Bé gái 15 tuổi cong cột sống đến 69 độ sau 2 năm bó nẹp

04/10/2017 - 11:44

PNO - Bị hội chứng Marfan mà không biết, bé gái càng điều trị cột sống càng cong vẹo. Hội chứng này cũng khiến chân, tay và các khớp xương của N. dài hơn người bình thường.

Bó nẹp suốt hai năm, cột sống cong đến 69 độ

2 năm trước, trong đợt khám sức khỏe định kỳ tại trường học, bé gái N.H.G.N. (15 tuổi) được phát hiện bị cong vẹo cột sống. Gia đình đưa bé đến rất nhiều bệnh viện nhưng bé N. cũng chẩn đoán vẹo cột sống nhẹ, được chỉ định nẹp lưng, tập phục hồi chức năng.

Be gai 15 tuoi cong cot song den 69 do sau 2 nam bo nep
Bé N. sau khi được phẫu thuật thành công đã có thể ngồi cân hai vai

Theo thời gian, việc di chuyển của N. trở nên khó khăn, vai lệch về một bên, cột sống chèn ép phổi. Mặc cảm tự ti, em ngày càng sống khép kín, ăn uống ít dẫn đến suy kiệt. Người thân của bé càng thêm lo lắng, tiếp tục đưa N. đến Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM khám bệnh với hy vọng “còn nước còn tát”.

Qua thăm khám, làm các xét nghiệm, các bác sĩ tại bệnh viện phát hiện N. bị vẹo cột sống lưng do hội chứng Marfan. Hội chứng này cũng khiến chân, tay và các khớp xương của N. dài hơn người bình thường. May mắn, N. chưa bị ảnh hưởng đến mắt, tim mạch,…

Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Hồ Nhựt Tâm, Trưởng Đơn vị Cột sống, Bệnh viện Trưng Vương, tuy bệnh chưa chuyển biến nặng lên các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể bé N, nhưng cột sống của bé bị cong vẹo đến 69 độ, góc vẹo quá lớn nếu không phẫu thuật sớm sẽ gây ảnh hưởng nặng nề lên cơ quan hô hấp. Bé N. có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Be gai 15 tuoi cong cot song den 69 do sau 2 nam bo nep
Xương sống của N. trước và sau khi phẫu thuật, bé đã phục hồi được 70% cột sống với độ cong từ 69 độ xuống còn 19 độ.

Bác sĩ Tâm cho biết: “Đối với bệnh cong vẹo cột sống, nếu góc độ đã trên 40 thì mang nẹp sẽ trở nên vô nghĩa. Trường hợp bé N., bé mang nẹp suốt hai năm khiến các hoạt động sinh hoạt trở nên khó khăn, kèm theo cơ thể thiếu dinh dưỡng nghiêm trọng.

Chúng tôi phải nuôi dinh dưỡng bé trong suốt 6 tháng mới đáp ứng được sức khỏe cho phẫu thuật. Ngoài dinh dưỡng cho bé, kiểm soát lượng mất máu cũng là một thử thách lớn với ekip”.

Be gai 15 tuoi cong cot song den 69 do sau 2 nam bo nep
Hiện N. đã ăn uống, cử động chân bình thường, tuy nhiên trong một năm phải hạn chế vận động mạnh để "các mối hàn" lành hẳn.

Ngày 26/9, ekip đã thực hiện phẫu thuật vừa nắn chỉnh cột sống, vừa gắn 27 ốc vít cố định từ đốt sống ngực 2 đến thắt lưng 4 đảm bảo phục hồi 70% độ cong vẹo cho bé. Song song đó, bác sĩ cũng lấy 4cm xương mào chậu của bệnh nhân hàn dọc theo vị trí bắt ốc. Bên cạnh việc thao tác nhanh chóng, tăng cường máy truyền máu hoàn hồi để hỗ trợ, bé N. được kiểm soát mất máu. Các bác sĩ thở phào sau 5 giờ đồng hồ căng thẳng.

Theo bác sĩ Tâm, sau phẫu thuật, N. phải hạn chế vận động mạnh một năm để đảm bảo xương tại những nơi hàn có thể cố định chặt xương sống bé và giữ vững đến suốt đời. Với phẫu thuật này, dụng cụ cố định sẽ được đặt luôn trong cột sống bé, không cần mổ lại, khả năng tái phát bệnh gần như không có. 

Be gai 15 tuoi cong cot song den 69 do sau 2 nam bo nep
Giáo sư Võ Văn Thành và bác sĩ chuyên khoa 1 Hồ Nhựt Tâm đang hướng dẫn cách nhận biết bệnh bằng mắt thường.

Sau 7 ngày được phẫu thuật, hiện sức khỏe bé N. đang phục hồi nhanh chóng, hai vai cân, có thể ngồi, đi lại được. Sau 3 tháng bé có thể cúi lưng, sinh hoạt như một người bình thường. 

Tuy nhiên, vì bé N. mắc hội chứng Marfan nên xương vẫn tiếp tục phát triển dài thêm cho đến năm 20 tuổi. Thời gian này bé phải thường xuyên đi khám bệnh định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị những biến chứng về liên kết mô, cơ, xương,…

Nên phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt

Theo y văn thế giới, hội chứng Marfan không phải là một bệnh hiếm gặp, với tỉ lệ 1/5.000 người có thể mắc phải.

Giáo sư Võ Văn Thành cho biết: “Đây là hội chứng bẩm sinh do rối loạn về gen gây ra, di truyền từ bố mẹ, thường gặp nhiều nhất ở trẻ em nữ, tuổi phổ biến từ 13 đến 15 tuổi. Tuy nhiên, nếu bệnh được phát hiện sớm sẽ dễ dàng điều trị bằng cách bó, nẹp đúng cách, không cần phải phẫu thuật phức tạp, tốn kém. 

Be gai 15 tuoi cong cot song den 69 do sau 2 nam bo nep
Theo đó, khi một người gập lòng bàn tay lại (như hình) nếu ngón tay cái thừa ra ngoài quá nhiều thì người đó sẽ có nguy cơ bị hội chứng Marfan, ảnh internet.

Người thân trong gia đình khi sinh hoạt với trẻ, có thể để ý đường dọc sống lưng bị vẹo hay không, hoặc theo dõi sự phát triển của các ngón tay, chân, lưng,… nếu thấy xương trẻ dài bất thường và nghi ngờ bệnh, hãy đưa đến các cơ sở y tế  có chuyên khoa cơ, xương khớp để được kiểm tra, sớm phát hiện bệnh”.

Ngoài biểu hiện qua các khớp xương, các triệu chứng Hội chứng Marfan có thể xuất hiện ngay sau khi sinh, đôi khi muộn hơn hoặc có trường hợp không bao giờ xuất hiện. 

Người mắc hội chứng Marfan thường cao và gầy, chân tay dài, khớp lỏng, ngón tay, ngón chân dài,  bàn chân phẳng, vẹo cột sống, lõm xương ức. Hội chứng Marfan biểu hiện trên mắt khiến người bệnh bị tật cận thị, lệch thấu kính.

Ở tim gây ra phình tách động mạch chủ, có thể đau ngực đột ngột và dữ dội, truỵ tim mạch. Có thể gây tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí bằng phẫu thuật.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI