Ăn cơm tổ, sao lại bỡn cợt nghề?

13/07/2016 - 16:45

PNO - Nhưng trong mọi tình huống, không thể mua vui bằng sự bỡn cợt nghề, bởi như thế là NS tự bỡn cợt chính mình. Nhân cách NS còn đâu?

Là một khán giả hâm mộ cải lương, tôi thường theo dõi những tin tức, hình ảnh trên trang fanpage Hội những người yêu thích cải lương. Nhưng mới đây, tôi thực sự sốc khi xem clip hai nghệ sĩ (NS) tên tuổi của sân khấu cải lương và một khán giả cùng biểu diễn một lớp trong vở Nửa đời hương phấn tại một bữa tiệc do một thành viên trong nhóm đăng tải trên trang fanpage.

Ngay từ màn mở đầu, tôi đã choáng khi nghe nữ NSƯT Thoại Mỹ trong vai Diệu hỏi Hương: “Chị làm được hôn, giá cả có được hôn chị?” và nhân vật nam õng ẹo trong vai Hương thản nhiên trả lời: “Ở Sài Gòn thì đô với euro mới là “đô” của chị, nhưng mà nếu trai đẹp như K.T.L. thì chị free luôn!”. Đáp lại những lời thoại là những tiếng cười hô hố của những khán giả đang vừa ăn nhậu, vừa thưởng thức cải lương.

An com to, sao lai bon cot nghe?

Có vẻ những tiếng cười, tiếng vỗ tay như chất men kích thích làm nữ NS cao hứng hơn, tiếp tục sáng tạo lời thoại “nặng đô” hơn. Thật sự, tôi như chết lặng mất mấy giây khi nghe NSƯT Thoại Mỹ giải thích lý do Hương không thể về quê dự đám cưới của Diệu và Tùng. Tôi xin không nhắc lại ngôn từ thô tục đó ở đây vì chính tôi cũng cảm thấy ngượng miệng. Những tiếng cười khả ố vang lên theo những câu thoại bị chế lời một cách tùy tiện, những động tác uốn éo của người đóng vai Hương.

Không tham gia chế lời nhân vật, nhưng NSƯT Kim Tử Long lại hồn nhiên để mình bị cuốn theo NSƯT Thoại Mỹ và diễn viên - khán giả, không phản ứng, không nhắc nhở hoặc có bất kỳ một động thái nào cho thấy anh cố gắng dùng chính bản lĩnh và sức ảnh hưởng của một NSƯT để lái sang một hướng khác. Từng phải dính dáng đến pháp luật chỉ vì muốn chiều lòng khán giả và có mặt ở một chiếu bạc, cứ ngỡ sau lần ấy NSƯT Kim Tử Long đã tỉnh ngộ và biết cách làm chủ bản thân để giữ cho hình ảnh của mình không trở nên xấu xí hơn nữa trước công chúng. Nhưng xem ra anh vẫn chưa “tỉnh”.

Không biết hai NS đã được phong danh hiệu NSƯT, những người được công chúng mến mộ có dịp xem clip để nhìn lại chính mình? Riêng tôi thực sự thất vọng và bức xúc về những người vẫn trả lời họ đã ăn cơm tổ, sống nhờ tổ nghiệp và sân khấu cải lương. Không thể lý giải vì sao những NS ấy có thể biến một trích đoạn cải lương đã ăn sâu trong tiềm thức của nhiều thế hệ khán giả thành một màn diễn với những câu thoại dung tục cốt chỉ để mua vui trong một vài phút giây ngắn ngủi.

Tôi còn nhớ hình ảnh của những NS cải lương ngày xưa, họ luôn đẹp lung linh trong mắt khán giả. Mỗi NS dù đã rất nổi tiếng hay chỉ vừa mới được biết đến luôn luôn chăm chút cho sự xuất hiện của mình trước công chúng từ trang phục, diện mạo đến lời ăn, tiếng nói… Cuộc sống nhiều đổi thay, NS ngày nay sống chan hòa, gần gũi hơn với các fan hâm mộ của mình, nhưng không thể vì vậy mà trở nên xuê xoa, tự biến mình trở thành những “chú hề” trong mắt công chúng. Chẳng ai lên án việc NS và khán giả cùng vui vẻ bên những bàn tiệc.

Nhưng trong mọi tình huống, không thể mua vui bằng sự bỡn cợt nghề, bởi như thế là NS tự bỡn cợt chính mình. Nhân cách NS còn đâu? Clip Nửa đời hương phấn trên trang Hội những người yêu thích cải lương đã có hơn 800 lượt người xem và hơn 400 người chia sẻ. Với tốc độ lan truyền rất nhanh của mạng xã hội, các NS có hình dung họ đã trở nên xấu xí như như thế nào trong mắt công chúng khi “nhả ngọc, phun châu” trong lúc cao hứng, tưởng chỉ trong không gian nhỏ bé của một bữa tiệc?

Nguyễn Công Anh (Q.Phú Nhuận, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI