Bao giờ những phận già thôi long đong nơi hè phố?

01/10/2020 - 07:49

PNO - Dẫu cơ thể đã rệu rã theo thời gian thì những người già mưu sinh nơi đường phố Sài Gòn cũng không có nhiều lựa chọn, bởi, họ cần tiền để sống.

 

Bà Ngô Thị Bệnh, 90 tuổi ở Bình Dương
Hơn chục năm nay, sáng nào, cụ Ngô Thị Bệnh, 90 tuổi cũng nhờ xe ôm chở từ Bình Dương lên Sài Gòn để bán vé số. Lâu dần thành quen, ai hay qua lại trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, đoạn gần đến ngã tư Phan Văn Trị, đều thấy cụ Bệnh ngồi đó với xấp vé số trên tay. Hiếm hoi lắm mới có ngày đoạn đường này vắng bóng cụ. Người ta ghé đến cụ Bệnh, đôi khi mua vài tờ vé số, đôi khi giúi vài đồng bạc lẻ vào tay cụ rồi nhanh chóng hoà vào dòng người đông đúc.

 

Cách đây 3 ngày, bà Bệnh bị nhóm thanh niên giật mất 30 tờ vé số
Cụ Bệnh có 3 người con nhưng đều sống ở xa, gia cảnh lại khó khăn nên không thể đỡ đần mẹ già. Cụ bảo bán vé số ở quê không được nhiều tiền như ở Sài Gòn nên mỗi ngày, cụ "chịu" bỏ vài chục ngàn đồng để đi bằng được lên đây ngồi bán. Ở cái tuổi gần đất xa trời, cụ chỉ mong bán được ngày nào hay ngày đó, nếu ngày nào hên bán được nhiều, được khách cho thêm, cụ có tiền để dành lo cho cháu. Người chạy xe ôm ngồi gần cụ Bệnh nói cách đây vài ngày, cụ bị nhóm thanh niên giật mất 30 tờ vé số, sợ không đủ tiền đền cho đại lý, ngồi khóc cả ngày dài.

 

Cụ T, 75 tuổi, mua nhôm nhựa từ năm 1979 tới nay

Trên đường phố Sài Gòn, ở quận nào cũng có người già mưu sinh bằng nhiều thứ nghề. Họ là người Sài Gòn, cũng có khi từ miền quê khác tới, nhưng đều chung một hoàn cảnh: khó khăn.

Cụ T., 75 tuổi, chật vật đẩy xe ve chai trên đường Đề Thám, quận 1 giữa trưa nắng. Cụ làm nghề thu mua ve chai từ năm 1979 tới nay. Cụ chỉ có một người con gái nhưng lấy chồng xa. Sau khi lập gia đình, chồng chị không may gặp nạn nên cụ phải làm việc để tự nuôi thân và phụ lo cho các cháu. "Ngày trước bán được lắm nhưng nay, giá mua vào - bán ra không chênh, không lời được mấy nữa" - cụ nói. Phần vì cách đây 4 năm, cụ T. bị tai biến phải nằm viện cấp cứu suốt 1 tuần liền nên hai chân giờ đau nhức, đi được vài chục mét phải nghỉ lấy sức, tiền kiếm mỗi ngày vì thế cũng chả được bao nhiêu.

 

Cụ Quang, 71 tuổi ngồi bán bánh
Trong cơn nắng chiều oi bức, cụ Trương Minh Quang, 71 tuổi, ngồi ôm rổ bánh thuẫn chậm rãi rao vài câu mời dòng khách đang lao trên đường Nguyễn Tri Phương, quận 10. Cụ Quang bị mù 2 mắt từ năm 9 tuổi sau trận bệnh nặng. Trước đây, cụ Quang đi bán bánh luôn có vợ - cụ Nguyễn Thị Cưu (74 tuổi) theo cùng. Nhưng vài năm trở lại đây, cụ bà bị bệnh nên cụ Quang lủi thủi bán buôn một mình từ trưa đến tối. Vợ chồng cụ Quang có 1 người con trai, năm nay 38 tuổi nhưng chưa có công việc ổn định, thành ra không phụ giúp được cha mẹ lúc tuổi già. 

 

Nhắc tới ông Nhị, 69 tuổi làm ổ khoá
Nhắc tới ông Nhị, 69 tuổi, làm ổ khoá, tiệm lớn nào chuyên về khoá ở Sài Gòn cũng biết, vì ông giữ nhiều công thức làm khoá, cũng như đã từng làm trong nhiều công ty nước ngoài. Khác với các hoàn cảnh mưu sinh khác, nếu không đẩy xe đồ nghề ra đường, ông Nhị cũng có 2 người con lo cho cuộc sống về già. Nhưng 35 năm bươn chải ngoài đường phố, bản thân ông Nhị cũng chưa muốn nghỉ ngơi vì còn làm thì còn đồng ra đồng vô, tự chủ tài chính.

 

Ông Nhị
"Tiệm" của ông Nhị nằm trên đường Bạch Đằng, quận Bình Thạnh, mở - đóng cửa theo giờ hành chính. Ông Nhị cũng dựng bảng "không về nhà khách" để tránh nhiều khách muốn ông đến nhà để xử lý vài sự cố liên quan đến khoá. "Ở vỉa hè 35 năm nay từ thời còn đói khổ phải lo cho vợ con đến khi con học hành ổn định, có việc làm, tôi vẫn muốn làm thêm vì mấy chục năm rồi quen chân, quen tay nếu nghỉ thì buồn lắm", ông Nhị nói.

 

Không nhiều người có sự lựa chọn như ông Nhị, họ buộc phải mưu sinh để tự lo cho chính mình vì cạnh bên không còn người thân thích. Bà Tân, 85 tuổi, quê ở Trà Vinh đằm mình giữa cái nắng 2 giờ chiều ngay góc ngã tư Nguyễn Biểu - Trần Hưng Đạo, quận 5. Bà không còn người thân, bản thân lại mang bệnh nên phải mưu sinh để kiếm tiền lo thuốc thang, ăn uống hằng ngày. 
Không nhiều người có sự lựa chọn như ông Nhị, họ buộc phải mưu sinh để tự lo cho chính mình vì cạnh bên không còn người thân thích. Bà Tân, 85 tuổi, quê ở Trà Vinh đằm mình giữa cái nắng 2 giờ chiều ngay góc ngã tư Nguyễn Biểu - Trần Hưng Đạo, quận 5. Bà không còn người thân, bản thân lại mang bệnh nên phải mưu sinh để kiếm tiền lo thuốc thang, ăn uống hằng ngày. 

 

Ông Hoàng Thiên, 74 tuổi, từ Hải Phòng vào Sài Gòn được 28 năm hơn
Ông Hoàng Thiên, 74 tuổi, quê Hải Phòng tá túc ở Sài Gòn được 28 năm hơn. Ông trước đây buôn bán ở chợ trời. Từ khi chợ bị dẹp, ông chuyển sang bán vé số ở khu vực gần Bệnh viện Ung Bướu, quận Bình Thạnh. Ở Hải Phòng, ông còn hai con trai đã lập gia đình và hai cháu trai kháu khỉnh. Ông nói không hợp với con dâu, cũng không muốn trở thành gánh nặng của con nên mấy chục năm qua, ông tự nuôi mình. "Tôi tự lo cho mình để đỡ phiền hà con cái", ông bảo.

 

Ông Thiên mệt mỏi

Mỗi ngày, ông Thiên lao ra đường từ mờ sáng đến khi bán xong mớ vé số trên tay, đạp vài chục km mà không than mệt bởi chẳng biết than cùng ai. Ông Thiên cười hề hà về cái tên của mình, ông bảo chắc cái tên nó vận vào người nên cuối đời còn long đong ngoài đường phố mưu sinh.

Thỉnh thoảng đi ngang khu đường vào buổi trưa, thấy ông Thiên mệt mỏi tựa lưng vào góc cột chợp mắt mà không khỏi chạnh lòng. Những con đường ông Thiên đi qua mỗi ngày, ông bảo cũng chẳng nhớ đã đạp được bao xa chỉ biết cứ mải miết đạp về phía trước, nếu mệt thì dừng. "Mà không biết khi nào "dừng hẳn" cô ơi, cũng lớn tuổi rồi", ông Thiên vừa nói cười nhưng hệt như khóc. Những ngày dịch giã, vì không buôn bán được, ông buộc lòng gọi về để xin con tiền đóng chỗ trọ. Mỗi tháng, ông tốn 1 triệu đồng cho nơi ở hiện tại.

 

Chú Trung ở Tây Hoà, Phú Yên

Lúc hơn 1 giờ chiều, ông Trung, quê ở Tây Hoà, Phú Yên đẩy nhanh chiếc xe lăn về phía trước để kịp về chỗ trọ ăn bữa cơm trưa, vì ăn ngoài đường thì tiện nhưng "tiền đâu chịu cho nổi dĩa cơm vài chục ngàn". Từng mắc tai biến nên chân phải của ông Trung có tật, đi đứng không còn nhanh nhẹn như trước.

Ông kết hôn trễ nên dù tuổi đã cao nhưng con còn nhỏ, hai bé song sinh mới học lớp 6, thành ra tiền bạc eo hẹp, không đủ lo cho con. Ngoài quê, gia đình ông thuộc danh sách hộ nghèo của tỉnh, con cái cũng được hỗ trợ học phí nhưng vì sức khỏe hai vợ chồng ông đều kém, nên khó khăn lắm mới lo được cho các con đủ ăn, đủ mặc.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI