Bác sĩ nhi phân tích thiệt hơn chuyện xin sữa từ bà mẹ khác

20/02/2017 - 18:29

PNO - Một tủ sữa mẹ miễn phí vừa mới ra đời vào đầu tháng 2/2017 tại TP.HCM đã phải chịu nhiều sóng gió dư luận.

Các bác sĩ chuyên khoa sản, nhi hay chuyên gia dinh dưỡng tại TP.HCM đều lo ngại trước những túi sữa mẹ miễn phí này. Dòng dư luận cũng chia làm 2: ủng hộ và phản đối. Riêng chị L.H. Trang – người đã có ý tưởng rất nhân văn này thì vẫn bảo toàn quan điểm.

Trên trang cá nhân của mình, vào ngày 19/2, chị Trang viết: “Chỉ những ai rơi vào hoản cảnh như họ thì mới hiểu được nỗi vất vả trong hành trình nuôi con của họ là nhiều như thế nào. Con sinh non, chỉ nặng 800gram, vì cách ly nằm lồng ấp nên mẹ chẳng còn sữa cho con, sữa công thức thì con không hấp thu được để rồi nhìn con yếu từng ngày. Đành tâm mà dẹp? Nguy cơ 20 năm sau cháu bị bệnh gì đó vẫn còn hơn bệnh tiêu chảy, táo bón và suy dinh dưỡng của hiện tại. Nếu so vậy thì sữa mẹ trữ đông an toàn hơn tất cả”.

Có thể hiểu được vất vả lo lắng đến rạc người của những bà mẹ ông bố chẳng may có con sơ sinh chẳng may không thể hấp thu sữa bột hoặc dị ứng với sữa bò. Lúc này, những lời khuyên của bác sĩ rút tỉa từ lý thuyết ngành y tuy đúng, tuy hợp lý về mặt khoa học nhưng rất dễ trở nên cứng nhắc khi không đặt trong từng hoàn cảnh cụ thể. Cũng rất dễ để cảm thông cho tấm lòng của một người phụ nữ có 2 con dám mạnh dạn thực hiện một công việc thiện nguyện vì cộng đồng.

Bac si nhi phan tich thiet hon chuyen xin sua tu ba me khac
Bác sĩ Hoàng Thị Tín trong một buổi hướng dẫn các bà mẹ về dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh.

Nhưng sức khỏe của một em bé nhũ nhi, của một đứa bé rứt ruột sinh thành đâu thể chỉ phụ thuộc vào cảm xúc thương con của người làm cha làm mẹ. Những nguyên tắc ngành y có khi là cứng nhắc nhưng cũng là những “gờ giảm tốc” để các bậc cha mẹ cân nhắc suy tính chuyện thiệt hơn.

Trong bối cảnh dư luận chia đôi đường ấy, bác sĩ Hoàng Thị Tín, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã chia sẻ với báo Phụ nữ TP.HCM về những khác biệt giữa sữa mẹ và sữa công thức để các bậc cha mẹ có thể tính chuyện nên hay không sử dụng sữa mẹ xin cho.

Đồng cảm với quan điểm sữa mẹ là tốt nhất, bác sĩ Hoàng Thị Tín khẳng định sữa mẹ là thức ăn hoàn hảo cho trẻ nhỏ, nhất là những trẻ dưới 6 tháng tuổi. Các nghiên cứu khoa học hiện nay cho thấy sữa loài động vật nào thì sẽ tốt cho loài động vật đó. Nếu sữa của bò, dê, ngựa mà dùng cho con người thì sẽ không bao giờ tốt bằng sữa mẹ.

Bac si nhi phan tich thiet hon chuyen xin sua tu ba me khac
Bác sĩ Hoàng Thị Tín trao đổi với báo chí về sữa mẹ.

Sữa của các loại động vật như bò, dê, ngựa khác với sữa mẹ về độ đạm, về thành phần axit amin, về chất béo. Ở sữa động vật, các thành phần này đa số đều cao hơn so với sữa mẹ do động vật cần mức độ cao để tăng trưởng nhanh và phát triển thêm về cơ.

Nếu bê nguyên thành phần này mà không qua chế biến thì trẻ sơ sinh rất khó để hấp thu. Khi đạm trong sữa bò còn ở mức cao thì giúp trẻ tăng cân nhanh trong 2 năm đầu nhưng sau này dễ bị mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, cao huyết áp. Chưa kể, trẻ sơ sinh hấp thu chất béo trong sữa mẹ tốt hơn trong sữa công thức cũng như trong sữa mẹ còn có thêm kháng thể giúp con mạnh mẽ hơn.

Sữa mẹ vì thế là tốt hơn sữa công thức (sữa bột). Nhưng cái tốt hơn này là xét trong hoàn cảnh tuyệt đối. Bác sĩ Hoàng Thị Tín cho biết nhân viên y tế của Bệnh viện Nhi đồng 1 lúc nào cũng khuyến cáo dùng sữa mẹ cho con bú nhưng cũng chỉ đến mức: sữa của ai thì cho con người đó bú.

Và nếu chẳng đặng đừng, sữa mẹ cũng có thể được lưu trữ lại nhưng với một quy trình vô trùng nghiêm ngặt tại Khoa Hồi sức sơ sinh. Ngay cả khi người mẹ không có sữa phải đi xin sửa ở người thân, người quen biết thì Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng không khuyến khích.

Bac si nhi phan tich thiet hon chuyen xin sua tu ba me khac
Nơi thu nhận và lưu trữ sữa mẹ tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM)

Theo bác sĩ Hoàng Thị Tín, sữa mẹ xin cho không qua quy trình quản lý chặt chẽ của cơ sở y tế thì có thể truyền một số bệnh cho em bé bú sữa như: bệnh lao, viêm gan B, HIV….Ngay cả trong trường hợp người mẹ đang phải uống thuốc trị bệnh mãn tính cũng không nên cho sữa vì vẫn gây tác hại cho em bé.

Ở các nước tiên tiến, người cho sữa ngoài việc phải được xét nghiệm để loại trừ các bệnh lây nhiễm thì phải viết giấy thỏa thuận cho sữa, không được uống rượu (nếu có phải dùng dưới 30ml/ngày), cà phê nếu uống cũng phải dưới mức 240 ml/ngày.

Đó là chưa kể việc bảo quản và vận chuyển cũng tuân theo một số nguyên tắc. Chẳng hạn, nếu sữa không để đông đá thì chỉ dùng được trong vòng 2 giờ. Bình sữa lưu trữ không để ở cánh cửa tủ lạnh mà phải để sát bên trong lòng tủ. Nếu sữa lưu trữ để trong tủ đông dưới 70 độ C thì mới lưu trữ được 1 năm. Nếu sữa đã rã đông rồi thì không nên bảo quản lại nữa.

Chính vì thế, bác sĩ Hoàng Thị Tín khẳng định quan điểm: sữa mẹ tất nhiên là tốt, nhưng chỉ khi xác định chắc chắn nguồn gốc. Còn nếu không có gì đảm bảo an toàn về nguồn gốc thì sử dụng nguồn sữa mẹ xin cho chắc chắn là lợi bất cập hại.

Trong khi chờ một ngân hàng sữa mẹ chính thức ra đời, có sự kiểm duyệt chặt chẽ về quy trình y tế thì lựa chọn tốt nhất sẽ là những gì ít có hại nhất cho trẻ em. 

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI