Phân cấp tuyển giáo viên ở trường THPT: Tiến sĩ cũng… rớt!

31/08/2023 - 15:29

PNO - TPHCM hiện phân cấp tuyển dụng giáo viên cho một số đơn vị đặc thù. Việc trao quyền cho nhà trường trong tuyển dụng đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực.

Tiến sĩ cũng… rớt

Sau nhiều năm được trao quyền phân cấp tuyển dụng, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) đã tạo ra sức hút riêng trong tuyển dụng giáo viên. Mỗi năm, công tác tuyển dụng của trường đều thu hút đông đảo ứng viên tham gia dự tuyển. Trong số đó, có những ứng viên trình độ tiến sĩ.

Cô Phạm Thị Bé Hiền - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, việc được trao quyền phân cấp tuyển dụng đã giúp trường chuyên có thêm sự chủ động trong xây dựng chiến lược phát triển, lựa chọn nhân lực, đội ngũ sao cho phù hợp nhất với chiến lược đó.

Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong với đặc thù chiến lược giáo dục riêng, có thuận lợi khi được phân cấp tuyển dụng
Với đặc thù chiến lược giáo dục riêng,Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong có thuận lợi khi được phân cấp tuyển dụng

Hàng năm công tác tuyển dụng được trường chủ động thực hiện trong hè, để sắp xếp, ổn định đội ngũ trong cả năm học. Với sự phân cấp tuyển dụng, nhà trường có sự chủ động hơn trong sát hạch ứng viên, kiểm tra sâu hơn về chuyên môn, để chọn được giáo viên đúng năng lực với đặc thù của trường.

“Trong tuyển dụng, bằng cấp chỉ là hồ sơ để đăng ký. Khi bước vào thực tế, nhà trường phải sàng lọc, để chọn ứng viên phù hợp với đặc thù cùa trường. Trường đã từng không tuyển được tiến sĩ vì tiêu chí quan trọng nhất vẫn phải là sự phù hợp với chiến lược giáo dục của trường…”- cô Phạm Thị Bé Hiền chia sẻ. 

Bà nhìn nhận, một trong những “cái lợi” lớn nhất khi trường được phân cấp tuyển dụng đó chính là giúp nhà trường thu hút được giáo viên giỏi, đúng năng lực cho trường qua chính các hoạt động, chuyên môn, chủ trương, môi trường và đặc thù của trường. Ứng viên sẽ nhìn vào đó, nếu thấy mình phù hợp thì sẽ dự tuyển, xem đó là cơ hội để phát triển, nâng cao chuyên môn.

Tương tự, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM) cũng từng… không chọn tiến sĩ về trường khi tuyển dụng vì… không phù hợp với đặc thù của trường. 

Học sinh Trường THPT Nguyễn Du tự tin thuyết trình trong một hoạt động giáo dục
Học sinh Trường THPT Nguyễn Du tự tin thuyết trình trong một hoạt động giáo dục

Đại diện nhà trường cho hay, khi tuyển dụng phân cấp thì các tiêu chuẩn, quy định tuyển dụng vẫn tuân theo các quy định chung. Tuy nhiên, khi trường đứng ra tuyển dụng sẽ có sức hút riêng của đơn vị. Ứng viên tham gia ứng tuyển phải hiểu rõ về đơn vị để có sự chuẩn bị những nội dung liên quan đến tính đặc thù đơn vị. Trường cũng có điều kiện tiếp cận gần hơn với năng lực của ứng viên…

Trong quá trình tuyển dụng, ngoài năng lực chuyên môn của ứng viên, căn cứ vào chiến lược phát triển, đặc thù của trường, nhà trường sẽ đặt ra thêm các yêu cầu như khả năng sử dụng tốt về ngoại ngữ, nghiên cứu khoa học, hay việc sử dụng công nghệ trong giảng dạy, hướng đến hội nhập quốc tế.

“Hàng năm số lượng người ứng tuyển vào các vị trí mà trường tuyển động rất đông, tạo điều kiện thuận lợi cho trường chọn người có năng lực phù hợp nhất. Có năm ứng viên tham gia dự tuyển có trình độ tiến sĩ, tuy nhiên lại không phù hợp với đặc thù của đơn vị lại chưa có sự chuẩn bị tâm thế nên cũng không được chọn…”, đại diện trường nói.

“Lợi thế” thực hiện Chương trình GDPT 2018

Năm học 2022 - 2023 Trường THCS-THPT Thạnh An (xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ) bắt đầu được phân cấp tuyển dụng giáo viên. Đây cũng là năm đầu tiên kể từ khi thành lập trường (năm 2018), trường tuyển được giáo viên tiếng Anh, ngoài ra còn có thêm giáo viên lý, văn. 

Hiệu trưởng nhà trường - thầy Nguyễn Bảo Ngọc - bày tỏ: Trước đó, khi chưa được phân cấp tuyển dụng, do địa bàn quá xa xôi nên dù tuyển được giáo viên nhưng hầu hết ứng viên đều bỏ nhiệm sở ngay sau đó. Do vậy, trường luôn trong tình trạng thiếu giáo viên.

Khi được đứng ra tổ chức tuyển dụng thì ngay từ đầu ứng viên đã phải tìm hiểu về trường, phải có nguyện vọng, mong muốn công tác tại trường thì mới đăng ký tuyển dụng. Chính điều này tránh được tình trạng ứng viên “vỡ mộng” sau khi trúng tuyển, từ đó giúp giáo viên gắn bó lâu dài với trường. 

“Năm nay khi chỉ tiêu đưa ra là 3 vị trí gồm 2 giáo viên tiếng Anh, 1 giáo viên toán thì trường cũng tuyển được 2 giáo viên (1 tiếng Anh và toán). Dù không tuyển đủ song đã san sẻ rất nhiều cho trường khi thực hiện nhiệm vụ giáo dục, nhất là mục tiêu triển khai Chương trình GDPT 2018” - thầy Bảo Ngọc phấn khởi.

Học sinh Trường THCS- THPT Thạnh An
Học sinh Trường THCS-THPT Thạnh An

Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) là 1 trong 3 đơn vị THPT tại TPHCM thực hiện theo mô hình trường tiên tiến hội nhập quốc tế. Sau 1 năm được phân cấp tuyển dụng, trường đã có nhiều sự chủ động trong tuyển dụng, giúp chọn lọc đội ngũ phù hợp với mô hình trường. Riêng năm học 2022-2023, trường đã tổ chức thành 2 đợt tuyển dụng, đảm bảo đủ nguồn giáo viên đứng lớp giảng dạy, nhất là khi thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Theo đại diện nhà trường, việc được trao quyền tuyển dụng không chỉ giúp trường chọn được giáo viên phù hợp với đặc thù riêng của trường như trình độ ngoại ngữ, tin học để đảm bảo giáo dục năng lực, phẩm chất học sinh theo mô hình, chiến lược của trường mà còn giúp trường có sự chủ động trong tính toán về đội ngũ.

“Chương trình GDPT 2018 bậc THPT, học sinh được chọn môn học lựa chọn. Khi thiết kế lớp học lựa chọn, ngoài dựa trên đặc thù đội ngũ còn cần phải có sự hài hoà với nguyện vọng của học sinh. Việc trường được chủ động trong tuyển dụng là một lợi thế để hài hoà các yếu tố này”, đại diện Trường THPT Nguyễn Du cho hay.

20 đơn vị được phân cấp tuyển dụng

Từ năm học 2022-2023, Sở GD-ĐT TPHCM thực hiện mở rộng phân cấp tuyển dụng đối với 3 trường THPT thực hiện mô hình trường tiên tiến, hội nhập quốc tế và 4 trường THPT trên địa bàn huyện Cần Giờ, nâng tổng số trường được phân cấp tuyển dụng toàn thành phố là 20 trường, kể cả các trường tự đảm bảo một phần chi thường xuyên và trường đảm bảo chi thường xuyên. 

Ông Tống Phước Lộc - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT TPHCM - đánh giá, việc phân cấp thực hiện tuyển dụng sẽ phát huy tính chủ động và tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, chủ động trong tuyển chọn nguồn nhân lực phù hợp với chiến lược phát triển, điều kiện thực tế đơn vị. Qua đó nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. 

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI