Xua tan nhiệt thừa ở trẻ

29/03/2023 - 06:15

PNO - Trẻ em dễ bị nóng trong người. Không ít phụ huynh liên tục cho con uống nước mát giải nhiệt, hoặc dùng thuốc hạ sốt. Những cách này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Trẻ em dễ bị nóng trong người hơn người lớn, vì cơ thể đang lớn nhanh, một phần do trẻ thích ăn đồ ngọt, chất béo, chiên xào. Do đó, không ít phụ huynh liên tục cho con uống nước mát giải nhiệt, hoặc dùng thuốc hạ sốt. Những cách này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Bé Thanh - 6 tuổi - mặt ửng đỏ, thường đổ nhiều mồ hôi, thích ngồi gần quạt và ở phòng máy lạnh, hay bị viêm hô hấp trên tái phát, chảy máu cam khi ăn nhiều bánh kẹo. Thấy con bị nóng, nên gia đình nấu nước râu bắp, mía lau, mã đề cho con uống liên tục, nhưng tình trạng không giảm. Vì lo lắng, mẹ của Thanh đưa em đi khám ở Phòng khám Nhi khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Đại học y dược TP.HCM cơ sở 3. 

Theo quan điểm y học cổ truyền, nhiệt độ và sức khỏe của cơ thể được duy trì nhờ vào sự cân bằng giữa 2 lực đối lập nhưng bổ sung cho nhau là âm (lạnh) và dương (nóng). Khi sự cân bằng mong manh này bị xáo trộn và thiên về hướng có quá nhiều dương, sẽ dẫn đến cảm giác nóng trong người. 

Trẻ em dễ bị nóng trong người hơn người lớn vì cơ thể đang lớn nhanh, phần dương chiếm ưu thế, tạo ra trạng thái tương đối thiếu âm. Đồng thời, trẻ thích ăn đồ ngọt, chất béo chiên xào; vốn là những thực phẩm mang tính dương, góp phần làm tổn thương âm chất nhiều hơn. Khi nóng trong người, trẻ dễ cáu gắt, mặt đỏ bừng, đau họng, mắt đỏ hoặc chóng mặt, lưỡi đỏ tươi, môi đỏ, chảy máu cam khi ăn nhiều đồ ngọt, amidan to, mạch đập nhanh. 

Các yếu tố bên ngoài như thời tiết và chế độ ăn uống có thể làm trầm trọng thêm tình trạng này gồm: nhiễm trùng đường hô hấp vào mùa xuân, say nắng và các vấn đề về tiêu hóa vào mùa hè. Lựa chọn thực phẩm cũng có thể làm rối loạn cân bằng âm dương ở trẻ. Thực phẩm nóng thường chứa nhiều năng lượng và được nấu ở nhiệt độ cao, ví dụ thịt đỏ, đồ chiên rán, món cay, nước ngọt, kẹo và sô cô la. 

Cách nào để điều trị nóng trong người? Do thân nhiệt trẻ không tăng khi đo nhiệt kế nên tuyệt đối không dùng thuốc hạ sốt hóa dược như Paracetamol… Các thầy thuốc y học cổ truyền xua tan nhiệt thừa ở trẻ em chủ yếu thông qua thảo dược. Một số loại phổ biến thường được kê đơn để làm giảm các triệu chứng nóng trong người như: hoa cúc, lá dâu, bồ công anh, kim ngân hoa, sinh địa, huyền sâm... 

Bé Thanh đã được kê toa các loại thuốc và si rô thảo dược bổ âm, dưỡng huyết. Đồng thời, bác sĩ có một số lưu ý trong sinh hoạt và chế độ ăn, ngừng uống nước mát, xoa bóp vùng cột sống lưng hằng ngày cho bé. Sau 1 tháng, tình trạng sức khỏe nói chung của Thanh được cải thiện, bé tập trung học tốt hơn. 

Thực tế, thực phẩm và đồ uống giải nhiệt như các loại trái cây, trà xanh, bí đao… cũng có thể hữu ích giải nhiệt. Tuy nhiên, cha mẹ không nên lạm dụng thức ăn và đồ uống giải nhiệt kẻo tình trạng của trẻ sẽ chuyển biến theo chiều hướng chuyển hàn (lạnh), gây phát sinh các triệu chứng khác như da nhợt nhạt, chân tay lạnh, đau cơ khớp, mệt mỏi, buồn ngủ, giảm tập trung học tập. 

Lưu ý râu bắp, mía lau, mã đề… có tác dụng lợi tiểu, vừa gây mất nước vừa mất điện giải. Với trẻ hay chảy mồ hôi lại càng không nên uống nước mát. Điều quan trọng, cha mẹ cần nhớ là bản thân nhiệt không phải là điều xấu, nóng và lạnh phải tồn tại cân bằng, hài hòa để trẻ có sức khỏe tốt. 

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Đàn

Phó trưởng khoa Y học cổ truyền Trường đại học Y Dược TPHCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI