Bệnh viện Mắt TP.HCM: Hủy các lô thuốc bị 'rút dây điện' trị giá gần 1 tỷ đồng

02/10/2017 - 08:42

PNO - Dù thuốc đã nằm trong tình trạng không được bảo quản đúng nhiệt độ cho phép những 9 ngày, nhưng bệnh viện vẫn cố “neo” chờ kết quả kiểm nghiệm để sử dụng lại.

Trong số hàng loạt sai phạm nghiêm trọng mà chúng tôi đã nêu trong bài “Giấu biệt” 1.000 tỷ, Bệnh viện Mắt TP.HCM lộng quyền và xem thường pháp luật (Báo Phụ Nữ ra ngày 1/9), có sự cố liên quan đến bảo quản thuốc xảy ra tại khoa dược, làm ảnh hưởng đến chất lượng của các lô thuốc đắt tiền, trị giá hơn 983 triệu đồng.

Benh vien Mat TP.HCM: Huy cac lo thuoc  bi 'rut day dien'  tri gia gan 1 ty dong
Hai loại thuốc bị sự cố bảo quản phải tiêu hủy tại Bệnh viện Mắt

“Lạ đời”: đòi xài thuốc không bảo đảm 

Báo cáo mới đây của bệnh viện (BV) xác định, vào ngày 24/1, nhân viên Phạm Bích N. - phụ trách kho cấp phát thuốc và vật tư y tế cho phòng mổ 2 (thuộc Khoa Dược) - vào phòng mổ dọn dẹp và làm các giấy tờ báo cáo.

Lúc này, phòng mổ không xếp lịch phẫu thuật nữa vì chuẩn bị nghỉ tết Nguyên đán. Bà N. đã… vô tình rút nhầm dây điện tủ lạnh đang dùng để bảo quản cơ số thuốc phát cho phòng mổ hằng ngày.

Cụ thể, thời điểm xảy ra sự cố, trong tủ có 68 lọ Lucentis Ranibizumab (trị giá hơn 892 triệu đồng) và 11 lọ Avastin Bevacizumab (hơn 91 triệu đồng). Đây là các loại thuốc dùng để tiêm vào đáy mắt bệnh nhân, về nguyên tắc phải được bảo quản đặc biệt ở nhiệt độ 2-8 độ C.

Benh vien Mat TP.HCM: Huy cac lo thuoc  bi 'rut day dien'  tri gia gan 1 ty dong
Văn bản ngày 25/8 của Bệnh viện Mắt “đòi” xử lý theo hướng kiểm nghiệm 16 mẫu trong số 68 lọ Lucentis bị sự cố bảo quản

Mãi đến ngày 2/2 (tức sau khi nghỉ tết), thủ kho N. mới phát hiện vụ việc. Khoa Dược đã báo cáo ban giám đốc BV, niêm phong số thuốc bị sự cố, đồng thời, tiếp tục khôi phục chế độ bảo quản lạnh (2-8 độ C) vào ngày 9/2. Như vậy, tổng số ngày thuốc không được bảo quản đúng theo yêu cầu là 9 ngày.

Ngoài các biện pháp xử trí sự cố và xử lý vi phạm đối với thủ kho N., ban giám đốc BV đã có chỉ đạo khá “lạ đời”: yêu cầu Khoa Dược liên hệ với hai công ty cung cấp thuốc để nhờ hỗ trợ “đánh giá chất lượng” (?).

Công ty Roche (Đức), nơi sản xuất thuốc Avastin, không hề có phản hồi nào cho yêu cầu “lạ đời” này. Còn Công ty Novartis (Thụy Sĩ), nơi sản xuất lô thuốc Lucentis, tiến hành họp với BV.

Ngày 21/8, Công ty Novartis yêu cầu BV Mắt cung cấp 16 lọ thuốc Lucentis cho công ty. Giá kiểm nghiệm tại Hàn Quốc hơn 13 triệu đồng/lọ.

Bác bỏ phương án của BV

Ngày 25/8, bác sĩ Đỗ Quốc Hiệp - Phó giám đốc BV Mắt - có công văn gửi Sở Y tế TP.HCM cho biết BV đang giải quyết sự cố theo hướng trên. “Khi có kết quả, nếu đạt yêu cầu chất lượng sẽ sử dụng tiếp tục số còn lại, nếu không đạt sẽ tiến hành thủ tục hủy thuốc”, nguyên văn công văn viết.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi chiều 1/10, bác sĩ Nguyễn Minh Khải - Giám đốc BV Mắt - cho biết, Sở Y tế TP.HCM đã bác bỏ đề nghị của BV. Toàn bộ số thuốc không đảm bảo chất lượng nói trên sẽ phải tiến hành tiêu hủy.

Giải thích về quyết định của sở, một chuyên gia ngành y tế cho rằng, thuốc là hàng hóa có nhiều quy định chặt chẽ, đặc biệt có các quy định kiểm tra, kiểm soát lẫn nhau, nhằm tránh tối đa vấn đề liên quan đến bảo quản.

“Nhà quản lý đã lường trước những tình huống như thế từ trước và đã phải quy trình hóa nhằm bảo đảm không xảy ra những sai sót như thế và quy định trách nhiệm từ giám đốc, phó giám đốc phụ trách dược cho đến nhân viên cấp thấp nhất có liên quan. Không thể nào có chuyện tự ý rút dây điện như vậy.

Đúng nguyên tắc, trước khi ra về, hoặc nghỉ lễ, nghỉ tết, người ta thường phải phân loại thuốc, nhất là những thuốc cần được bảo quản khắt khe. Đồng thời, phải kiểm tra quy trình, thậm chí trong ngày, chứ đừng nói nghỉ tết, xem việc bảo quản thuốc có bảo đảm tốt hay không”, chuyên gia này nói.

Theo nhiều chuyên gia, hệ thống bảo quản thuốc được yêu cầu phải bảo đảm từ 2-80C, nghĩa là phải có thiết bị đặc biệt, tương tự bảo quản vaccine, cho những loại thuốc này. Khi bị ngắt điện, thiết bị phải có dòng điện backup và báo động ngay cho người quản lý biết bằng lịch sử ghi lại nhiệt độ.

Hơn nữa, về mặt khoa học, trong trường hợp này, không thể lấy ngẫu nhiên 16 lọ thuốc làm mẫu kiểm nghiệm, xem có đạt chất lượng hay không. Bởi 68 lọ đều đã ở trong điều kiện bảo quản không đạt yêu cầu như nhau trong suốt thời gian 9 ngày. Trên nguyên tắc, tất cả đã có vấn đề như nhau. Do đó, buộc phải hủy toàn bộ. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI