Giá căn hộ lên, đất nền xuống

22/11/2022 - 07:58

PNO - Theo báo cáo thị trường bất động sản (BĐS) 10 tháng đầu năm 2022 của Batdongsan.com.vn, dù thị trường đang có nhiều dấu hiệu khó khăn nhưng giá bán căn hộ chung cư tại Hà Nội và TPHCM vẫn tiếp tục tăng, nhất là ở phân khúc cao cấp.

Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm 2022 giá rao bán căn hộ tại Hà Nội tăng từ 3 - 17% và tại TPHCM tăng từ 3 - 7% (tùy phân khúc). Trong đó, căn hộ cao cấp dẫn đầu tốc độ tăng giá. 

Savills Việt Nam cũng cho biết, trong quý III/2022, chỉ số giá nhà ở tại TPHCM là 130 điểm (tăng 1 điểm theo quý). Sự gia tăng này đến từ việc giá sản phẩm căn hộ hạng B (phân khúc trung cấp) so với quý trước tại TP Thủ Đức tăng 13% và ở huyện Nhà Bè tăng 5%. Dù trong quý này, tỉ lệ hấp thụ căn hộ chỉ đạt 15% (giảm 54 điểm phần trăm so với quý trước). Sự sụt giảm này có nguyên nhân từ việc giá bán căn hộ sơ cấp tăng cao, niềm tin của người mua nhà giảm bởi việc lãi suất tăng và kiểm soát tín dụng chặt chẽ. Về nguồn cung, căn hộ hạng B chiếm 54% nguồn cung sơ cấp, giá cao nhất lên đến khoảng 10 tỉ đồng/căn; căn hộ hạng A (cao cấp) chiếm 23% nguồn cung sơ cấp, giá bán cao nhất khoảng 30 tỉ đồng/căn. 

Giá bán nhà phố, đất nền đang giảm mạnh nhưng giá bán căn hộ vẫn tăng dù thị trường khó khăn
Giá bán nhà phố, đất nền đang giảm mạnh nhưng giá bán căn hộ vẫn tăng dù thị trường khó khăn

Trong khi đó, theo báo cáo thị trường BĐS 10 tháng đầu năm của DKRA Việt Nam, ở phân khúc nhà phố/biệt thự, nguồn cung tại TPHCM và các tỉnh vùng ven giảm 72% so với cùng kỳ. Trong đó, nguồn cung tập trung chủ yếu tại Đồng Nai (49,7% tổng nguồn cung toàn thị trường); khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu và Tây Ninh tiếp tục khan hiếm nguồn cung mới. Sức cầu thị trường đất nền hiện chỉ bằng 11% so với cùng kỳ năm trước. Một số trường hợp chủ đầu tư áp dụng chính sách chiết khấu lên đến 50% cho khách hàng thanh toán nhanh. Trên thị trường xuất hiện những giao dịch cắt lỗ giảm từ 200-500 triệu đồng/căn ở những khách hàng gặp khó khăn về dòng tiền nhưng thanh khoản vẫn rất trầm lắng. Sức cầu ở phân khúc sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng cũng giảm đáng kể, lượng tiêu thụ thấp nhất từ đầu năm đến nay. Có 33% số lượng dự án mới không phát sinh giao dịch. Nhiều dự án được chủ đầu tư chiết khấu 30 - 40%, cam kết các chính sách thuê, mua lại nhằm kích cầu. 

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) - cho biết, thị trường vừa qua đã có dấu hiệu chậm lại, trầm lắng, giao dịch nhà đất giảm trên dưới 50% tùy theo dự án: “Sức mua giảm do tổng cầu có khả năng thanh toán sụt giảm. Điều này khiến tính thanh khoản của thị trường và của các chủ đầu tư dự án BĐS giảm mạnh dẫn đến tình trạng thiếu tiền mặt, thiếu vốn lưu động. Một số chủ đầu tư dự án thu hẹp quy mô đầu tư, giãn tiến độ thi công, giảm nhân sự, tăng tỉ lệ chiết khấu bán nhà lên rất cao (có trường hợp chiết khấu lên đến 40% giá trị hợp đồng)”. 

Ngọc Bích 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI