Xét xử sơ thẩm vụ tai biến chạy thận làm 9 người chết: Cơ hội để 'làm sạch' ngành y

06/06/2018 - 09:15

PNO - Chiều 5/6, Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án nhân dân TP.Hòa Bình đã ra phán quyết về vụ tai biến chạy thận làm 9 người chết tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình.

Theo đó, chủ tọa phiên tòa đã ra quyết định rút hồ sơ để điều tra bổ sung, truy tố bổ sung và làm rõ trách nhiệm của nhiều lãnh đạo bệnh viện. Tuy nhiên, các luật sư tham gia vụ án vẫn lo ngại rằng, còn nhiều vấn đề cần giải quyết trước khi phiên tòa tiếp theo được bắt đầu.

Xet xu so tham vu tai bien chay than lam 9 nguoi chet: Co hoi de 'lam sach' nganh y
Bác sĩ Hoàng Công Lương bên người thân sau quyết định trả hồ sơ của tòa. Ảnh: Phạm Dự

Phán quyết hợp lòng dân

Sau 12 ngày kéo dài mệt mỏi, ngày xét xử cuối cùng của phiên tòa sơ thẩm đã thu hút hàng trăm người dân kéo đến để ủng hộ bác sĩ Hoàng Công Lương. Màu áo xanh giống màu áo của bác sĩ Lương đã tràn ngập phòng xử án.

Sau khi tòa tuyên án, đề nghị rút hồ sơ, truy tố bổ sung ông Hoàng Đình Khiếu - Phó giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình (nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực khi sự việc xảy ra), ông Trần Văn Thắng (Trưởng phòng Vật tư) và xem xét trách nhiệm cựu giám đốc bệnh viện, ông Trương Quý Dương, tiếng vỗ tay của người dự đã át cả tiếng của chủ tọa phiên tòa. 

Tuy nhiên, sau các đề nghị của HĐXX, các luật sư bào chữa cho bác sĩ Hoàng Công Lương và BVĐK tỉnh Hòa Bình cũng nêu ra nhiều bất cập cần giải quyết, để đảm bảo cho phiên tòa sắp tới được minh bạch, công khai và khách quan.

Nhận xét về phiên tòa, luật sư Nguyễn Danh Huế cho biết: “Phán quyết của tòa thể hiện sự dân chủ, khách quan, thượng tôn pháp luật. Những gì luật sư đưa ra tại phiên tòa như các chứng cứ, tranh luận đã được HĐXX ghi nhận. 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội): 

Không bất ngờ trước việc tòa trả hồ sơ

Tôi đã đoán được HĐXX sẽ trả lại hồ sơ và yêu cầu điều tra mở rộng vụ án. Rõ ràng, còn nhiều vấn đề liên quan đến tranh tụng, các bằng chứng của luật sư bảo vệ cho các bị cáo đưa ra... đã không được ghi nhận. Có khá nhiều vấn đề liên quan đến điều tra, luận tội của viện kiểm sát, liên quan đến nhân chứng, người có nghĩa vụ tham gia phiên xử không được tòa mời đến... Đây là lỗ hổng, đặc biệt trong giai đoạn chúng ta đang cải cách tư pháp. 

Đây là vụ án được dư luận rất quan tâm. Tôi cũng hy vọng, sau khi điều tra, tòa sẽ có kết luận, tuyên án đúng người, đúng tội. Có một thực tế là chúng ta khó có được các đơn vị  tòa án, viện kiểm sát, điều tra có chất lượng tốt như nhau ở các tỉnh. Do vậy, đôi khi phải chấp nhận các vấn đề điều tra, các vấn đề truy tố không được hài lòng. Đây chính là vấn đề chúng ta cần quan tâm để cải thiện chất lượng điều tra, xét xử.

Phán quyết của tòa phù hợp với diễn biến trong phần tranh tụng và đáp ứng được sự mong mỏi của xã hội. HĐXX có kiến nghị xem xét về việc cấp phép chạy thận tại BVĐK tỉnh Hòa Bình, đồng thời xem xét trách nhiệm của Sở Y tế tỉnh Hòa Bình về thanh kiểm tra, giám sát, cũng như xem xét trách nhiệm của Bộ Y tế về các công văn trả lời của luật sư và cơ quan điều tra, giám sát ban hành các văn bản pháp luật trong lĩnh vực y tế”. 

“Làm sạch” ngành y

Nói về những gì cần chuẩn bị trong phiên tòa sắp tới, khi việc điều tra bổ sung đã hoàn thành, luật sư Huế cho biết, quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung lại được giao cho cơ quan điều tra cũ là Công an tỉnh Hòa Bình. Trong khi đó, cơ quan này đang bị đặt nghi vấn có vi phạm trong tiến hành tố tụng.

Cụ thể là có dấu hiệu “mớm cung”, vì trước đó bác sĩ Lương cho rằng, mình được xem lời khai của ông Khiếu và xem ảnh chụp sổ công tác để khai theo. Ngoài bác sĩ Lương, điều dưỡng viên Điệp cũng cho biết, mình được điều tra viên cho xem ảnh chụp sổ công tác để khai vào bản hỏi cung. 

Vì vậy, luật sư Huế cho rằng: “Nếu trả lại cho chính cơ quan đó, e rằng không đảm bảo tính khách quan. Sau phiên tòa này, với danh nghĩa luật sư tham gia vụ án, chúng tôi kiến nghị gửi Bộ Công an để bộ rút hồ sơ, điều tra vụ án”.

Luật sư Huế nói: “Đây cũng là cơ hội để nhìn nhận lại việc đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế trong các bệnh viện, một lĩnh vực có rất nhiều mảng tối. Tôi hoàn toàn có thể đặt vấn đề về việc đang có nhóm lợi ích hoành hành trong các bệnh viện. Đây là cơ hội tốt để làm sạch nền y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân”.

Còn theo luật sư Nguyễn Văn Chiến, người bảo vệ cho bác sĩ Lương, trong các phiên tòa tiếp theo, trách nhiệm của cơ quan điều tra, truy tố là phải đưa những người có trách nhiệm của Bộ Y tế vào tham gia tố tụng. Cụ thể là đại diện của Cục khám chữa bệnh và Vụ phụ trách trang thiết bị y tế. 

“Trong việc điều tra, xử lý vừa qua của vụ án này, còn có khiếm khuyết liên quan đến các vấn đề cần làm rõ mà chưa mời những chuyên gia có trách nhiệm chuyên môn. Tôi nghĩ rằng, trong lần trả hồ sơ này, trách nhiệm của cơ quan điều tra, truy tố là phải đưa những người đó vào tham gia tố tụng để khi cần thiết, họ có thể trả lời những vấn đề liên quan, bảo đảm tính chuyên môn chính xác. Nếu như phiên tòa xét xử lại, hy vọng HĐXX triệu tập đầy đủ người có liên quan chứ không riêng gì Cục pháp chế của Bộ Y tế”, luật sư Chiến nói. 

Luật sư Nguyễn Văn Chiến cũng cho rằng, cần phải mời bác sĩ Bùi Nghĩa Thịnh, người nắm chắc, chuyên sâu về hệ thống lọc nước RO. Việc nắm rõ quy trình kỹ thuật sẽ giúp tìm ra nguyên nhân, trách nhiệm thuộc về ai. 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (An Giang):  

Vụ án sẽ không “chìm xuồng” sau khi trả hồ sơ

Việc HĐXX trả hồ sơ vụ bác sĩ Lương cũng là dự đoán của bản thân tôi khi dư luận lên tiếng, nhiều chứng cứ mới xuất hiện, nhiều diễn biến đặc biệt... Tôi rất mong cơ quan điều tra nhanh chóng củng cố bằng chứng để phiên tòa tiếp theo diễn ra sớm nhất. Hiện nay, 9 gia đình nạn nhân đang phải chờ kết luận của tòa để có thể nhận được bồi thường. 

Về việc ý kiến lo ngại vụ án sau khi trả hồ sơ có thể “rơi vào quên lãng” như vụ án hoa hậu Trương Hồ Phương Nga trước đây, tôi nghĩ đây là hai vụ án hoàn toàn khác nhau. Chị Nga không có sau lưng 20.000 bác sĩ, nhân viên y tế đang làm việc, không có 9 gia đình nạn nhân đang chờ đợi kết quả công minh của vụ án. 

Liên quan việc HĐXX kiến nghị làm rõ trách nhiệm của ông Trương Quý Dương, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, tôi cho rằng, tòa án có thủ tục pháp lý, chuyên môn, không nên bình luận khi không biết tình tiết chính xác về thu thập chứng cứ điều tra. 

Bất cập lớn nhất hiện nay là đối tượng không có mặt tại Việt Nam, ảnh hưởng tới việc thu thập chứng cứ để điều tra những mối quan hệ, hợp đồng giữa ông Trương Quý Dương với Công ty cổ phần Thiên Sơn. Trong quá trình điều tra, nếu phát hiện có vi phạm hình sự, mới có thể đề nghị khởi tố, khi không tìm được chứng cớ thì không thể khởi tố được.

 Huyền Anh (ghi)

 An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI