30 triệu người trên thế giới đối mặt nguy cơ chết đói

25/03/2021 - 13:57

PNO - Một báo cáo của Liên Hợp Quốc (LHQ) cảnh báo đại dịch COVID-19, khủng hoảng khí hậu và xung đột đã dẫn đến nạn đói toàn cầu ở mức “đáng báo động”.

Theo một báo cáo về các điểm nóng về nạn đói do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) công bố, nạn đói cấp tính có thể sẽ tăng cao ở hơn 20 quốc gia trong vài tháng tới.

Ước tính có khoảng 34 triệu người đang ở mức độ đói cấp tính gọi là IPC 4 (theo thang đo phân loại an ninh lương thực), tương ứng "chỉ một bước nữa là có thể chết đói".

Nạn đói cấp tính đang được thúc đẩy bởi xung đột, các cú sốc khí hậu và đại dịch COVID-19. Thậm chí một số nơi còn chịu ảnh hưởng bởi những cơn bão châu chấu sa mạc.

Tổng giám đốc FAO Qu Dongyu nhận định: “Mức độ đói kém rất đáng báo động. Tất cả chúng ta có nhiệm vụ phải hành động ngay bây giờ và nhanh chóng để cứu mạng sống, bảo vệ sinh kế và ngăn chặn tình huống xấu nhất".

Đại dịch,thiên tai, chiến tranh đang đẩy hàng chục triệu người trên thế giới vào cảnh đói kém
Đại dịch, thiên tai, chiến tranh đang đẩy hàng chục triệu người trên thế giới vào cảnh đói kém

Các cơ quan cho biết, Bắc Nigeria, Yemen và Nam Sudan đứng đầu danh sách những nơi phải đối mặt với mức độ “thảm khốc” của nạn đói nghiêm trọng.

Hầu hết điểm nóng được xác định trong báo cáo là ở châu Phi, nhưng một số nằm rải rác các khu vực khác, từ Afghanistan ở châu Á, Syria và Lebanon ở Trung Đông, cho đến Haiti ở châu Mỹ Latinh và vùng Caribe.

Ông Qu nói, cần có ba điều kiện để ngăn “hàng triệu người chết vì đói” , bao gồm ngừng chiến tranh, tăng cường khả năng tiếp cận các cộng đồng dễ bị tổn thương và nỗ lực quyên góp.

Đầu tháng 3/2021, FAO và WFP đã kêu gọi 5,5 tỷ USD để ngăn chặn nạn đói thông qua hỗ trợ lương thực nhân đạo, tiền mặt và các can thiệp sinh kế khẩn cấp.

Mỹ Latinh là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi suy giảm kinh tế và dự kiến sẽ phục hồi chậm nhất; trong khi ở Trung Đông, Yemen, Syria và Lebanon bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đồng tiền mất giá nhanh và lạm phát tăng cao.

Theo báo cáo, hơn 7 triệu người trên khắp Nam Sudan sẽ phải đối mặt với mức độ khủng hoảng về tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 7 năm nay, trong khi hơn 16 triệu người Yemen dự kiến ​​sẽ phải trải qua mức độ mất an ninh lương thực cao vào tháng 6, tăng 3 triệu so với cuối năm 2020.

Các quốc gia khác được xác định là một trong những điểm nóng về nạn đói tồi tệ nhất là Burkina Faso, Afghanistan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Haiti, Sudan và Syria.

Linh La (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI