Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM: Dùng thuốc hết hạn cho bệnh nhi?

29/06/2020 - 05:47

PNO - Bệnh viện đang theo hướng “cá nhân hóa” sai phạm nghiêm trọng này, thế nhưng theo các chuyên gia dược, có rất nhiều khía cạnh cần được soi rọi và chắc chắn trách nhiệm quản lý cơ sở y tế cần được đánh giá nghiêm túc.

Thuốc truyền đã hết hạn sáu tháng

Dù đang rất hoang mang khi gọi cho Báo Phụ Nữ TP.HCM, nhưng anh Lê Thọ Vũ (34 tuổi, ngụ P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức, TP.HCM) vẫn bình tĩnh trình bày về bệnh tình hiểm nghèo của con gái 4 tuổi, bé Lê Trần Khánh Chi và cú sốc của gia đình đối với Bệnh viện (BV) Truyền máu huyết học TP.HCM.

Vợ chồng anh Vũ và bé Chi tại Khoa nhi  Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM
Vợ chồng anh Vũ và bé Chi tại Khoa nhi Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM

Tháng 7/2019, bé Chi bị phát hiện mắc chứng suy tủy giảm ba dòng (hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu). Từ đó đến nay, cứ 10-14 ngày, bé phải truyền hồng cầu và 7-10 ngày truyền tiểu cầu một lần. Trong thời gian chờ ghép tủy từ người cho phù hợp theo chỉ định, bé được điều trị hỗ trợ truyền chế phẩm máu tại BV Truyền máu huyết học TP.HCM. Từ tháng 6/2020, bé được BV chuyển sang điều trị bằng thuốc đặc trị theo phác đồ mới.

Khoảng 19g tối 24/6, điều dưỡng khoa nhi của BV tiến hành truyền lọ thuốc thứ hai trong ngày qua tĩnh mạch cho bé Chi. Vì tò mò, anh Vũ đã nhặt vỏ thuốc trong thùng rác lên xem thử. Lọ thuốc có dòng chữ chính là Antithymocyte Globulin-Equine Thymogam, thể tích 5ml, hàm lượng 250mg. Anh đã vô cùng hốt hoảng khi phát hiện hạn sử dụng ghi trên nhãn là tháng 1/2020. Ngoài ra, trong thùng rác vẫn còn lọ thuốc tương tự đã truyền cho con gái anh từ 12g cùng ngày và cũng đã hết “đát” những sáu tháng.

Khi nghe tin báo của gia đình, nhân viên y tế vội dừng ngay việc truyền thuốc cho bệnh nhi. “Mục đích điều trị của loại thuốc đặc hiệu này là làm tăng ba dòng tiểu cầu, hồng cầu và bạch cầu, giúp giữ ổn định để không phải can thiệp truyền chế phẩm máu như trước đây. Nhưng giờ xảy ra sự cố, phác đồ điều trị bị gián đoạn và thuốc hết hạn vào người nên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng đáp ứng thuốc”, anh Vũ cho hay. Cũng theo anh, nếu vì sự cố này dẫn đến việc không đáp ứng thuốc đặc trị thì con anh sẽ chỉ còn cách truyền hồng cầu, tiểu cầu thường xuyên để duy trì cho đến chết. Nguy cơ tử vong do xuất huyết não, nhiễm trùng rất cao. Chưa kể đến tác dụng phụ của thuốc.

“Cả tối hôm qua tới giờ, bé ngứa khắp người, sưng nhiều cục nhỏ dưới da. Sáng nay bác sĩ phải can thiệp bằng tiêm thuốc chống dị ứng. Họ giải thích là do tác dụng phụ của thuốc đặc trị. Mình không có chuyên môn nên nghe vậy, biết vậy”, anh Vũ bần thần chia sẻ với chúng tôi vào ngày 25/6.

Những tác hại không thể đánh giá nỗi từ thuốc hết “đát”

Trong ngày 25 và 26/6, chúng tôi đã tìm cách liên lạc với bác sĩ Phù Chí Dũng, Giám đốc BV Truyền máu huyết học TP.HCM nhưng nhiều cuộc gọi, tin nhắn của chúng tôi đã không được hồi đáp. Có một lần duy nhất ông bật máy và bảo đang bận, sẽ gọi lại sau nhưng không thực hiện như đã hứa.

Lọ thuốc hết đát mà anh Vũ thu được thể hiện rõ chữ ký của nhân viên y tế Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM
Lọ thuốc hết "đát" mà anh Vũ thu được thể hiện rõ chữ ký của nhân viên y tế Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM

Theo nội dung trao đổi giữa BV với người nhà, trả lời câu hỏi việc đáp ứng thuốc sẽ ra sao của anh Vũ, đại diện BV thừa nhận về mặt chuyên môn, thuốc tốt nhất phải được sử dụng đúng hạn ghi trên nhãn và càng sớm càng tốt. Thuốc hết “đát” có thể khiến bệnh nhân xảy ra hai biến chứng. Thứ nhất, thuốc không còn đủ điều kiện vô trùng nữa, do đó, có khả năng xảy ra nhiễm trùng. Nhưng trong trường hợp thuốc này được điều chế từ kháng thể tinh khiết, cho nên loại nguy cơ nhiễm trùng ở đây. Vấn đề thứ hai cần đặt ra, khi thuốc hết “đát” thì hoạt độ và tác dụng chính để điều trị suy tủy không còn đạt 100%. Tuy nhiên, trong suy tủy, tỷ lệ đáp ứng cao nhất chỉ 70% sau 2-3 tháng, cho nên để trả lời thuốc có đáp ứng hay không còn phải đợi quá trình điều trị sắp tới.

Một chuyên gia dược cho hay, không ai lại đi “nghiên cứu” tác dụng của thuốc hết hạn. Khi sản xuất, hãng dược đã tính độ ổn định của thuốc tới thời điểm ghi ra hạn sử dụng. Sau ngày này, hàm lượng hay nồng độ của thuốc không còn chuẩn nữa. Bên cạnh đó, sự biến đổi về dược lực (thành chất khác) cũng xảy ra. Do đó, thuốc hết “đát” đương nhiên không còn bảo đảm điều trị. 

Chữ ký nhân viên y tế ngay cạnh hạn dùng trên nhãn thuốc

Theo BV, có hai mấu chốt trong vụ việc vừa qua. Một, BV đã kiểm tra lại các lô thuốc trong kho hoặc đã cấp phát cho bệnh nhân, tất cả đều còn hạn đến tháng 11/2021. Riêng chỉ có ba lọ thuốc (trong đó có hai lọ mà anh Vũ phát hiện) là có hạn dùng vào tháng 1/2020. Hai, BV luôn yêu cầu nhân viên kiểm tra, đối chiếu trước khi dùng bất cứ thuốc gì cho bệnh nhân, nhưng không hiểu sao một điều dưỡng có kinh nghiệm làm việc 20 năm lại để xảy ra việc truyền thuốc hết “đát”. Ban giám đốc đặt nghi vấn có khả năng tráo thuốc xảy ra trong khâu cấp phát và điều dưỡng tiêm thuốc.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, quy chế quản lý dược trong BV rất chặt chẽ. Từ khâu nhập thuốc, bảo quản, phân phối, sử dụng… Nếu thuốc hết hạn sử dụng thì phải chuyển vào khu biệt trữ để tránh nhầm lẫn. Thuốc từ kho dược của BV đến được tay người bệnh trải qua vài khâu liên quan vài vị trí, nên việc sử dụng nhầm lẫn thuốc hết hạn là cực kỳ thấp. Chí ít, trước khi sử dụng thuốc thì y tá, điều dưỡng đã phải xem qua hạn dùng của thuốc. Đáng chú ý, trên lọ thuốc mà anh Vũ đưa cho chúng tôi xem, còn nguyên chữ ký của nhân viên y tế BV ngay tại vị trí ghi hạn dùng.

Qua thông tin BV khẳng định không có số lô thuốc này trong BV, vậy thuốc hết hạn dùng này từ đâu mà có? Ai chịu trách nhiệm chính về tính mạng con người khi cho bệnh nhân sử dụng thuốc hết hạn này? Tiền thuốc bất chính sẽ chạy vào túi cá nhân, tổ chức nào? Vì tiền thuốc, tức viện phí, sẽ phải đóng cho BV, nên không có ai có thể lấy tiền mặt ra được. Liệu có tồn tại một hệ thống sử dụng thuốc hết hạn dùng cho bệnh nhân để trục lợi hay không? 

Trao đổi về khía cạnh pháp lý, luật sư Phùng Thanh Sơn (Đoàn Luật sư TP.HCM) đánh giá vụ việc liên quan đến hai khâu bảo quản và cấp phát thuốc. Theo quy định tại Điều 5.2 Phụ lục IV về nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt bảo quản thuốc đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (ban hành kèm theo Thông tư 36/2018/TT-BYT quy định về thực hành tốt bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc) thì “chỉ được xuất kho, cấp phát các thuốc đạt tiêu chuẩn chất lượng, còn trong hạn sử dụng”. Nếu xuất kho, cấp phát thuốc hết hạn sử dụng thì bị xử phạt từ 5-10 triệu đồng đối với cá nhân và từ 10-20 triệu đồng đối với tổ chức. Ngoài phạt tiền, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc từ 1-3 tháng.

Điểm b khoản 3 Điều 60 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 thì việc cấp phát thuốc trong cơ sở khám chữa bệnh, có điều trị nội trú thì người được giao nhiệm vụ cấp phát thuốc phải có trách nhiệm đối chiếu hạn dùng ghi trên phiếu lĩnh thuốc, nhãn thuốc. Trường hợp xác định được người có trách nhiệm không thực hiện việc đối chiếu theo quy định trên thì có thể xử phạt hành vi trên theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 31 Nghị định 176/2013/NĐ-CP thì mức phạt là từ 1-2 triệu đồng.

Trong trường hợp việc sử dụng thuốc quá hạn gây hậu quả chết người thì những cá nhân liên quan đến hai khâu trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính được quy định tại Điều 129 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, những người này có thể bị phạt tù đến 5 năm.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI