Bi kịch đẫm nước mắt từ mâu thuẫn chủ nhà và người giúp việc

23/07/2018 - 14:15

PNO - Những xích mích, bất đồng giữa nhà chủ và người giúp việc vốn là chuyện gần như "cơm bữa" và khó có hồi kết. Trong rất nhiều vụ việc, mâu thuẫn bị đẩy lên đỉnh điểm và đi đến kết cục bi kịch.

Mạng sống bị coi rẻ

Cảnh sát Dubai ngày 19/7 vừa qua xác nhận đã bắt giữ một phụ nữ với cáo buộc đánh người giúp việc đến từ châu Phi đến chết.

Ban đầu, người phụ nữ này gọi điện báo hỗ trợ cấp cứu nữ giúp việc bất tỉnh do té cầu thang. Khi cảnh sát tiếp cận thi thể nạn nhân, họ nhìn thấy dấu hiệu bất thường trên cơ thể cô và xác định nữ giúp việc chết vì bị bạo hành với những vết thương hiện rõ.

Kết luận pháp y cho thấy người giúp việc bị thương nghiêm trọng ở nhiều bộ phận. Ngoài ra, bác sĩ còn phát hiện nhiều chỗ thâm tím từ vết thương cũ trên cơ thể nạn nhân.

Hàng xóm và nhân viên bảo vệ gần đó cho biết, họ nghe thấy tiếng khóc la của nạn nhân vì bị chủ đánh đập. Chuyện này xảy ra rất nhiều lần và người giúp việc thường phải che chắn cẩn thận hoặc ở trong nhà nhiều ngày mỗi lần bị hành hạ.

Trong một trường hợp tương tự, tòa án Kuwait đầu tháng 4/2018 đã tuyên tử hình cặp vợ chồng Nader Essam Assaf (người Lebanon) và vợ là Mona Hassoun (người Syria) vì đã sát hại cô giúp việc người Joanna Demafeli (người Philippines).

Bi kich dam nuoc mat tu mau thuan chu nha va nguoi giup viec
Cặp vợ chồng đã giết người giúp việc và giấu xác cô trong tủ đông.
Bi kich dam nuoc mat tu mau thuan chu nha va nguoi giup viec
Nạn nhân Joanna Demafelis.

 Joanna Demafelis mất tích tháng 9/2016 và sau hơn một năm, thi thể cô mới được tìm thấy trong tủ đông của vợ chồng người chủ Nader và Mona. Khi thi thể của Joanna bị phát hiện, cặp vợ chồng định bỏ trốn nhưng bị cảnh sát bắt giữ kịp thời.

Sau vụ án rúng động này, tháng 3/2018, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte yêu cầu người lao động nước này ở Kuwait nhanh chóng thu xếp về nước. Theo xác nhận của Bộ Ngoại giao Philippines, có khoảng 250.000 công dân nước này đang sống và làm việc tại Kuwait. Hầu hết họ là lao động giúp việc. Tại Các Tiểu vương quốc Ả Rạp thống nhất, Saudi Arabia hay Qatar, số lượng người lao động Philippines cũng khá cao.

Đại sứ Renato Vil của Philippines tại Kuwait cho biết chỉ trong năm 2017, ông đã nhận gần 6.000 đơn tố cáo hành vi bạo hành người giúp việc Philippines ở Kuwait.

Đòn roi thay cơm bữa

Tháng 3/2018, cảnh sát HongKong, Trung Quốc, bắt giữ cụ bà 79 tuổi vì hàng loạt hành vi ngược đãi, sử dụng vũ lực với người giúp việc đến từ Indonesia. Những hành vi này đã bị nạn nhân ghi hình, đăng lên mạng xã hội. Vụ việc làm dấy lên làn sóng phẫn nộ của mọi người vì thái độ quá xem thường luật pháp và giá trị con người.

Đoạn clip dài 12 phút được đăng lên trang fanpage của tờ Time News International đến nay đã thu hút gần 1,5 triệu lượt xem. Trong clip, bà cụ 79 tuổi tóm cổ cô giúp việc, 35 tuổi, và bóp miệng nạn nhân kèm theo những lời quát tháo ầm ĩ chỉ vì cô không làm đúng ý bà. Cô này đã cãi lại và gánh chịu cơn thịnh nộ từ bà cụ.

Cô giúp việc quyết định về giường nằm nghỉ nhưng vẫn không được buông tha. Bà cụ xông vào ra tay với cô và mắng nhiếc, đe doạ giết cô giúp việc.

Bà cụ yêu cầu cô này nghỉ việc nhưng cô phản ứng: “Tôi cũng không chịu nổi bà. Nhưng tôi không có lỗi”. Bà cụ cho rằng cô giúp việc có mưu đồ chọc tức cho bà nổi điên, và nếu bị chủ nhà đuổi, cô có thể nhận tiền bồi thường.

Bi kich dam nuoc mat tu mau thuan chu nha va nguoi giup viec
Cô giúp việc người Indonesia với hình ảnh tố cáo bị bà chủ 79 tuổi bạo hành.

Trong đoạn clip có ghi lại cảnh bà cụ kéo tay cô giúp việc và bảo rằng sẽ đưa cô lên đồn cảnh sát nhưng cô giật tay lại. Trước khi bỏ đi, bà cụ hăm dọa: “Nếu không bị bắt bỏ tù thì tao giết mày chết rồi”. Khi cô giúp việc trả lời bằng tiếng Indonesia, bà cụ càng tỏ ra hung dữ hơn.

Những lời lẽ và hành vi thô bạo của bà chủ lớn tuổi khiến mọi người tức giận. Họ cho rằng đó là hành vi không chấp nhận được từ người chủ thuê giúp việc. Có người thì cho rằng cả hai đều có vấn đề, nhưng việc bà cụ dùng vũ lực là đã vi phạm luật pháp.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều vụ mâu thuẫn giữa chủ nhà và người giúp việc, cho thấy thực tế nhiều lo ngại của mức độ an toàn, sự phức tạp trong đời sống của lao động giúp việc.

Nhiều người cho rằng nguyên nhân khiến nạn nhân trong clip trên chịu sự xúc phạm nặng nề đến thế là do họ phải sống chung với gia đình chủ, cụ thể ở đây là với bà cụ 79 tuổi. Càng va chạm, mâu thuẫn giữa đôi bên lại càng khó có thể giải quyết.

Thống kê mới nhất, có khoảng 370.000 lao động nhập cư làm về giúp việc ở HongKong và phần lớn họ đến từ Indonesia hoặc Philippines. Điều kiện sống của họ không mấy thoải mái. 43% người được hỏi cho biết họ không có phòng riêng, chỗ ngủ chỉ là chỗ tạm bợ trong không gian sinh hoạt chung của gia đình chủ.

Thiên Anh (Theo SCMP, National, Gulf)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI