4 tháng gây “sóng gió” cho thế giới của Tổng thống Trump

12/05/2025 - 06:32

PNO - Với nhiều sắc lệnh hành pháp cùng sự thay đổi thông tin liên tục, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến người dân Mỹ lẫn thế giới đi từ nỗi lo này đến nỗi lo khác trong 4 tháng đầu nhiệm kỳ thứ hai của mình.

Người tiêu dùng lo lắng

Deborah Grushkin - một người mua sắm trực tuyến ở bang New Jersey (Mỹ) - phát hoảng khi Tổng thống Trump ký lệnh ngừng cho phép các gói hàng có giá trị dưới 800 USD vào Mỹ mà không phải chịu thuế nhập khẩu và thủ tục hải quan theo chính sách “de minimis”. Ngay trước thời hạn sắc lệnh có hiệu lực vào ngày 2/5, Deborah đã vội vã gom đơn hàng trị giá 400 USD từ sàn thương mại điện tử Shein. Cô chia sẻ: “Tôi cảm thấy như thể đó là lần cuối cùng tôi được mua sắm thoải mái”. Ngay cả khi chưa có mức thuế mới, các nhà kinh tế đã ước tính việc chấm dứt “de minimis” sẽ khiến các hộ gia đình có thu nhập thấp và thiểu số phải gánh chịu chi phí ít nhất là 10,9 tỉ USD.

Một người phụ nữ tại Uganda cầm tấm bảng có dòng chữ “Thank U God” làm từ hộp đựng dầu ăn viện trợ từ USAID  - ẢNH: JÖRG BÖTHLING (Alamy)
Một người phụ nữ tại Uganda cầm tấm bảng có dòng chữ “Thank U God” làm từ hộp đựng dầu ăn viện trợ từ USAID - Ảnh: JÖRG BÖTHLING (Alamy)

Khi Ngân hàng trung ương Mỹ cân nhắc khả năng chính sách thuế quan của Tổng thống Trump dẫn đến tái lạm phát, các công ty lớn đã đưa ra tín hiệu tăng giá và cảnh báo về việc người mua sắm đang thắt chặt hầu bao. Vào tháng Năm, nhiều công ty bán các sản phẩm tiêu dùng đã chỉ ra những dấu hiệu cho thấy chi tiêu sẽ giảm. Linda Rendle - Giám đốc điều hành Clorox (nhà sản xuất đa quốc gia các sản phẩm tiêu dùng) - cho biết, thuế quan đang thay đổi hành vi tiêu dùng một cách đáng kể, người tiêu dùng đang mua sắm tiết kiệm hơn.

Tấn công vào nền giáo dục

Các trường đại học lo ngại, bằng cách đe dọa cắt giảm hoặc đình chỉ tài trợ, chính phủ đang cố gắng dập tắt quyền tự do học thuật, một nền tảng của hệ thống giáo dục Mỹ. Bộ Giáo dục Mỹ đã thông báo cho Đại học Harvard vào ngày 5/5 rằng họ sẽ chấm dứt hàng tỉ USD tài trợ nghiên cứu và các khoản viện trợ khác trừ phi trường chấp thuận các yêu cầu từ chính quyền về việc nhượng quyền kiểm soát trường đại học lâu đời và giàu có nhất của quốc gia cho chính phủ.

Lý do chính cho cuộc tấn công vào Đại học Harvard của Tổng thống Trump là việc trường từ chối danh sách dài các yêu cầu từ chính phủ và ủng hộ các cuộc biểu tình trong khuôn viên trường nhằm phản đối chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza. Trong vụ kiện chống lại chính quyền Tổng thống Trump, Harvard cho biết việc cắt giảm tài trợ của chính phủ sẽ gây ra “hậu quả nghiêm trọng đối với bệnh nhân, sinh viên, giảng viên, nhân viên và các nhà nghiên cứu” khi các hoạt động nghiên cứu y khoa và khoa học quan trọng bị gián đoạn.

Hậu quả lớn từ cắt giảm viện trợ

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times ngày 8/5, tỉ phú Bill Gates đã chỉ trích gay gắt Elon Musk - Giám đốc điều hành Tesla và là người giàu nhất thế giới - vì đã phá hủy gần như toàn bộ tổ chức từng là nhà cung cấp viện trợ lương thực lớn nhất thế giới. Kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, đồng minh thân cận của ông là tỉ phú Elon Musk đã vô căn cứ cáo buộc Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) là một “tổ chức tội phạm”.

Lấy ví dụ về việc hủy bỏ các khoản tài trợ cho một bệnh viện ở tỉnh Gaza của Mozambique giúp ngăn ngừa phụ nữ lây truyền HIV cho con, Gates nói: “Tôi rất muốn Musk đến gặp những đứa trẻ bị nhiễm HIV vì ông ấy đã cắt đi khoản tiền viện trợ”. Theo ấn phẩm này, Gates cũng lưu ý hàng tấn thực phẩm và thuốc men đang bị lãng phí do việc cắt giảm viện trợ nước ngoài của Mỹ và ông cảnh báo về sự quay trở lại của các căn bệnh có thể phòng ngừa được. Gates tuyên bố: “Viễn cảnh người đàn ông giàu nhất thế giới giết những đứa trẻ nghèo nhất thế giới không phải là một hình ảnh đẹp”.

Theo tờ The Guardian, khẩu phần ăn cho một triệu người ở Uganda đã bị cắt hoàn toàn trong bối cảnh Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hiệp quốc đối mặt khủng hoảng tài trợ, làm dấy lên lo ngại những người tị nạn sẽ bị đẩy trở lại các quốc gia đang có chiến tranh như Cộng hòa Dân chủ Congo, Nam Sudan và Sudan. Hillary Onek - Bộ trưởng Bộ Người tị nạn của Uganda - cho biết: “Không thể trông chờ vào viện trợ nữa. Ông Trump đã cắt hoàn toàn các khoản tiền hỗ trợ cho các chương trình tị nạn. WFP và Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) đang trong tình trạng khủng hoảng hoàn toàn vì thiếu kinh phí”.

Hàng chục thử nghiệm y tế trên khắp châu Phi cũng buộc phải dừng đột ngột vào cuối tháng Giêng. Các khoản cắt giảm đã lan rộng đến những chương trình giúp giải quyết nhiều căn bệnh chết người, đặc biệt là sốt rét và HIV. Các quốc gia Nam Phi - nơi có nhiều ca nhiễm HIV nhất trên toàn cầu đã dựa vào viện trợ từ Mỹ để chống lại đại dịch - hiện cũng phải đóng cửa các phòng khám HIV phục vụ cho nhóm dân số dễ bị tổn thương, hàng ngàn nhân viên y tế mất việc. Đối với các nhà khoa học châu Phi đang chạy đua để kiểm soát HIV, mọi công việc quan trọng của họ cùng phải tạm dừng.

Linh La (theo NY Times, Washington Post, NBC News, Al Jazeera)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI