Bài 1: Đám đông soi mói và nỗi ám ảnh ‘miệt thị ngoại hình’

03/11/2018 - 08:56

PNO - “Body shaming” (miệt thị ngoại hình) có thể bắt đầu từ lời nói đùa, nhưng với những ai phải nhận lấy lời miệt thị, đó là “vết dao” gây tổn thương khó có thể chữa lành.

Lời nói "giết chết" một người

Bai 1: Dam dong soi moi va noi am anh ‘miet thi ngoai hinh’
Tuổi thơ của Ameera Stokes vĩnh viễn mất đi bởi lời miệt thị từ cha ruột của em.

Tháng 5/2018, Ameera Stokes (18 tuổi) cầm búa và trút giận lên cha của em ruột sống ở Michigan, Mỹ. Hành động phạm pháp và thiếu kiểm soát của Ameera chính là giọt nước tràn ly sau khoảng thời gian dài Ameera bị chính cha ruột miệt thị thân hình. Ông nhiếc móc con gái và cho rằng con quá mập.

Mẹ Ameera kể, cô bé phải chịu đựng hàng loạt rối loạn tâm lý từ những lời chế bai của cha. Ameera chán ghét bản thân và cho rằng mình quá vô dụng. Những lời bình phẩm này đã ám ảnh em suốt những năm tháng trưởng thành, vùi em sâu dưới tận cùng bi quan, mặc cảm.

Năm 2014, Ameera từng cố tình gây chuyện và đâm một người bạn trong một quán bar chỉ vì em muốn bị bắt giam, muốn thoát khỏi cuộc sống với người cha nhẫn tâm. Em biến mình thành cô bé gây phiền toái cho mọi người chung quanh, tất cả chỉ vì muốn trốn chạy khỏi đòn roi và lời nhiếc móc của cha.

Cô bé từng nhiều lần tự tử nhưng bất thành và cuối cùng, em đã chẳng thể thoát ra khỏi bi kịch đời mình, chọn cách tồi tệ nhất để kết thúc.

Nghiên cứu mới nhất từ Khoa Tâm lý Đại học California Los Angeles chỉ ra việc miệt thị cơ thể ai đó với lời chế giễu người đó mập, thừa cân, không giúp cho người đó giảm cân, và không khiến họ có hành vi lành mạnh. 

Với trẻ em gái, việc người thân trêu chọc cân nặng của các em chẳng khiến các em tốt hơn mà còn vô tình đẩy các em vào trạng thái rối loạn ăn uống. Nghĩa là, các em có thể ăn nhiều hơn bình thường hoặc bỏ bê việc ăn uống, không còn hào hứng thưởng thức bất cứ món ăn nào.

Dư luận không buông tha

Bai 1: Dam dong soi moi va noi am anh ‘miet thi ngoai hinh’
Tess Holliday trở thành đối tượng bị "tấn công" chỉ vì cô có cân nặng cao hơn nhiều người bình thường. 

Mạng xã hội lên ngôi đồng nghĩa với việc mọi người đều hướng đến khái niệm “vẻ đẹp hoàn hảo” mà quên mất rằng, mỗi cơ thể có một chuẩn mực riêng mà không thể gượng ép đưa vào một hình dáng, chỉ số duy nhất.

Tháng Chín vừa qua, người dẫn chương trình truyền hình Piers Morgan gây bão dư luận khi “ném” những lời chỉ trích vào người mẫu quá khổ Tess Holliday, sau khi cô đăng ảnh chân dung lên trang Instagram cá nhân và tự khen mình “trông rất tuyệt”.

Morgan đã bình luận: “Thật là buồn. Chắc cô ấy cần những người bạn tốt hơn, là những người dám thành thật nói cho cô ấy hiểu rằng việc thừa cân quá mức như thế thật nguy hiểm. Có lẽ cô ấy nên làm gì đó để thay đổi”. Chỉ mới hai tuần trước đó, Morgan cũng đã bóng gió xung quanh cân nặng của Holliday.

Mặc dù Holliday đã phản ứng với lời bình luận rằng cô không thích khi bị chú ý về hình thể vì cô hài lòng với chính mình, quan trọng là cô khỏe mạnh và rất yêu đời. Thế nhưng Morgan vẫn khăng khăng cho rằng hình dáng ấy là… không thể chấp nhận.

Không phải ai cũng đủ mạnh mẽ, dám đương đầu trước những ánh mắt, lời nhận xét đầy chế giễu về thân hình của mình. Không ít người chọn cách nhún nhường cho dư luận.

Bai 1: Dam dong soi moi va noi am anh ‘miet thi ngoai hinh’
Anna Faris đã xóa bức ảnh sau khi đăng lên 15 phút.

Nổi tiếng như nữ diễn viên kiêm ca sĩ người Mỹ Anna Faris mà cũng không thể “bơ đi mà sống” khi đối diện với những lời bình phẩm thiếu thiện cảm. Vài tuần trước, Anna đăng bức ảnh khuất mặt chia sẻ rằng cô khá hồi hộp khi chuẩn bị bắt đầu một buổi diễn.

Mọi người dường như chẳng để ý đến nội dung Anna chia sẻ, họ đổ dồn sự tập trung vào đôi chân của Anna và sau đó là màn “ném đá” dữ dội, kết tội cô: “Nhìn cô trông yếu ớt quá, hãy ăn nhiều vào”, “Bức ảnh đầy tính cảnh báo”, “Nhìn bức ảnh tôi nghĩ cô cần giúp đỡ, hãy nhờ ai đó giúp mình mau đi”…

Dù Anna vẫn nhận được những lời động viên tích cực: “Bạn đẹp theo chuẩn mực riêng của bạn”, “Nếu bạn đang hạnh phúc và khỏe mạnh thì bức ảnh này chả hề hấn gì”… nhưng Anna vẫn quyết định xóa tấm ảnh sau 15 phút đăng lên. Cô không chịu nổi áp lực "miệt thị ngoại hình" mà nhiều người hướng đến mình.

Tờ Huffington Post từng giới thiệu nghiên cứu từ nhà khoa học Jean Lamont (Đại học Bucknell, Mỹ về ảnh hưởng của "miệt thị ngoại hình" tới nữ giới. Nghiên cứu chỉ ra rằng những phụ nữ càng bị chỉ trích nhiều thì càng có những dấu hiệu suy giảm sức khỏe. Việc bị soi mói về ngoại hình còn khiến phụ nữ chán ghén, bỏ bê bản thân.

Minh Khôi (Theo Newsweek, Thisisinsider, Fox)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI