Album đĩa nhạc sẽ chỉ là ký ức?

04/12/2015 - 12:13

PNO - Chuyện ca sĩ trẻ không mặn mà với album nhạc đã không còn mới nữa, nhưng ngay cả khi Làn sóng xanh - một bảng xếp hạng dành cho giới trẻ.

Album dia nhac se chi la ky uc?

Từng là hàn thử biểu thị trường âm nhạc Việt - đành từ bỏ hạng mục Album của năm vì tình hình album đã bị thu hẹp đến mức không thể xếp hạng, đĩa nhạc dự báo sẽ trở thành ký ức vào một ngày nào đó.

Theo ban tổ chức, Làn sóng xanh 2015 quyết định bỏ hạng mục Album của năm là vì hiện tại ca sĩ trẻ tập trung vào các sản phẩm MV, đĩa đơn hay nhạc trực tuyến, không còn những album có chất lượng, tạo hiệu ứng tốt. Quả thật, chưa khi nào album lại rơi vào tình trạng hẩm hiu đến thế.

Năm 2015 là năm của những gương mặt trẻ, với nhiều cái tên mới tạo hiện tượng, nhưng khán giả gần như không hề có album của ca sĩ trẻ nào để cầm trên tay. Nếu như trước đây, lý do chính của việc “né” album đĩa là do kinh phí, bởi nếu phát hành trực tuyến ca sĩ sẽ không phải tốn thêm khoản in ấn, thiết kế… thì bây giờ, ngay cả khi không ngần ngại về kinh phí, ca sĩ trẻ vẫn không sản xuất album.

Những cái tên trẻ, hot, không thiếu tài chính như Đông Nhi, Tóc Tiên, Khổng Tú Quỳnh, Khởi My… đều không có album nào đặt trên kệ, dù sản phẩm mới giới thiệu trong năm của họ không hề ít. Thay vào đó là những single, MV tiền tỷ, đầu tư cao về hình ảnh, bối cảnh. Noo Phước Thịnh chấp nhận đầu tư hơn tỷ đồng chỉ để thực hiện MV Love in Maldives chứ không phải album, Bad Boy của Đông Nhi năm trước cũng được tính bằng con số tương đương.

Album dia nhac se chi la ky uc?
Sự trái ngược của thị trường album trong nước sẽ đẩy những sản phẩm này trở thành hoài niệm trong tương lai?

Ở những tháng cuối năm như thời điểm hiện tại, là giai đoạn nước rút để chạy đua vào các giải thưởng âm nhạc, vẫn không có album nào ở phân khúc này, như nhiều năm trước. Album, nếu có, chỉ còn ở các ca sĩ đã thành danh, nhằm khẳng định đẳng cấp hoặc đánh dấu một chặng đường như Hà Trần, Tùng Dương, Bảo Yến, Giáng Son, Phương Anh… hoặc dòng nhạc ở phân khúc dành cho đối tượng không thuộc về nhạc trẻ như Đan Trường, Cẩm Ly, Quang Lê… Vì đó không còn là một sản phẩm kinh doanh, nên số lượng in ấn của các album này cũng hạn chế, chỉ 1.000-2.000 bản, vừa đủ cho những khán giả trung thành.

Theo một ông bầu quản lý ca sĩ, album không còn hiệu quả nữa trong bối cảnh hiện tại, thay vào đó, giới trẻ nghe nhạc số, thích ngắm hình ảnh đẹp. “Xét về việc xây dựng hình ảnh, MV phục vụ được nhu cầu đó của ca sĩ. Xét về lợi nhuận, cho dù sản xuất album thì sau đó cũng thu lợi từ trực tuyến, vì giới trẻ bây giờ không có thói quen mua đĩa mà ca sĩ cũng không “chịu thấu” với đĩa lậu”, ông bầu này cho biết.

“Chắc không còn lâu nữa, đĩa CD cũng sẽ “ra đi”. Tôi cho là khoảng vài tháng, một năm nữa thôi. Chỉ còn lại âm nhạc trực tuyến mà thôi”, nhạc sĩ Đức Trí nhận định. Cũng theo anh, nếu như cách đây vài năm, đĩa nhạc được xem là sản phẩm chính thống thì bây giờ, âm nhạc trực tuyến đã thay vai trò đó, nhạc mạng mới là chính thống. “CD sắp sửa trở thành đồ để sưu tập”, nhạc sĩ Đức Trí nói thêm.

Thực tế, tiến trình phát triển ngày càng tăng của nhạc trực tuyến không nằm ngoài dòng chảy của thế giới. Tại châu Âu, doanh thu từ nhạc trực tuyến tăng lên mỗi năm và hiện đã vượt qua doanh thu từ sản phẩm truyền thống.

Tuy nhiên, không thể không nhìn thấy sự “thoái hóa” quá nhanh của nhạc Việt so với dòng chảy đó. Bởi, ngay cả tại Mỹ, những gương mặt được xem là ông hoàng, bà chúa của nhạc số, có quyền lực chi phối nhiều kênh nhạc số như Justin Bieber, Taylor Swift… tuy vẫn xem đây là kênh chính để tiếp cận khán giả lẫn kênh thu nhập, nhưng sản phẩm chính thống là album vẫn là thứ không thể thiếu.

Album đó, vừa là để phục vụ khán giả vẫn còn coi trọng hình thức thưởng thức quen thuộc, vừa là một sản phẩm có thể phục vụ cho khán giả thuộc phân khúc nhạc số.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI