Bác sĩ Chợ Rẫy báo động qua Viber cứu sống người phụ nữ đột quỵ trong gang tấc

17/12/2019 - 17:23

PNO - Vừa tiếp nhận bà C., bác sĩ khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM đã báo động vào nhóm bác sĩ trên Viber, cứu sống bệnh nhân trong gang tấc mà không để lại di chứng.

Ngày 17/12, ê-kíp bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết bệnh viện này vừa cấp cứu kịp thời cho bà T.K.C. (65 tuổi, ở quận Tân Phú, TP.HCM) bị đột quỵ nặng, không để lại di chứng nhờ triển khai hệ thống hội chẩn qua Viber đến các bác sĩ.

Theo đó, lúc 16g15 ngày 11/12, bà C. được người nhà chuyển đến khoa Cấp cứu của bệnh viện trong tình trạng lơ mơ, méo miệng, nửa người bên phải liệt hoàn toàn, tiếp xúc kém. Kiểm tra bệnh sử, bác sĩ trực phát hiện bà C. mắc bệnh đái tháo đường. Trước đây bà cũng bị nhồi máu não, rung nhĩ.

Bác sĩ lập tức báo động vào nhóm bác sĩ cấp cứu, chẩn đoán hình ảnh, nội thần kinh hoạt động trên Viber để cùng hội chẩn, ưu tiên cho bà C. được chụp CTscan, DSA và những xét nghiệm liên quan.

Kết quả cho thấy người bệnh bị tắc hoàn toàn động mạch cảnh trong và động mạch não giữa, phải phẫu thuật can thiệp xử lý huyết khối để cứu bà C.

Bac si Cho Ray bao dong qua Viber cuu song nguoi phu nu dot quy trong gang tac
Nhờ cấp cứu kịp thời, bà C. không chỉ qua cơn nguy kịch mà các chức năng vận động đã được phục hồi hoàn toàn.

Sau đó, các bác sĩ đặt một ống nhỏ vào động mạch lớn đến động mạch vành để xử lý vùng tổn thương trong động mạch của bà C., từ đó tái thông mạch, cứu sống bệnh nhân trong gang tấc.

Theo bác sĩ Võ Hạnh – Trưởng tua trực cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, nhờ có ứng dụng Viber nên nhóm bác sĩ cấp cứu và những khoa liên quan tương tác rất nhanh, bắt kịp “thời gian vàng” trong đột quỵ, cứu bà C. chỉ trong 30 phút từ khi nhập viện. 

“Được can thiệp sớm nên chỉ trong 5 ngày tiếp theo, bà C. đã hoàn toàn bình phục, tỉnh táo, có thể đi lại, vận động linh hoạt, có sức cơ chứ không bị biến chứng như các trường hợp đột quỵ trước đây. Hiện tại, bà C. có thể xuất viện về nhà nhưng phải tầm soát đột quỵ, điều trị đúng cách bệnh tiểu đường”, bác sĩ Hạnh nói thêm.

Tiến sĩ-bác sĩ Trần Xuân Trường – Trưởng khoa Nội Tổng quát, Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, từ khi lập nhóm bác sĩ cấp cứu khẩn cấp, liên kết các khoa phòng liên quan, dù chỉ hơn 30 bác sĩ hoạt động nhưng mang đến hiệu quả cấp cứu rất cao, nhất là trong đột quỵ, nhồi máu não, tim mạch,… Hơn 60 ca đã được bệnh viện cứu sống. Trong đó có 86,8% người bệnh được tái thông kịp thời, trên 50% bệnh nhân phục hồi hoàn toàn sau cấp cứu.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI