nhân viên kế hoạch cách ly, phòng chống khi có ca dương tính”, ông Hưng nói.

Hiện tại, COVID-19 đang diễn ra phức tạp tại Đà Nẵng, nhiều lực lượng tập trung cho nơi này. Để giám sát dịch, TPHCM phải lưu ý người nhập cảnh trái phép bởi chỉ cần một người mang virus SARS-CoV-2 thì "bom COVID-19" sẽ nổ bất kỳ lúc nào. Các trung tâm y tế, công an, các lực lượng ở 24 quận, huyện phải đến từng nhà để vận động người nhập cảnh trái phép, người về TPHCM từ ngày 1/7 ra khai báo. 

Người nhập cảnh trái phép trốn khai báo y tế sẽ là bom COVID-19 bất cứ lúc nào.
Người nhập cảnh trái phép trốn khai báo y tế sẽ là "bom COVID-19" bất cứ lúc nào

Ông Hưng nói thêm: “Vừa qua, TPHCM đã phát hiện 29 trường hợp nhập cảnh trái phép đến các cơ sở để khám chữa bệnh. Nếu như 1 trong 29 người này mắc COVID-19 thì sẽ rất khó khăn. Chưa kể đến không ít trường hợp nhập cảnh trái phép bị cơ quan địa phương phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Những người này có thể trở thành nguồn lây bất kỳ lúc nào nếu họ mang mầm bệnh”.

Mỗi người dân là một “giám sát viên”

Mặt khác, TPHCM phòng chống dịch thành công hay không phải có sự hưởng ứng từ người dân, nếu ai cũng đeo khẩu trang khi đến cơ sở y tế, các nơi công cộng; thường xuyên rửa tay; khai báo y tế nghiêm túc; báo ngay với cơ sở y tế, cơ quan chức năng trên địa bàn khi phát hiện người nhập cảnh trái phép; khi nhận thấy bản thân mình hay người xung quanh có các triệu chứng nghi ngờ như ho, sốt,… lập tức liên hệ các cơ sở y tế để được hướng dẫn lấy mẫu xét nghiệm.

Nhân viên y tế của Bệnh viện Quận 2 lấy mẫu xét nghiệm cho người dân bằng cabin di động.
Nhân viên y tế của Bệnh viện quận 2 lấy mẫu xét nghiệm cho người dân bằng cabin di động

Theo TS.BS Nguyễn Trường Giang - Chủ tịch Hội Y tế công cộng TPHCM - đừng nên tập trung hết những người nghi ngờ mắc COVID-19 lại một điểm lấy mẫu, bởi sẽ nguy hiểm nếu có người đang mang trùng, ủ bệnh.

“Hơn hết, đặt giả thiết TPHCM có người bị lây mà chưa có dấu hiệu phát hiện thì phải làm như thế nào? Người này nhiễm từ ai? Và phải tìm nguồn lây chính xác, nếu không sẽ càng rắc rối. Các cơ sở y tế phải rút kinh nghiệm từ Bệnh viện Bạch Mai bởi phát hiện trễ một ngày nguy cơ lây nhiễm tăng lên nhiều lần. 

Trong trường hợp nghi ngờ một người có thể mắc COVID-19 phải phân luồng, kiểm tra và yêu cầu cách ly ngay lập tức, tuyến cơ sở phải thực hiện ngay các xét nghiệm, nếu không đủ năng lực hãy liên hệ với nhân viên y tế tuyến trên đến lấy mẫu, không để người bị nghi ngờ mắc bệnh đi tung lung, nếu người này được xác định dương tính thì đã lây cho rất nhiều người kể cả nhân viên y tế. Kiểm soát dịch bệnh, tuyến cơ sở càng thấp càng tốt”, ông Giang chia sẻ.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM phải tập huấn kỹ cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh, hỗ trợ các trung tâm y tế, trạm y tế lấy mẫu xét nghiệm và tiếp nhận thông tin COVID-19 ngay từ người dân, khuyến khích mỗi người dân là một “giám sát viên” phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng tại địa phương để cùng nhau chống dịch.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI