Bẫy vay nặng lãi đang đẩy nhiều gia đình ở Hồng Kông đến đường cùng

08/07/2025 - 12:28

PNO - Một doanh nhân có khoản vay ban đầu là 300.000 đô-la Hồng Kông, nhưng sau đó biến thành món nợ khổng lồ, đẩy anh và gia đình rơi vào cảnh đau khổ.

Vay tiền với mức lãi khổng lồ khiến nhiều người rơi vào cảnh túng quẫn (Ảnh minh hoạ, nguồn: Canva)
Vay tiền với mức lãi khổng lồ khiến nhiều người rơi vào cảnh túng quẫn (Ảnh minh họa, nguồn: Canva)

Vợ chồng khốn đốn khi vay tiền nặng lãi

Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, Bobby Tan* (tên nhân vật đã được thay đổi) đã vay 300.000 đô la Hồng Kông (khoảng 38.220 đô la Mỹ, tương đương 1 tỷ đồng) từ một tổ chức cho vay nhỏ được cấp phép vào tháng 4 năm ngoái.

Trong 10 tháng tiếp theo, anh này tiếp tục vay thêm nợ từ 30 công ty cho vay với tổng số tiền là 5,05 triệu đô la Hồng Kông. Mỗi bên tính một khoản “hoa hồng” trả trước bất hợp pháp từ 15 - 30% cộng với các chi phí khác. Trên thực tế là lãi suất lên tới 1.031%. Sau khi trừ đi hoa hồng, anh này chỉ nhận được khoản vay 4,15 triệu đô la Hồng Kông.

Sau khi trả hết hơn 4,78 triệu đô la Hồng Kông, bên cho vay này đòi Tan 1,87 triệu đô la Hồng Kông khiến anh hoảng sợ. Tháng 12 năm ngoái, bên cho vay thuyết phục anh sử dụng tên của vợ mình Alicia* (tên nhân vật đã được thay đổi) để vay tiền thêm. Alicia đành chấp nhận phương án này để giúp gia đình vượt qua khó khăn.

Do chi phí lãi suất tăng vọt và không có khả năng trả nợ, cặp đôi này phải đối mặt với nhiều hành động từ các nhóm này: từ đe dọa giết người cho đến việc quấy rối sếp, đồng nghiệp và nơi làm việc của Alicia. Tình hình này đã ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe tâm thần của Alicia sau khi cô mắc chứng trầm cảm, đẩy cặp đôi đến bờ vực ly hôn. Cuối cùng cả hai phải tìm đến sự giúp đỡ của cảnh sát.

Nhiều người rơi vào cảnh khủng hoảng khi vay tiền lãi suất cao (Ảnh: SCMP)
Nhiều người rơi vào cảnh khủng hoảng khi vay tiền lãi suất cao (Ảnh: SCMP)

Khủng hoảng nợ: người có học vấn cao cũng không tránh được

Caritas - một trung tâm đường dây nóng về khủng hoảng, đã nhận được 4.216 cuộc gọi liên quan nợ, tính đến tháng 6/2025, tăng 5% so với năm trước. 40% người gọi báo cáo bị quấy rối.

Hội đồng Người tiêu dùng đã nhận được 220 khiếu nại về các khoản vay cá nhân hoặc trung gian tài chính từ năm 2022 đến tháng 5/2025. Sally Choi Wing-sze, giám sát viên công tác xã hội cấp cao tại Caritas, cho biết mọi người thường tìm kiếm sự giúp đỡ khi họ đã rơi vào khủng hoảng và phải đối mặt với căng thẳng nghiêm trọng, có thể dẫn tới hỗn loạn, khả năng phán đoán suy giảm.

Những lý do chính gây ra cuộc khủng hoảng nợ là tiêu dùng quá mức, cờ bạc và lừa đảo. Luật sư Lau Kar-wah, người đã xử lý khoảng 40 vụ án như thế, cho biết nạn nhân thường xuất thân từ gia cảnh thu nhập thấp. Nhưng những người có trình độ học vấn cao cũng không tránh khỏi.

Sắc lệnh cho vay tiền giới hạn lãi suất thực tế hàng năm ở mức 48%. Jason Chan, người triệu tập Hiệp hội các chuyên gia trong ngành tài chính, cho biết hiện nay đang thiếu trầm trọng những nội dung như vậy. Chan kêu gọi các cơ quan chức năng khẩn trương đẩy mạnh việc thúc đẩy vay vốn an toàn.

Cục Dịch vụ Tài chính và Ngân khố gần đây đã bắt đầu tham vấn kéo dài 2 tháng về kế hoạch thắt chặt quy định đối với các tổ chức cho vay tiền được cấp phép.

Trung Sơn (theo South China Morning Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI