Ấn Độ: Giết hại phụ nữ không phải là cách giữ tôn nghiêm gia tộc

06/03/2021 - 15:04

PNO - Làn sóng phẫn nộ về cái gọi là “giết người vì danh dự” ở Ấn Độ lại bùng lên, sau khi một người cha chặt đầu cô con gái vì bắt gặp nạn nhân có “cử chỉ không đúng mực” cùng một chàng trai.

Người đàn ông đi qua các đường phố của quận Hardoi ở phía bắc bang Uttar Pradesh hôm 4/3, mang theo đầu của con gái, bình thản thú nhận những gì ông ấy đã làm khi bị bắt.

Phát ngôn viên của Cảnh sát Hardoi nói thêm với CNN: "Hung thủ bị bắt khi đang đi bộ đến đồn cảnh sát để thú nhận những gì đã làm, trong trạng thái bình tĩnh, không khóc lóc hay kích động".Tổng giám đốc Sở cảnh sát Hardoi - Anurag Vats - nói với Reuters: "Người đàn ông nhìn thấy con gái mình trong tư thế không đúng đắn với một chàng trai và đã chặt đầu cô ấy trong cơn thịnh nộ".

Khi Kumar - người bán rau từ làng Pandetara, đi bộ từ nhà đến đồn cảnh sát, những người qua đường đã báo cho cảnh sát và bắt đầu quay phim.

Những hình ảnh gây sốc về người cha vác đầu cô gái 17 tuổi đi qua các đường phố ở Uttar Pradesh đã được chia sẻ trên mạng, dấy lên những lời kêu gọi khẩn cấp về việc ban hành luật đặc biệt đối với cái gọi là giết người vì danh dự, tôn nghiêm gia đình.

Tội ác giết người vì danh dự của ngày hôm nay bắt nguồn từ ký ức về chế độ tộc trưởng nguyên thủy. Hôn nhân là sản phẩm của chế độ độc tài giai cấp và giới tính, một chế độ được hợp pháp hóa bởi các hội đồng làng, bao gồm những thành viên nam của giai cấp thống trị ở địa phương đó. Trên danh nghĩa duy trì "trật tự" của xã hội.

Danh dự và quan niệm về chế độ gia trưởng

Một người đàn ông được phép kết hôn cùng đẳng cấp hoặc với một phụ nữ thuộc đẳng cấp thấp hơn. Nhưng chiều ngược lại là một điều cấm kỵ, một cô gái không thể kết hôn với một người đàn ông có đẳng cấp thấp hơn và một người đàn ông cũng không thể kết hôn với một phụ nữ có đẳng cấp cao hơn.

Đàn ông và phụ nữ vi phạm quy tắc về đẳng cấp, trinh tiết sẽ bị xua đuổi, săn lùng, đánh đập công khai, tẩy chay, cưỡng bức tái hôn, hay thậm chí là giết chết.

Một trong những định nghĩa về hành vi “giết người vì danh dự” là cá nhân sát hại một thành viên trong gia đình, hoặc trong nhóm xã hội, do cho rằng nạn nhân đã làm ô nhục gia đình hoặc cộng đồng.

Các thủ phạm thường công khai thừa nhận hoặc thú nhận tội ác giết người vì danh dự. Dường như, họ không sợ luật pháp và còn duy trì một “niềm tự hào” đầy tỉnh táo về hành động của mình.

Phần lớn nạn nhân của các vụ giết người vì danh dự là phụ nữ
Phần lớn nạn nhân của các vụ giết người vì danh dự là phụ nữ, hậu quả của quan niệm giai cấp và giới tính

Làn sóng phẫn nộ từ xã hội

Madhu Garg - Phó chủ tịch chi nhánh Uttar Pradesh của Hiệp hội Phụ nữ Dân chủ Toàn Ấn - cho biết: "Vấn đề quyền tự do lựa chọn của cá nhân cần được quan tâm ngay lập tức và cần phải có một luật riêng để xử lý hành vi giết người vì danh dự".

Các tổ chức nhân quyền cho biết hàng ngàn phụ nữ và trẻ em gái bị giết trên khắp Nam Á và Trung Đông mỗi năm, do các thành viên trong gia đình - tức giận vì cảm thấy tổn hại "danh dự" - gây ra.

Ấn Độ đã báo cáo 24 trường hợp "giết người vì danh dự" vào năm 2019, theo thống kê từ Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia của nước này, nhưng các nhà vận động cho biết số liệu thống kê của chính phủ vẫn chỉ là phần nổi tảng băng.

Các hành vi được cho là “tổn hại danh dự gia đình” có thể bao gồm bỏ trốn, thân mật với nam giới hoặc bất kỳ hành vi nào vi phạm các giá trị bảo thủ nghiêm khắc liên quan đến phụ nữ.

Vào tháng 2/2021, một phụ nữ ở Uttar Pradesh đã bị các thành viên trong gia đình thiêu sống vì có mối quan hệ với nam giới thuộc tín ngưỡng khác.

Theo Arockiya Samy Kathir - người sáng lập nhóm vận động phi lợi nhuận Evidence với nhiều năm hoạt động chống các vụ giết người vì danh dự ở miền Nam Ấn Độ, gần 70% nạn nhân trong các vụ giết người ở Ấn Độ là phụ nữ.

Vào năm 2018, chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu tất cả các bang thành lập các phòng ban đặc biệt bao gồm cảnh sát và nhân viên phúc lợi, cũng như đường dây trợ giúp 24 giờ, để giúp các cặp vợ chồng đối mặt với sự quấy rối từ gia đình hoặc những người đang tìm kiếm sự bảo vệ.

Nhưng các nhà vận động nói rằng việc tuân thủ pháp luật còn kém. Những vụ bạo hành phụ nữ nổi tiếng ở Ấn Độ đã dấy lên nhiều cuộc biểu tình phản đối trong những năm gần đây, mặc dù nhiều vụ trong số đó không liên quan đến “giết người vì danh dự”.

Linh La (theo CNN, Sky News, Feminism India)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI