Xúc tiến du lịch VN: Có "góp gió" được "thành bão"?

04/07/2013 - 10:12

PNO - Nhiều chuyên gia tâm huyết của ngành du lịch Việt Nam bao năm qua vẫn luôn trăn trở với “bài toán” xúc tiến du lịch nước nhà. Mà “nút thắt” khó tháo gỡ chính ở chỗ thiếu tiền và thiếu liên kết.

Xuc tien du lich VN: Co

Dù ngân sách quốc gia hàng năm vẫn dành một khoản chi cho hoạt động này và thực tế đã có nhiều cam kết liên minh hợp tác nhưng hiệu quả vẫn chưa thấy đâu. Vì sao như vậy?

Điệp khúc... buồn

Ngân sách quốc gia đã chi khoảng hơn 410 tỷ đồng cho công tác xúc tiến du lịch, giai đoạn từ năm 2000-2012 (tính trung bình Việt Nam chi khoảng 1,5 triệu USD/năm). Đây là số liệu từ thống kê chính thức của Tổng cục Du lịch.

Con số quả thật quá nhỏ nếu đứng cạnh Thái Lan chi 130 triệu USD năm 2010 và 2012 đã nâng lên tới 237 triệu USD. Thậm chí như Singapore, quốc đảo rộng chưa đầy 700 km2 cũng sẵn sàng dành 171 triệu USD để quảng bá hình ảnh.

Đành rằng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam rất khiêm tốn so với những “láng giềng” này, nhưng điều đáng nói là số tiền xúc tiến nhỏ nhoi chưa phát huy được hết tác dụng.

Liệu có hiệu quả được hay không khi khoản kinh phí quá hạn hẹp ấy thậm chí còn phải chia năm xẻ bảy cho Tổng cục Du lịch 70% và Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) 20% và vài dự án chia nhỏ cho một số đơn vị để chỉ cùng làm một việc là xúc tiến quảng bá du lịch. Nguồn lực phân tán dẫn đến chi tiêu chồng chéo và phối hợp không đồng bộ.

Mới đây, lãnh đạo ngành có đề xuất trích từ nguồn thu mỗi khách quốc tế đến Việt Nam 1 USD để “tái đầu tư du lịch.” Và, nếu “tính cua trong lỗ,” với 6,5 triệu du khách đến Việt Nam, ngành đã có thêm 6,5 triệu USD góp vào quỹ quảng bá hình ảnh Việt ra với thế giới.

Trong khi đó, từ đầu năm 2013, lệ phí visa vào Việt Nam đã tăng lên 45 USD (từ 25 USD). Theo đó, ngân sách thu mỗi năm cũng sẽ tăng thêm khoảng 70-80 triệu USD/năm.

Vậy thì việc chỉ trích ra 1 USD từ 45 USD để hỗ trợ trở lại cho tổ chức và hoạt động quảng bá trong nước được tập trung, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn có gì quá? Như Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết, cho dù rất mong muốn nhưng hiện “cơ chế giản dị” đó vẫn đang ở dạng... đề xuất mà thôi.

Và bất cập về cơ chế này cũng từng được nói tới nhiều trong các cuộc họp ngành, song cho đến nay “điệp khúc” về tiền vẫn... chưa có lối thoát.

“Vênh” liên kết

Xúc tiến du lịch ở Việt Nam chưa thể “tỏa sáng” không chỉ vì thiếu tiền mà còn bởi một lý do quan trọng khác là sự thiếu liên kết và định hướng chung.

Thực tế, thời gian qua hợp tác liên kết xúc tiến du lịch giữa trung ương và địa phương có sự “vênh” nhau. Trong khi địa phương rất cần chiến lược xúc tiến dài hơi của ngành để làm cơ sở, định hướng cho công tác xây dựng chiến lược quảng bá xúc tiến và kế hoạch hàng năm cho địa phương thì ngành du lịch vẫn chưa có đề án chiến lược hoàn chỉnh.

Thậm chí, “những cam kết trong liên kết hợp tác vẫn chỉ mang tính chung chung theo kiểu ‘ghi nhớ, hứa hẹn,’ chưa có lộ trình cụ thể, chưa có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bên hợp tác và không thống nhất được cách thức triển khai những cam kết,” Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Lã Quốc Khánh cho biết.

Nếu có chăng, cũng chỉ là một bộ phận nhỏ trong quy hoạch tổng thể phát triển ngành là những định hướng chung, hoặc kế hoạch xúc tiến du lịch hàng năm không thông báo với địa phương, hay đến gần hết năm vẫn chưa duyệt ngân sách.

Điều này cũng khiến cơ quan quản lý ngành khó “kết nối” với các địa phương trong việc định hướng kế hoạch xúc tiến du lịch phù hợp với kế hoạch xúc tiến du lịch quốc gia nhằm huy động nguồn lực các cấp, tránh chồng chéo, lãng phí.

Theo ông Lã Quốc Khánh, cơ quan làm nhiệm vụ triển khai kế hoạch xúc tiến ở ta cũng còn chồng chéo, chưa tập trung một mối, du lịch thiếu sự kết hợp hiệu quả với ngoại giao, thương mại, hàng không... nên chưa tạo được sức mạnh tổng hợp.

"Góp gió thành bão"

Để “vượt khó” nhiều địa phương đã chủ động tăng cường tuyên truyền quảng bá điểm đến, thúc đẩy phát triển các sản phẩm dịch vụ, định hướng và phát triển thị trường, cùng kết hợp với nâng cao nhận thức và năng lực phục vụ du lịch của cộng đồng địa phương.

Một trong những địa phương được đánh giá thức thời là Đà Nẵng đã nêu lên bài học xây dựng “Thành phố sự kiện” và liên kết “nội bộ” để có thể thống nhất một lòng đưa hình ảnh thành phố bay cao, bay xa.

Theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng) Nguyễn Xuân Bình, các giải pháp mà thành phố đã và sẽ tập trung như: quy hoạch và tạo điều kiện phát triển hạ tầng sự kiện với việc xây dựng nhà hát lớn, các trung tâm tổ chức sự kiện, sân khấu trong nhà, ngoài trời…; tăng cường năng lực quản lý và tổ chức các sự kiện trong công tác tổ chức, các hoạt động phụ trợ, các sản phẩm-dịch vụ mang màu sắc sự kiện.

Song, thực tế không phải địa phương nào cũng có tiềm năng và đủ lực để “làm tới” như Đà Nẵng.

Chính vì thế, ông Lã Quốc Khánh khẳng định: “Việc tăng cường liên kết hợp tác trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch là hướng đi và yêu cầu cấp bách hiện nay của ngành du lịch Việt Nam.”

Không chỉ là liên kết trong các bộ, ngành liên quan, giữa Trung ương và địa phương, địa phương với địa phương, liên kết giữa khu vực nhà nước với tư nhân mà còn phải tăng cường mở rộng liên kết đa phương, song phương giữa các doanh nghiệp tham gia hoạt động du lịch và mở rộng liên kết cả với quốc tế.

Về vấn đề này, một số đơn vị lữ hành tại Hà Nội lấy dẫn chứng về các chiến dịch xúc tiến du lịch bài bản của Malaysia, Thái Lan làm bài học. Họ mạnh tay chi tiền cho doanh nghiệp Việt Nam đưa khách sang thông qua những chuyến “Farm trip” miễn phí, in ấn phẩm, tờ rơi giới thiệu thông tin...

Những việc làm tuy nhỏ nhưng góp phần “đánh bóng” hình ảnh, mang lại hiệu quả quảng bá cho du lịch các nước đó và đơn giản chỉ là áp dụng triết lý “góp gió thành bão.”

Ngoài ra, không thể không nói tới bài học về sự liên kết giữa các đơn vị như hàng không, khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại, điểm du lịch, chính quyền địa phương, hải quan...

Đây chính là những yếu tố quan trọng để phát triển du lịch trong cơ chế thị trường, đảm bảo sự phát triển bền vững ngành trong tương lai./.

Theo XUÂN MAI (Vietnam+)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI