Chuyện những đôi “tình nhân sân khấu”

Bài 8: Thành Được - Thanh Nga: “cặp đôi lý tưởng”!

22/03/2022 - 14:09

PNO - Mặc dù cả Thành Được và Thanh Nga đều có bạn diễn tạo thành liên danh để đời nhưng sự kết hợp giữa “ông vua không ngai” Thành Được và “nữ hoàng sân khấu” Thanh Nga cũng là một liên danh huyền thoại, được đánh giá là lý tưởng hiếm thấy.

Với nhiều khán giả, một trong những sức hút đặc biệt của nghệ thuật biểu diễn chính là sự kết hợp ăn ý của những người bạn diễn. Trên sân khấu cải lương, sức hút này thể hiện rõ nhất với những liên danh mà thời gian trôi qua bao lâu vẫn còn được nhắc nhở, như: Hùng Cường - Bạch Tuyết, Thành Được - Út Bạch Lan, Thanh Nga - Thanh Sang, Minh Phụng - Mỹ Châu, Minh Vương - Lệ Thủy… và sau này có Vũ Linh - Tài Linh, Kim Tử Long - Ngọc Huyền, Linh Tâm - Cẩm Thu…

Nhiều khán giả chỉ bỏ tiền mua vé khi cặp đào - kép ưng ý của mình có mặt. Các đoàn hát thường cạnh tranh nhau bằng tên tuổi của cặp đào kép. Ngược lại, người nghệ sĩ muốn vươn tới đỉnh cao phải tìm được bạn diễn ăn ý. Mà sự “ăn ý” này cũng rất vô chừng, khó lý giải, chỉ biết khi “bắt cặp” trúng người sẽ tạo được làn sóng hâm mộ cuồng nhiệt mà dù nghệ sĩ kết hợp với một bạn diễn khác tài năng không kém cũng khó tạo được hiệu ứng bùng nổ như liên danh đã định trong lòng công chúng.

Mời bạn đọc cùng PNO điểm lại những cặp “tình nhân sân khấu” của sân khấu cải lương qua nhiều thời kỳ.

 

 

Bài 1: Hùng Cường - Bạch Tuyết: Cặp “sóng thần” kỳ lạ!

 

 

Bài 2: NSƯT Thanh Nga - NSƯT Thanh Sang: Mối duyên có hạn

Bài 3: Minh Phụng - Lệ Thủy: “Cặp bão biển” của sân khấu cải lương

Bài 4: Minh Vương - Lệ Thủy: Trời sinh một cặp

Bài 5: Châu Thanh - Phượng Hằng: Một cặp đào kép kỳ lạ!

Bài 6: Minh Phụng - Mỹ Châu, một thời và mãi mãi

Bài 7: Thành Được - Út Bạch Lan, duyên và nợ!

 

Theo lời nhiều người trong giới, Thành Được chính thức kết hợp với Thanh Nga trên sân khấu đoàn Thanh Minh - Thanh Nga vào khoảng năm 1965 với vở tuồng Men rượu sa kê (soạn giả: Hoàng Lan). Thời điểm này, mặc dù việc hát “tuồng Nhựt” đã thoái trào trên sân khấu cải lương Sài Gòn, nhường chỗ cho các loại tuồng kiếm hiệp, tuồng tâm lý - xã hội, nhưng Men rượu sa kê đã thành công “lội ngược dòng” mà điểm nhấn thu hút chính là sự ra mắt của cặp đào kép ngôi sao Thành Được và Thanh Nga.

Sự kết hợp giữa nữ hoàng sân khấu Thanh Nga với ông vua không ngai Thành Được thực sự làm nức lòng khán giả mộ điệu.
Sự kết hợp giữa "nữ hoàng sân khấu" Thanh Nga với "ông vua không ngai" Thành Được thực sự làm nức lòng khán giả mộ điệu.

Khác với nhiều cặp bạn diễn bật sáng và thăng hoa khi tạo được liên danh ăn ý, lúc này, cả Thành Được và Thanh Nga đều là những tên tuổi sáng chói và bảo chứng doanh thu. Từ sân khấu Kim Chưởng, Thành Được đã là cái tên sáng giá, cùng với bạn diễn cũng là bạn đời Út Bạch Lan tạo thành liên danh đình đám một thời.

Ngược lại, mặc dù thành danh từ sớm (ở tuổi 16 với giải Thanh Tâm cho nghệ sĩ triển vọng vào năm 1958) nhưng Thanh Nga vẫn chưa tìm được người hát cặp “xứng đào xứng kép” khi nhiều nghệ sĩ đàn anh dù ca hay diễn giỏi nhưng có phần cách biệt về tuổi tác và cả ngoại hình. Vì thế, sự xuất hiện của chàng kép đẹp nức tiếng Thành Được xem như là mảnh ghép hoàn hảo cho đoàn Thanh Minh - Thanh Nga và cả cho chính Thanh Nga.

Với nhiều khán giả, chỉ cần Thanh Nga đứng bên cạnh Thành Được là đã đủ đẹp. Sự cân xứng về sắc vóc lẫn phong cách ca diễn sang trọng
Thành Được và Thanh Nga có sự cân xứng từ sắc vóc sáng đẹp đến phong thái sang trọng, tao nhã cả trên sân khấu lẫn đời thực. 
Với nhiều khán giả, chỉ cần Thanh Nga đứng bên cạnh Thành Được là đã đủ đẹp, chưa cần bàn đến chuyên môn.
Với nhiều khán giả, chỉ cần Thanh Nga đứng bên cạnh Thành Được là đã đủ đẹp, chưa cần bàn đến chuyên môn.

Trên sân khấu, Thành Được và Thanh Nga có sự tương xứng, hòa hợp tuyệt vời từ sắc vóc sáng đẹp rực rỡ, giọng ca chân phương mà trau chuốt đến nét diễn sang trọng, quý phái. Nhiều người trong nghề nhận xét cả Thành Được và Thanh Nga đều đầy “nghệ sĩ tính” mà biểu hiện rõ ràng nhất là sự đa sầu đa cảm của Thanh Nga và cá tính hào hoa, lãng mạn của Thành Được. Tất cả đều “in dấu” vào những vai diễn qua các vở tuồng đã đi cùng năm tháng, như: Nửa đời hương phấn, Tình Lan và Điệp, Đoạn tuyệt, Chuyện tình 17, Tình xuân muôn tuổi

Thành Được và Thanh Nga trong vở Tình Lan và Điệp.
Thành Được và Thanh Nga trong vở Tình Lan và Điệp.
Thành Được và Thanh Nga trong vở Chuyện tình 17.
Thành Được và Thanh Nga trong vở Chuyện tình 17.
Thành Được và Thanh Nga trong vai Dũng và Loan vở Đoạn Tuyệt.
Thành Được và Thanh Nga trong vở Đoạn Tuyệt

Sức hút của Thành Được - Thanh Nga không hẳn đến từ sự ngọt ngào, tình tứ như nhiều cặp bạn diễn khác mà là sự “cân tài - cân sức”. Họ gần như không cần phải “nương” nhau mà cứ phô diễn hết năng lực của người nghệ sĩ, mang đến cho khán giả những cảm xúc thăng hoa ở những vai diễn đầy chiều sâu.

Trong đó, có thể nói Lĩnh Nam và Giáng Hương của Sân khấu về khuya (soạn giả: NSND Nguyễn Thành Châu) là hai vai diễn đỉnh cao và cũng phảng phất chính bóng hình của Thành Được và Thanh Nga. Trong tuồng, cả hai không hề có cảnh tình tứ nào mà hàng loạt những đoạn tranh luận thậm chí chì chiết nhau khi vào vai đôi vợ chồng nghệ sĩ hục hặc nhau vì lối sống lẫn quan điểm nghệ thuật, thế nhưng qua bao năm những lời thoại của Lĩnh Nam - Thành Được và Giáng Hương - Thanh Nga vẫn đầy sức nặng, vẫn làm người yêu nghệ thuật thấm thía và cảm nhận rõ ràng giữa những cuộc cãi vã nảy lửa đó vẫn bàng bạc “chất tình”.

Cả Lĩnh Nam và Giáng Hương của Sân khấu về khuya đều mang bóng dáng của chính Thành Được và Thanh Nga.
Cả Lĩnh Nam và Giáng Hương của Sân khấu về khuya đều mang bóng dáng của chính Thành Được và Thanh Nga.
Những lớp diễn giữa Lĩnh Nam và Giáng Hương trong Sân khấu về khuya không hề tình tứ nhưng lại vô cùng hòa hợp và sâu sắc.
Những lớp diễn giữa Lĩnh Nam và Giáng Hương trong Sân khấu về khuya không hề tình tứ nhưng lại vô cùng hòa hợp và sâu sắc.

Đến nay, Sân khấu về khuya vẫn xếp vào những kịch bản “khó nhằn”, nhiều ý định dựng lại cuối cùng đành gác lại vì trong mắt nhiều người Lĩnh Nam và Giáng Hương chỉ có thể là Thành Được và Thanh Nga.

Màn "cãi nhau kinh điển" giữa Lĩnh Nam và Giáng Hương trong vở Sân khấu về khuya là một trong những lớp diễn hay nhất của vở và cả sân khấu cải lương. Nguồn: bansacphuongnam.com. 

Năm 1966, cả Thành Được và Thanh Nga đều giành giải Thanh Tâm dành cho Diễn viên xuất sắc. Điều thú vị là trong khi Thanh Nga thắng giải với vai Giáng Hương của Sân khấu về khuya thì Thành Được chiến thắng nhờ vai tướng cướp Thy Đằng của Tiếng hạc trong trăng, cũng là lần hiếm hoi Thành Được vào vai… cha chứ không phải người tình của Thanh Nga.

Năm 1966, đánh dấu bước thăng hoa trong sự nghiệp của cả Thành Được và Thanh Nga với giải Thanh Tâm dành cho Diễn viên xuất sắc.
Năm 1966, đánh dấu bước thăng hoa trong sự nghiệp của cả Thành Được và Thanh Nga với giải Thanh Tâm dành cho Diễn viên xuất sắc.

Từ những vai diễn thăng hoa, từ sự ngưỡng mộ lẫn nhau của những tài năng hiếm có, trong giới sân khấu cũng dần đồn đoán về chuyện “tuồng giả tình thật” giữa Thành Được và Thanh Nga, nhất là sau khi cuộc hôn nhân lý tưởng giữa Thành Được và Út Bạch Lan tan vỡ. Nhiều người tin rằng, sau khi chia tay người cũ, Thành Được đã ra sức theo đuổi Thanh Nga, tiếp tục tạo nên chuyện tình đẹp bậc nhất làng sân khấu. Nhưng cuối cùng vì một hiểu lầm và bản tính quá đào hoa của chàng nghệ sĩ mà cuộc tình dang dở trong nuối tiếc...

Một dịp hy hữu, cả 2 cô Hương của Tùng
Lúc sinh thời, cố NSƯT Út Bạch Lan đã viếng mộ cố NSƯT Thanh Nga - một dịp "hội ngộ" hy hữu của 2 người bạn diễn, 2 người phụ nữ quan trọng trong cuộc đời nghệ sĩ tài hoa và đào hoa của Thành Được. (Ảnh: Thanh Hiệp)

Chẳng biết thực hư ra sao nhưng những thêu dệt về “chuyện tình” Thành Được - Thanh Nga, cùng rất nhiều những mối tình sân khấu khác, mà đến nay đã trở thành “giai thoại hậu trường” góp phần vào sức hút phía sau bức màn nhung khiến người ta say mê không dứt. Sân khấu cải lương hấp dẫn cũng vì thế!

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI