Bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức với giáo viên

09/09/2023 - 21:01

PNO - Bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, trong đó có giáo viên một trong những giải pháp để hạn chế, khắc phục việc giáo viên bỏ việc.

 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn: Việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên có thể đánh giá cả quá trình, bảo đảm tính công bằng, minh bạch cũng như chính xác hơn. Đồng thời giúp hạn chế, khắc phục tình trạng giáo viên bỏ việc.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên có thể đánh giá cả quá trình, bảo đảm tính công bằng, minh bạch cũng như chính xác hơn

Chiều 9/9, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023 sau phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra cùng ngày. Tại phiên họp, một trong những thông tin đầu tiên được báo chí quan tâm đó là việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, trong đó có giáo viên. Đây là một trong những thông tin đang được bạn đọc quan tâm khi thực trạng giáo viên đang bỏ việc ngày càng nhiều.

Trả lời tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, về bỏ thi thăng hạng đối với giáo viên, tất cả chúng ta đều thấy, bất cứ làm nghề gì, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đều muốn có cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp, thăng tiến theo năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của mình. Việc thực hiện chính sách thăng hạng chức danh nghề nghiệp nhà giáo cũng là giải pháp quan trọng trong công tác xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo. Một nhà giáo được thăng hạng không chỉ chứng tỏ năng lực chuyên môn nghiệp vụ của mình, nhà giáo đó còn được hưởng chế độ chính sách về tiền lương.

Bộ Nội vụ đã dự thảo nghị định sửa đổi một số nghị định, trong đó có Nghị định số 115/2020/NĐ-CP và đang xin ý kiến, trong đó có dự thảo chỉ còn lại hình thức xét thăng hạng, bỏ thi thăng hạng.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, dù là thi hay xét thăng hạng đều với mục đích để đánh giá năng lực chuyên môn nghiệp vụ căn cứ theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Đối với thi sẽ có yêu cầu về nội dung để xác thực chuyên môn nghiệp vụ cần có quá trình giảng dạy, tự đào tạo, rèn luyện, bồi dưỡng để các giáo viên hình thành, phát triển năng lực của mình. Thi thì phải ôn thi, chuẩn bị nội dung, kiến thức. Việc này có thể khi giáo viên đang công tác sẽ phải dành nhiều thời gian ôn thi, tốn kém nhiều chi phí trong quá trình tham gia.

"Việc xét thăng hạng, theo chúng tôi đánh giá, có yếu tố tích cực hơn. Chắc chắn những người tham gia xét thăng hạng là những người có hiểu biết, đánh giá năng lực chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên một cách sát thực nhất thay vì chỉ làm thông qua một bài thi. Qua việc xét đó có thể đánh giá cả quá trình, sẽ bảo đảm tính công bằng, minh bạch cũng như chính xác hơn. Như vậy, việc xét thăng hạng để được chức danh mang lại động lực rất tốt, nhưng được xét một cách minh bạch, công bằng, chính xác thì tạo động lực tốt hơn cho giáo viên trong cống hiến, gắn bó với nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những giải pháp để chúng ta hạn chế, khắc phục việc giáo viên bỏ việc thôi, chứ không phải là tất cả, nhưng cũng là một trong những việc quan trọng" - ông Sơn nói.

Bảo Khang

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI