Azerbaijan và Armenia bất ngờ giao tranh ác liệt, nhiều máy bay bị bắn hạ

27/09/2020 - 22:04

PNO - Đụng độ ác liệt đã bùng nổ hôm 27/9 giữa các lực lượng Armenia và Azerbaijan trong khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, cả hai bên đều báo cáo có sự thương vong của thường dân.

Tranh chấp khu vực Nagorno-Karabakh giữa hai nước đã kéo dài bốn thập kỷ - Ảnh: BBC/Getty Images
Tranh chấp khu vực Nagorno-Karabakh giữa hai nước đã kéo dài bốn thập kỷ - Ảnh: BBC/Getty Images

Kênh truyền hình BBC dẫn nguồn chính phủ Armenia cho biết, Azerbaijan đã tiến hành một cuộc tấn công bằng không quân và pháo binh, Armenia đáp trả bằng việc tuyên bố thiết quân luật và tổng động viên quân đội. Trong khi đó, Azerbaijan đổ lỗi cho Armenia là bên gây hấn và nói rằng họ chỉ đáp trả các cuộc pháo kích trên tiền phương.

Xung đột kéo dài giữa Armenia và Azerbaijan mới bùng phát trở lại trong những tháng gần đây.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã lên tiếng cam kết ủng hộ Azerbaijan, ông gọi Armenia là "mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình và yên tĩnh trong khu vực”.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga đã kêu gọi hai bên ngừng bắn ngay lập tức và đàm phán để ổn định tình hình. Cả Armenia và Azerbaijan từng là các nước cộng hòa nằm trong thành phần Liên bang Xô Viết (Liên Xô) trước khi nó sụp đổ vào năm 1991.

Suốt 4 thập kỷ qua, Armenia và Azerbaijan bị kéo vào cuộc xung đột chưa được giải quyết về Nagorno-Karabakh, vốn được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan, nhưng hiện do người Armenia kiểm soát.

Giao tranh ở biên giới hồi tháng 7 đã giết chết ít nhất 16 người, dẫn đến cuộc biểu tình lớn nhất trong nhiều năm ở thủ đô Baku của Azerbaijan, kêu gọi tổng động viên và tái chiếm Nagorno-Karabakh.

Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ chặt chẽ với Azerbaijan, nhưng không có quan hệ với Armenia vì tranh chấp liên quan đến vụ giết người hàng loạt của người Armenia trong thời kỳ Đế quốc Ottoman. Armenia nói rằng đây là một cuộc diệt chủng, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết phủ nhận điều này.

Bộ Quốc phòng Armenia cho biết cuộc tấn công của Azerbaijan nhằm vào các khu định cư dân sự, bao gồm cả thủ phủ Stepanakert của khu vực, bắt đầu lúc 8g10 giờ địa phương ngày 27/9. Armenia nói rằng nước này đã bắn rơi hai trực thăng và ba máy bay không người lái, phá hủy ba xe tăng của đối phương.

Tuyên bố quân sự của Armenia nhấn mạnh: "Phản ứng của chúng tôi sẽ tương xứng và lãnh đạo quân sự-chính trị của Azerbaijan phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về diễn biến của tình hình".

Armenia thông báo đã tiến hành tổng động viên - Ảnh: BBC/Getty Images
Armenia thông báo đã tiến hành tổng động viên - Ảnh: BBC/Getty Images

Các quan chức Armenia cho biết một phụ nữ và một trẻ em đã thiệt mạng, ngoài ra các báo cáo khác đang được xác minh. Chính phủ Armenia tuyên bố thiết quân luật và tổng động viên quân sự, ngay sau một thông báo tương tự của chính quyền ở khu vực ly khai Nagorno-Karabakh.

Trong khi đó Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết phía Armenia pháo kích dữ dội vào một số ngôi làng, khiến dân thường thương vong, và gây thiệt hại nghiêm trọng đối với cơ sở hạ tầng. Tuyên bố nhấn mạnh, "hoạt động phản công của quân đội chúng tôi trên toàn mặt trận nhằm trấn áp hoạt động tác chiến của các lực lượng vũ trang Armenia và đảm bảo an toàn cho dân thường". Phía Azerbaijan cũng cho biết họ mất một máy bay trực thăng, nhưng phi hành đoàn vẫn sống sót, và cho biết 12 hệ thống phòng không của Armenia đã bị phá hủy.

Nagorno-Karabakh, khu vực miền núi diện tích khoảng 4.400km2, là nơi sinh sống truyền thống của người Armenia theo đạo Thiên chúa và người Thổ Nhĩ Kỳ theo đạo Hồi. Dưới thời Xô Viết, Nagorno-Karabakh trở thành một khu vực tự trị thuộc nước cộng hòa Azerbaijan. Vùng đất này được quốc tế công nhận là một phần lãnh thổ của Azerbaijan, nhưng phần lớn dân số tại đây là người Armenia. Moscow giữ lập trường ủng hộ Armenia.

Thanh Hải

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI