Bất an với căn hộ tiền tỉ kém chất lượng ở Huế

27/12/2022 - 13:32

PNO - Mới dọn vào ở nhưng người dân phải sống trong cảnh phập phồng lo lắng vì nhiều căn hộ tiền tỉ ở tầng 9, tòa nhà CT3 chung cư Aranya (thuộc dự án Nhà ở xã hội) phường Xuân Phú, TP Huế đã bị thấm dột khắp nơi.

Một góc chung cư Aranya  ở phường Xuân Phú, TP Huế
Một góc chung cư Aranya ở phường Xuân Phú, TP Huế

Thức trắng đêm để hứng nước dột 

Theo đơn cầu cứu khẩn cấp gửi đến Báo Phụ nữ TPHCM của cư dân tòa nhà CT3 chung cư Aranya, họ chỉ mới nhận nhà vào mùa hè vừa qua. Do thời điểm này trời nắng nên không phát hiện chuyện nứt sàn và thấm dột từ trên mái và từ hộp kỹ thuật. Gần đây, mưa kéo dài, nên tại các căn hộ ở tầng 9 (tầng trên cùng), nước đã theo kẽ nứt chảy vào nhà, thấm xuống trần, làm bong tróc trần nhà và lớp sơn tường, khiến cuộc sống của các gia đình bị đảo lộn. 

Anh Phan Thanh Phong, chủ căn hộ 9A6 phản ánh: “Chúng tôi đã thông báo sự cố này đến ban quản lý chung cư và chủ đầu tư. Họ có cho cán bộ kỹ thuật đến kiểm tra, xử lý qua loa bằng cách bơm keo vào các vết nứt dưới để chống dột. Nhưng đến nay nước vẫn thấm và dột khắp nhà, khiến nhiều đêm phải thức trắng để hứng nước dột”. 

Tại nhiều căn hộ khác như 9A5 của bà Phan Thị Tâm, 9A7 của bà Hà Thị Quỳnh Như, 9B6 của bà Nguyễn Thị Khánh Ngọc… tình trạng cũng tương tự.

Từ phản ánh của người dân, đơn vị nhận nhiệm vụ sửa chữa tiến hành cắt la phông của từng căn hộ bị thấm dột để bơm keo tại những vị trí nghi vấn. Nhưng do không được giải quyết triệt để nên nước vẫn thấm và dột càng nặng hơn vào mùa giông bão vừa qua.

“Làm việc với ban quản lý thì chúng tôi chỉ nhận được lời hứa sẽ tìm cách khắc phục, nhưng đến nay đã hơn 4 tháng vẫn không thấy họ lên phương án giải quyết triệt để” - chị Tâm, chủ căn hộ 9A5 - phản ánh. “Nước thấm tường gây hư hại các vật dụng nội thất trong nhà. Tình trạng thấm dột cũng gây sự cố chập điện khiến gia đình rất bất an” - ông Phong lo lắng.

Mỏi mắt chờ khắc phục

 

Trên trần căn hộ 9A6 của ông Phan Thanh Phong nước thấm dột triền miên
Trên trần căn hộ 9A6 của ông Phan Thanh Phong nước thấm dột triền miên

Làm việc với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, ông Tạ Đức Thịnh - đại diện Công ty cổ phần Aranya Việt Nam, chủ đầu tư khu chung cư Aranya TP Huế - cho biết: Sau khi nhận được phản ánh từ 7 hộ dân ở tầng 9 tòa nhà CT3, đơn vị đã thực hiện phương án khắc phục tạm thời bằng cách khoan cắt trần thạch cao bị ẩm mốc để xử lý vết nứt bằng cách bơm keo PU chống thấm vào vị trí nứt trần trên trần bê tông. Tuy nhiên, do mưa kéo dài nên công tác khắc phục gặp khó khăn. 

Theo ông Thịnh, sau khi xem xét hiện trạng, phòng kỹ thuật của công ty đề xuất yêu cầu nhà thầu (Công ty cổ phần Vật tư, Thiết bị và Đầu tư xây dựng M.E.I. (gọi tắt MEICO) có trụ sở tại 224 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) có kế hoạch bảo hành cụ thể để đảm bảo trách nhiệm cũng như quyền lợi của chủ đầu tư và người dân. Hiện tại có 5 căn hộ bị thấm dột nặng, chủ đầu tư đã có biên bản xác định khối lượng hư hỏng để có phương án sửa chữa, kết hợp với việc sửa chữa tại mái và tại các căn hộ. 

Với câu hỏi: vì sao người dân đã kiến nghị rất nhiều lần nhưng không giải quyết dứt điểm, ông Thịnh cho rằng chủ đầu tư cũng trăn trở và không bỏ mặc người dân. Công ty mới thuê đơn vị tư vấn có kinh nghiệm ngoài Hà Nội và yêu cầu nhà thầu MEICO phải có trách nhiệm trong việc này. Trước đó, chủ đầu tư cũng đã tự bỏ 150 triệu đồng để sửa chữa.

“Phía nhà thầu cho biết sẽ khắc phục các sự cố ở mỗi căn hộ trong thời gian từ 3-5 ngày và sẽ có kế hoạch chi tiết cho từng căn hộ. Công việc sẽ được thực hiện trước tết Nguyên đán 2023. Ngoài ra, chúng tôi sẽ thống kê thiệt hại của các hộ dân để có phương án hỗ trợ, đền bù” - ông Thịnh khẳng định.

Tuy nhiên, hư hỏng chưa dừng lại. Theo bà con sống tại chung cư Aranya, tại các hộp thu nước sàn mái, trong quá trình thi công, đơn vị thi công đã sử dụng bao ni lông và vỏ bao xi măng để chèn vào vị trí cổ ống thu nước thay cho vật liệu chống thấm, dẫn đến nước bị thấm từ mái xuống tất cả căn hộ phía bên dưới...

Riêng tại tòa nhà CT3, bà con còn phản ánh hệ thống thang máy thường xuyên bị hỏng hóc và dừng đột ngột khi đang vận hành khiến cư dân nhiều lần bị mắc kẹt. Đã có trường hợp khi mở cửa thì thang máy cao hơn mặt sàn 15cm, khiến một số người vấp ngã.

Khốn khổ tìm cách thoát khí cho căn hộ shophouse

Cũng tại tòa nhà CT3 chung cư Aranya, anh Võ Trọng Quốc - chủ căn phố thương mại (shophouse) - cho biết, gia đình anh đã gặp phải tình trạng không thể lý giải. Theo đó, anh Quốc đã bỏ ra hơn 2,4 tỉ đồng để mua căn hộ shophouse rộng 120m2, nhưng khi dọn về ở mới phát hiện căn hộ không có lối thoát khí hay thông gió nào ngoài cửa ra vào. Các chủ nhà muốn lắp đặt điều hòa hoặc quạt thông gió thì chủ đầu tư và ban quản lý không cho phép đặt ngay nhà mình, hoặc nếu cho phép thì phải đi dây điều hòa dài hơn 30m xin đặt tại căn hộ khác. “Tôi không hiểu vì sao người ta không lắp đặt hệ thống thông gió, cũng không tạo điều kiện cho cư dân lắp đặt. Tình trạng này làm cho hơi nước tích tụ trong nhà, độ ẩm lúc nào cũng cao, khiến cho trẻ con hay đau ốm, các thiết bị điện tử cũng nhanh hỏng hóc” - anh Quốc nói.

 Thuận Hóa 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI