Bới kim loại đổi lấy kem ăn

21/09/2022 - 19:46

PNO - Hồi đó, việc vạch cỏ lượm vỏ đạn ven Quốc lộ 20 đổi kem vẫn là “việc nhẹ đãi ngộ cao” của lũ trẻ chúng tôi.

Năm 1980, ba má dẫn anh chị em tôi đi kinh tế mới ở Đạ Huoai (Lâm Đồng). Ba má định cư ngay trục tiền Quốc lộ 20, khu vực ngã ba Bà Sa (nay là thị trấn Đạ M’ri), nên dù chỉ rừng với rừng, song những chuyến xe Sài Gòn - Đà Lạt qua lại khiến nơi này không quá hoang vắng.

Xưa, máy móc xe cộ không hiện đại như bây giờ, đèo Bảo Lộc lại dài và quanh co. Tài xế trước khi lên đèo hay sau khi xuống đèo đều phải dừng lại làm mát máy xe trước khi tiếp tục hành trình. Nhờ vậy, ngay chân đèo Bảo Lộc luôn nhộn nhịp, nào quán cơm, quán phở, tiệm đổ nước mui, xe bán kem, xe bán bánh giò…

Người bán bánh giò tập trung ở khu vực chân đèo, bán cho người đi đường, còn xe kem, mỗi tuần, cứ đúng ngày là tạt vào thị trấn. Người bán vừa đạp xe, người bán vừa lắc nhẹ chiếc chuông nhỏ treo ở cổ xe, tạo ra tiếng leng keng thu hút lũ trẻ. 

Ngày đó, một cây kem giá chỉ vài chục đồng, nhưng không phải nhà nào cũng có thể mua cho con ăn, bởi nhà nào cũng ít nhất sáu, bảy đứa con. Không được ba má cho tiền, đám con trẻ làm đủ trò để có kem. Đứa thì gom chai lọ trong nhà đi đổi, đứa thì cố làm rách đôi dép tổ ong mới mua để đổi, đứa lén mang bộ sách giáo khoa gia truyền (các anh em trong nhà, thậm chí trong dòng họ, truyền nhau học đến nát bươm) đi đổi… 

 

Tất nhiên, mánh lới của con nít không thể qua mắt người lớn, những đứa trẻ làm hư dép, lấy bán sách… đều no đòn. Vì thế, việc vạch cỏ, vạch đá, lượm vỏ đạn ven Quốc lộ 20 đổi kem vẫn là “việc nhẹ đãi ngộ cao” của cả bọn. 

Vỏ đạn ven Quốc lộ 20 không nhiều, lại khó tìm. Bọn tôi phải ngồi hẳn xuống đất, săm soi từng xăng-ti-mét, vừa vạch cỏ, vừa bới đá để tìm. Tìm bới vỏ đạn cũng phải có kỹ thuật, sao cho, chỉ một dấu hiệu nhỏ trên mặt đất, cũng phải nhận ra, để mà đào sâu tìm vỏ đạn. 

Mà gọi vỏ đạn, chứ đó chỉ là những mảnh vỡ nhỏ bằng kim loại. Có mảnh chỉ nhỉnh hơn ngón tay út một chút, nhưng chỉ cần tìm thấy, dù nhỏ, giấc mơ được ăn kem càng gần nên cả bọn vẫn hớn hở.

Tám, chín đứa trẻ tích cực bới tìm trong may mắn thì khoảng hai tuần mới gom đủ số lượng để người bán gật đầu đổi cho que kem ống. Để làm loại kem này, người ta cho kem vào ống, đặt vào một que tre dài không kém, đến khi kem đông lại, thì kéo que ra, kem cũng ôm gọn lấy que tre.

Kem ống ngày ấy chỉ có vài vị như đậu đen, đậu xanh, kem dừa, nhưng mỗi lần đổi được một que kem, lũ chúng tôi vui lắm, chuyền tay nhau, mỗi đứa liếm một miếng. Hết một vòng, cây kem đã hết phân nửa. Lặp lại vòng nữa, có khi lưỡi chưa kịp cảm nhận hết vị mát lạnh, ngọt đậm của kem, thì cây kem đã hết, nhưng với lũ trẻ chúng tôi ngày ấy là đủ thỏa mãn, đủ động lực để tiếp tục ngày tìm vỏ đạn mới.

Rồi vỏ đạn cũng hết, thị tứ dần phát triển, chúng tôi cũng lớn để thấy việc ăn chung que kem không còn thú vị hay việc lăn lê chơi bên vệ đường cũng không còn nhiều niềm vui.

Kem ống vẫn thu hút trẻ con, nhưng bọn trẻ thời nay không còn biết đến việc tìm vỏ đạn để đổi kem - Ảnh: Huỳnh Hằng
Kem ống vẫn thu hút trẻ con, nhưng bọn trẻ thời nay không còn biết đến việc tìm vỏ đạn để đổi kem - Ảnh: Huỳnh Hằng

 

Mỗi lần đưa con về thăm ngoại, tôi bật cười khi con trai la váng “kem ơi”, rồi phóng vụt ra đầu ngõ, thành thạo đưa tờ 10.000 đồng và nhận lại hai cây kem ống cho hai anh em. Thì ra, sau một đợt ở nhà ngoại, anh chàng đã kịp ghi nhớ tiếng rao: “kem ống Sài Gòn”. Mỗi ngày, người bán kem sẽ đúng khung giờ chạy xe vào hẻm nhỏ, cu cậu thì chuẩn bị tiền sẵn và lao ra. 

Nhìn nụ cười tít mắt của hai con, tôi bật cười tự hỏi, nếu mình kể chuyện xưa, để có thể vào “đội liếm kem”, mẹ chúng phải tỉ mẩn tìm từng vỏ đạn ở ven đường, hẳn bọn nhỏ sẽ cho rằng chuyện như trong cổ tích. Mà cổ tích thì luôn đẹp… 

Huỳnh Hằng

 

 
Kem ống vẫn thu hút trẻ con, nhưng bọn trẻ thời nay không còn biết đến việc tìm vỏ đạn để đổi kem - Ảnh: Huỳnh Hằng

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI