Bà Deb Haaland trở thành người Mỹ bản địa đầu tiên trong lịch sử giữ chức bộ trưởng

16/03/2021 - 08:42

PNO - Sau khi được Thượng viện xác nhận đề cử chức vụ Bộ trưởng Nội vụ hôm 15/3, bà Deb Haaland đã trở thành người Mỹ bản địa đầu tiên trong lịch sử phục vụ trong Nội các Tổng thống Mỹ.

Bà Deb Haaland đã làm nên lịch sử khi trở thành người Mỹ bản địa đầu tiên phục vụ trong Nội các Tổng thống Mỹ - Ảnh: USA Today
Bà Deb Haaland đã làm nên lịch sử khi trở thành người Mỹ bản địa đầu tiên phục vụ trong Nội các Tổng thống Mỹ - Ảnh: USA Today

Kết quả cuộc bỏ phiếu là 51-40, với tất cả các nghị sĩ Dân chủ và một số nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu thuận xác nhận bà Haaland trở thành Bộ trưởng Nội vụ trong chính quyền của Tổng thống Joe Biden.

"Việc xác nhận dân biểu Haaland (làm Bộ trưởng Nội vụ) thể hiện một bước tiến dài nhằm tạo ra một chính phủ đại diện cho sự phong phú và đa dạng đầy đủ của đất nước, bởi vì người Mỹ bản địa, “đã bị bỏ quên” quá lâu ở cấp nội các và nhiều lĩnh vực khác", Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer, thượng nghị sĩ Dân chủ New York, phát biểu trước cuộc bỏ phiếu xác nhận tối thứ Hai theo giờ địa phương.

Trong hơn 171 năm, cơ quan liên bang chịu trách nhiệm quản lý mối quan hệ của chính phủ Mỹ với hàng trăm bộ lạc được công nhận chưa bao giờ có lãnh đạo là người Mỹ bản địa.

Nhưng các nhà lập pháp đảng Cộng hòa không tán thành việc bổ nhiệm bà Haaland - không chỉ về chương trình nghị sự chống biến đổi khí hậu của Tổng thống Biden, bao gồm việc tạm dừng khoan dầu khí trên đất công, mà còn vì những tuyên bố trước đây của bà kêu gọi chấm dứt khai thác khí đốt tự nhiên và phát triển đường ống. Phe Cộng hòa cũng khó chịu về một dòng tweet bà Haaland đã gửi hồi tháng 10/2020, rằng “Những người Cộng hòa không tin vào khoa học”.

Bà Haaland ủng hộ chương trình nghị sự chống biến đổi khí hậu của Tổng thống Biden, bao gồm việc tạm dừng khoan dầu khí trên đất công - Ảnh: Vox
Bà Haaland ủng hộ chương trình nghị sự chống biến đổi khí hậu của Tổng thống Biden, bao gồm việc tạm dừng khoan dầu khí trên đất công - Ảnh: Vox

Bà Haaland, 60 tuổi, là một công dân đã đăng ký của bộ lạc người Mỹ bản địa Pueblo of Laguna ở tiểu bang New Mexico. Bà tái đắc cử vào Hạ viện Hoa Kỳ vào tháng 11 năm ngoái, nhưng sắp tới sẽ rời Quốc hội để đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Nội vụ trong Nội các của Tổng thống Biden.

Sau khi được Thượng viện xác nhận, Bộ trưởng Haaland sẽ điều hành một cơ quan hơn 70.000 nhân viên chịu trách nhiệm quản lý 480 triệu mẫu đất liên bang - gần 1/5 diện tích đất của Hoa Kỳ - cũng như 2,5 tỷ mẫu thềm lục địa ngoài khơi. Danh mục quản lý của bộ còn bao gồm hơn 400 công viên quốc gia, khoảng 100 di tích quốc gia và khoảng 500 khu bảo tồn động vật hoang dã quốc gia.

Cơ quan khổng lồ này không chỉ bao gồm Văn phòng các vấn đề người da đỏ và Dịch vụ y tế người da đỏ mà còn quản lý và điều hành 55 triệu mẫu điền trang do chính phủ ủy thác cho hàng trăm bộ tộc người Mỹ bản địa, bao gồm cả bộ lạc Pueblo of Laguna của bà Bộ trưởng.

Các vấn đề cấp bách như quyền sử dụng đất đai, chăm sóc sức khỏe và bảo vệ các địa điểm linh thiêng có thể không làm hài lòng mọi bộ tộc trong chính quyền Biden, các thủ lĩnh bộ lạc và những người ủng hộ người Mỹ bản địa khác thừa nhận. Nhưng họ bày tỏ hy vọng rằng, với bà Haaland, họ sẽ có một đồng minh quan trọng và thực sự có quyền lực trong chính phủ.

Các nhóm môi trường cũng hoan nghênh kết quả bỏ phiếu xác nhận bà Haaland.

Bà Theresa Pierno, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội Bảo tồn Công viên Quốc gia cho biết: “Hôm nay là một ngày lịch sử đối với tất cả chúng ta, những người quan tâm đến vùng đất và vùng nước công cộng của nước Mỹ. Là hậu duệ của những người bảo vệ ban đầu các vùng đất của chúng ta, bà sẽ mang đến một quan điểm độc đáo, không giống bất kỳ Bộ trưởng Nội vụ tiền nhiệm nào khác”.

Tháng trước, bà Haaland đã bị các nghị sĩ Cộng hòa “quay” trong phiên điều trần xác nhận của bà tại Ủy ban Tài nguyên và Năng lượng Thượng viện, không chỉ vì những nỗ lực tích cực của Tổng thống nhằm ngừng khoan dầu khí trên đất công mà còn cả những tuyên bố công khai của bà phản đối việc khai thác nhiên liệu hóa thạch.

Bà Haaland cố gắng xoa dịu những lời chỉ trích từ một số thượng nghị sĩ Cộng hòa về phát triển dầu, khí đốt và than đá, bà nói rằng các khu đất công có thể được sử dụng nhiều hơn cho năng lượng sạch, chẳng hạn như điện gió và điện mặt trời. Bà cũng hứa sẽ giúp ngành nhiên liệu hóa thạch tìm thấy những cơ hội mới trong một nền kinh tế ít phụ thuộc hơn vào các ngành công nghiệp phát thải carbon.

Hoàng Diệu (theo USA Today)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI